Quê ngoại tôi có một cái tên nghe rất sang chảnh – thôn Hòa Triều. Tuy nhiên, cái tên này chỉ ghi trong lý lịch của người dân, sổ sách của chính quyền, chứ ở ngoài mọi người gọi là “làng Chào”. Cái tên nghe có vẻ “lúa” nhưng rất đỗi thân thiện, gần gũi…
1.Mấy chục năm trước, làng Chào nghèo lắm – Nhà nào cũng đói ăn, thiếu mặc. Cả năm chỉ trông chờ vào mấy ngày Tết để được ăn no, mặc ấm. Vâng! Chỉ là ăn no, mặc ấm chứ không ai dám nghĩ đến chuyện ăn ngon, mặc đẹp.
Mặc ấm thì chỉ là mỗi người được mặc một cái áo bông thật dày may đơn giản với mấy màu đơn điệu như xanh cỏ úa, nâu gụ, xanh cửu long hoặc đen. Toàn là những màu tối, nhìn đã thấy nghèo nhưng ai cũng vui. Trẻ con thì hớn hở, tíu ta tíu tít; người lớn mặt mày tươi rói, nói cười rôm rả… Và trong mắt những người từ trẻ tới già ở quê ngoại lúc bấy giờ như thế là đẹp rồi.
Về chuyện ăn, với chủ trương no là chính nên mâm cổ 3 ngày Tết tuy có đầy đủ các món truyền thống nhưng phần lớn vẫn là tinh bột và rau. Nhìn vào mâm cổ thấy có thịt đông đấy, giò nạc (giò lụa) đấy nhưng… thấy vậy mà không phải vậy. Vì kiếm được tiền quá khó khăn nên mấy ngày Tết dẫu có muốn “chơi lớn” cũng chẳng biết đào đâu ra tiền để mua đồ. Bởi vậy, nồi thịt đông, chỉ có một phần là thịt lợn còn 2 phần là… khoai tây. Mà không phải khoai tây to đâu, loại nhỏ xíu ấy – chỉ cỡ đầu ngón chân cái. Bà ngoại tôi nói: “Loại củ nhỏ rẻ tiền. Mua 4 cân (4kg) loại củ nhỏ mới mua được 1 cân loại củ lớn”. Ngày ấy đương nhiên là không có tủ lạnh – thậm chí trong từ điển của người dân làng Chào còn không có 2 từ “tủ lạnh”, vì thế thịt lợn sau khi được nấu gần nhừ thì bỏ khoai tây đã cạo vỏ vào nấu chung. Nấu xong thì cứ để nồi thịt kho khoai nguội và qua một đêm là thành nồi thịt đông. Tết ngày xưa cũng lạnh hơn Tết bây giờ nhiều nên thịt nhanh đông lắm…
Cũng như món thịt đông – khoai 2, thịt 1; món giò nạc có công thức 1 thịt + 1 bột. Khoảng 29 tháng chạp, các anh chị con của bác tôi người thì giã thịt cho nhuyễn, người thì xay bột (gạo tẻ và nếp) cho mịn. Sau đó cứ 1 cân thịt trộn với 1 cân bột thì gói được 2 cái giò nạc. Bởi vậy khi cắt giò ra thay vì có màu hồng đậm của thịt nạc thì nó lại có màu lợt lợt, ăn thì bở nhưng vẫn ngon, vì nghèo mà, cả năm mới có miếng giò để ăn.
2.Bây giờ thì khác nhiều rồi. Làng Chào quê ngoại đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đường vào từng nhà đã không còn là đường đất, nắng thì bụi, mưa thì lầy mà giờ đây là đường bê tông. Nhà cũng không còn là nhà tranh vách đất, mái rạ (gốc cây lúa sau khi đã được phơi khô) mà là nhà gạch mái ngói, thậm chí có nhiều hộ là nhà cao tầng. Người làng Chào bây giờ ngày nào cũng được ăn no, mặc ấm; riêng 3 ngày Tết là ăn ngon và mặc đẹp. Không chỉ người trẻ mà cả người già, giờ đây quần áo đã đa dạng kiểu dáng và sắc màu. Mấy cái màu xanh cỏ úa, nâu gụ cũng không còn xuất hiện ở làng Chào mà thay vào đó là những sắc màu rực rỡ – nhìn là thấy xuân. Và đương nhiên những nồi thịt đông – 1 thịt + 2 khoai, những cái giò nạc – 1 thịt + 1 bột chỉ còn là quá khứ, là tiềm thức của những người già, người trưởng thành; còn trẻ em bây giờ thì chẳng thể nào biết được. Với thế hệ tương lai của làng Chào hiện nay, nồi thịt đông ngày Tết chỉ có thịt lợn và thịt ngan, món giò nạc chỉ có thịt lợn…
Làng Chào bây giờ đã có một sự thay đổi không hề nhẹ, có rất nhiều thứ đã không còn nữa. Thế nhưng cây đa đầu làng vẫn còn, giếng làng vẫn còn – cái giếng ấy không hiểu sao từ xưa đến giờ, lúc nào nước cũng trong vắt, nhìn thấy cả đáy, thấy cả tôm cá bơi lội tung tăng và nước thì rất ngọt. Nó khác hoàn toàn với những cái giếng của các hộ gia đình. Cũng như các gia đình trong làng, nhà ngoại tôi đào một cái giếng nhưng nước lúc nào cũng vàng khè, chỉ dùng rửa tay rửa chân thôi chứ chẳng làm được gì. Bởi vậy, cả làng phải gánh nước từ giếng làng về để nấu ăn. Bây giờ nước máy đã vào đến tận bếp của các hộ gia đình nhưng giếng làng vẫn còn đó. Chiều 30 Tết, nhiều người già trong làng kêu con cháu ra giếng làng gánh nước về nấu nước lá bưởi để tắm gội nhằm xua đuổi những cái đen đủi, xui xẻo trong năm qua.
3.Một món ăn ngày Tết vẫn còn lưu giữ được ở làng Chào sau nhiều thập kỷ đó là bánh cục. Cái tên nghe rất quê, thì đúng rồi bánh của người nhà quê làm ra mà. Bánh cũng chẳng có gì hấp dẫn bởi nguyên liệu cực kỳ đơn giản – bột gạo. Đúng vậy. Ở thời đại 4.0 này, chỉ cần một cái điện thoại thông minh có kết nối internet thì muốn ăn bánh nào mà chẳng có, từ bánh dân gian đến hiện đại, từ bánh ta đến bánh Tây. Vô lý như vậy đó nhưng bánh cục vẫn ngạo nghễ xuất hiện trong mâm cỗ 3 ngày Tết của tất cả các gia đình ở làng Chào quê ngoại.
Khi còn sống, bà ngoại từng nói với tôi rằng, muốn làm bánh cục, trước tiên là phải ngâm gạo – tỷ lệ 3 nếp + 2 tẻ. Gạo được ngâm qua đêm rồi đem xay, xay tay và xay bằng cối đá xanh. Bột gạo được trộn với nước và nặn thành hình tròn to hơn quả nhãn một chút. Tùy vào tình hình kinh tế mà rắc thêm vừng (mè trắng) hoặc không. Sau đó rán (chiên) vàng rồi vớt ra bát to (tô), trong bát đã có mật mía. Bánh được ngâm ngập trong mật mía vài phút thì gắp vào đĩa bày lên bàn thờ cúng tổ tiên.
Món bánh cục… quê một cục của làng Chào, dù là giai đoạn đói ăn trước đây hay bây giờ đã có của ăn của để thì người làng Chào vẫn thích. Không chỉ người già, người trưởng thành đã từng ăn mà ngay cả những đứa trẻ 5-7 tuổi cũng mê nữa.
Người làng Chào xa quê, mỗi khi có dịp về quê ăn Tết đều không quên món bánh cục. Bởi trong món bánh cục đó chứa đựng tất cả những vui buồn, đổi thay của ngôi làng. Món bánh cục đó cũng giống như cây đa đầu làng và cái giếng giữa làng, trường tồn cùng hai tiếng “làng Chào” trong lòng mỗi người dân nơi đây…
Kim Anh
Bình luận (0)