Đồng chí An Văn Huân – Phó Tổng biên tập Báo ANTĐ và Giám đốc Trung tâm mua sắm
Chiều biên giới, gió đông xào xạc thổi tung cả cánh rừng ven thị trấn, thế nhưng bất chấp cái lạnh, hàng trăm học sinh huyện Điện Biên Đông đã tề tựu đông đủ để đợi nhận quà tự bao giờ. Nhìn những gương mặt nhem nhuốc co ro trong cái lạnh của rừng hoang, mới thấy nỗi vất vả của chặng đường 600km mà chúng tôi vừa vượt qua vẫn chưa thấm vào đâu so với nỗi khổ mà học sinh nơi đây đang phải đối mặt. Cậu bé Mùa A Dánh người dân tộc Mông hiện là học sinh lớp 7, trường Trung học cơ sở Điện Biên Đông nghe nói đi nhận quà vội tới mức quên cả về nhà cất cặp sách. Vừa tan học là Dánh vơ luôn sách vở tót ngay ra sân khu nội trú để đợi đoàn. Dánh 12 tuổi, nhưng chẳng còn nhớ chút gì về bố mẹ. Ma túy và căn bệnh AIDS đã cướp đi của em hơi ấm người thân từ khi Dánh chưa tròn 2 tuổi. Bơ vơ, không nơi nương tựa, đến giờ phút này Dánh vẫn còn được đến lớp chứ không lang thang như con mang, con hoẵng ngoài rừng là cả một nỗ lực, cố gắng phi thường của các thầy cô giáo và Phòng Giáo dục huyện.
Khỏi phải nói các thầy cô giáo của Điện Biên Đông mừng đến thế nào khi tiếp nhận từ đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô và Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim những dàn máy tính và số gạo để ăn tết. Nhìn các thầy cô xúc động khi nhận quà, đồng chí Thượng tá An Văn Huân – Phó Tổng biên tập và đại diện Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim rất vui bởi số quà Báo An ninh Thủ đô và Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim mang lên có hơn 5.000kg gạo nhưng các thầy cô đã phải tính toán quá đỗi kỹ càng để lo cho các em không chỉ một cái tết mà còn cho cả những ngày giáp hạt về sau. Cả huyện có tới 5 điểm trường mầm non và 1 điểm trường tiểu học với tổng số gần 400 học sinh sẽ được nhận số quà này.
Một cô giáo kéo cậu bé Tráng A Cử ra trước mặt tôi. Nhà Cử mãi dưới bản Tiền Ló, xã Nong Ô. Trước đây, sáng nào Cử cũng đi bộ tới trường, phải leo qua mấy con dốc cao chót vót trong khi bụng thì rỗng tuếch. Thế nên học được ba bữa Cử phải bỏ. Cử bảo: “Đói lắm, em chẳng học nữa đâu. Học mãi đâu có no cái bụng, về đi nương thôi”. Khốn nỗi một đứa trẻ hơn chục tuổi đầu, lại mồ côi cả cha lẫn mẹ thì ai dạy cho cầm cuốc mà làm nương. Các thầy cô giáo lại vào tận bản lôi cậu bé ra cho ăn rồi dạy chữ. Có cái ăn, Cử mới ở lại nội trú trong trường. Trời rét như cắt, thế mà Cử chỉ phong phanh 2 chiếc áo sơ mi mặc lồng vào nhau, cái nào cũng đứt lòi cả cúc phải dùng kim băng ghim lại.
Nghe những lời tâm sự, những mẩu chuyện về các cháu học sinh, chúng tôi chợt thấy khóe mắt cay cay. Cái đói, cái nghèo khiến cho các thầy cô giáo ở đây luôn lo xa hơn cả việc ngóng cái tết đang ngày một đến gần. Hoa đào bắt đầu nở rộ bên những vạt rừng, nhưng vùng đất của lịch sử này sau gần 60 năm chiến thắng vẫn còn những con người đón tết trong muôn vàn thiếu thốn.
Bình luận (0)