- 1 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 diễn ra tươi vui, nghĩa tình
Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, TP.HCM đã dành tổng kinh phí hơn 1.295 tỷ đồng, tăng 0,1% (hơn 1 tỷ đồng) so với năm 2024 để chăm lo Tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. TP đã thực hiện được phương châm “Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm” và “Tết tri ân – trọn vẹn – nghĩa tình” đảm bảo mọi gia đình, mọi người, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, công nhân, người lao động đều được đón Tết đầy đủ, ấm áp.
Tại Hội nghị tổng kết công tác chăm lo Tết Ất Tỵ 2025, ông Dương Ngọc Hải – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM cho biết, với sự lãnh đạo kịp thời, chỉ đạo từ sớm của Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy, chính quyền TP đã ban hành chỉ thị, kế hoạch và các chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ tập trung, chủ động triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, người nghèo.
TP tăng mức chăm lo cho đối tượng chính sách và mở rộng chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, phấn đấu “không có hộ nghèo nào không được đón Tết cổ truyền của dân tộc”.

Điểm mới của năm 2025 là TP đã tăng số đối tượng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hàng tháng theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 35/2023/NQ-HĐND ngày 8 tháng 12 năm 2023 của HĐND TP.HCM từ 2.588 suất vào năm 2024 lên 4.931 suất vào năm 2025.
Tổng kinh phí chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 gần 1.300 tỷ đồng, tăng 0,1% – tăng 1 tỷ đồng do tăng kinh phí thăm các khu phố, ấp sau sắp xếp và đề xuất thêm đơn vị được thăm và tặng quà Tết.
Với số kinh phí trên, TP đã chăm lo cho 1.331.521 lượt người từ nguồn kinh phí ngân sách và nguồn xã hội hóa. Trong đó, kinh phí Trung ương là 16 tỷ đồng, kinh phí TP là 908 tỷ đồng, kinh phí quận, huyện và TP.Thủ Đức là 42 tỷ đồng, kinh phí vận động là 283 tỷ đồng, kinh phí chúc thọ người cao tuổi là 45 tỷ đồng.
Các quận, huyện và TP.Thủ Đức cũng chăm lo thêm từ nguồn ngân sách của quận, huyện và TP.Thủ Đức cho các diện người có công, hộ nghèo, trẻ em mồ côi và các đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 42 tỷ đồng (48.652 suất); tăng hơn 2 tỷ đồng và tăng 4.294 suất so với năm 2024.
Các ban, ngành, đoàn thể TP và quận, huyện, phường, xã đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa để chăm lo cho các đối tượng với tổng số tiền là 283 tỷ đồng, giảm 43 tỷ đồng so với năm 2024.

Ngoài ra, TP.HCM còn tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025”. Chương trình được triển khai thành hai đợt gồm: đợt 1 thực hiện 100 căn nhà tình thương, phấn đấu hoàn thành trước ngày 22-1-2025; đợt 2 thực hiện 223 căn nhà tình thương, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30-4-2025.
Ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định, Tết năm nay đã diễn ra trong không khí vui tươi, an toàn, tiết kiệm và giàu tính nhân văn. Công tác chăm lo cho nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, hộ nghèo, công nhân xa quê, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã được thực hiện tốt với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
“TP đã chủ động triển khai nghiêm các chỉ thị của Trung ương, đặc biệt là Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đảm bảo cho mọi người, mọi nhà đều có điều kiện vui xuân, đón Tết đủ đầy. Các hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời tạo không khí phấn khởi trong nhân dân”, ông Nên nói.
Ông Nên khẳng định, thành quả của Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trọn vẹn, đầm ấm là nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng lòng của toàn xã hội.
Hồ Trinh
Bình luận (0)