Đối với nhiều giáo viên vùng cao, mỗi khi thấy cánh đào, cánh mận hé nở bên núi, họ lại ngậm ngùi.
Vượt lên nỗi lo cơm áo gạo tiền, mỗi khi tết đến, thầy cô giáo Trường Cán Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang) còn lo cho học sinh của mình đủ ấm mỗi khi lên lớp – Ảnh: Đ.Bình |
Cái rét cắt da cắt thịt ròng rã suốt cả tháng qua khiến bầu trời vùng cao biên giới Hà Giang, Lào Cai càng thêm u ám, dù tết đang rất cận kề. Gió rít u u, đất đá lạnh lẽo, cây cối im lìm, đào, mận, ban cũng chẳng thể bật mắt ra hoa. Ngày 23 tháng chạp, khi đoàn cứu trợ chuyển những món quà xuân của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đến xã vùng cao Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) thì dường như cái tết vẫn còn rất xa.
Ngậm ngùi… tết
Trong cái rét cắt da 6-7 độ C, giáo viên Trường THCS Y Tý vẫn cặm cụi, co ro ôm sách vở soạn bài trước cho khoảng thời gian sau tết. Cô giáo Bùi Thị Lan cùng các đồng nghiệp dù rất ái ngại nhưng vẫn dẫn chúng tôi xuống căn bếp nguội lạnh, trống tênh để nhóm lửa đun nước, giúp khách sưởi ấm. Chiếc ấm nhôm đã móp mép, phải lấy một chiếc đĩa sứ làm nắp đun cho nhanh sôi. “Chiếc ấm này chúng em thừa kế lại của các chị đi trước, cũng gần chục năm tuổi thọ rồi” – cô Lan cười nói.
Đã nghỉ dạy ba tuần do rét, học sinh nghỉ nhưng cô Lan và các giáo viên khác vẫn phải ở lại vì còn họp hành, tổng kết và dọn dẹp. “Tết nhất đến nơi rồi, sao không thu dọn sớm rồi về quê sắm tết, đằng nào rét học sinh cũng nghỉ?”. Câu hỏi khiến ánh mắt cô Lan trở nên xa xăm, buồn bã. Ngoài lương, thưởng tết mỗi người được 200.000 đồng thì mua sắm gì. Từng đấy tiền chỉ đủ để người có nhà gần mua xăng, uống nước dọc đường”.
Cô Lan bộc bạch: “Mình công tác trên này lâu rồi, gọi là thưởng tết cho tinh thần thêm phấn chấn, chứ với từng đấy tiền… mừng tuổi bọn trẻ ở nhà không đủ”.
Thầy Lê Quốc Huy (24 tuổi, quê Yên Lập, Phú Thọ), giáo viên Trường THCS Xín Cái (huyện Mèo Vạc, Hà Giang), nói: “Mình ra trường, xin lên vùng cao dạy luôn và đây là cái tết thứ hai. Giáo viên chẳng có khái niệm thưởng tết. Mà không có thì thành quen thôi”. Tết năm trước, năm đầu tiên thầy Huy vào nghề thì không có thưởng tết, nhưng trước ngày nghỉ tết phòng giáo dục huyện và nhà trường tặng một gói quà tết tượng trưng với khoảng 500.000 đồng tiền mặt. Thầy Huy bảo năm trước chưa vợ, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Lương tháng nào tiêu hết tháng đó, thành ra tết phải vay mượn thêm mới dám về quê. “Năm nay chắc đỡ hơn vì có vợ cùng ngành nên quản chặt, hai vợ chồng ky cóp chắc để dành được tí. Cũng đỡ tủi thân khi về quê ăn tết” – thầy Huy thổ lộ.
Tại Trường tiểu học Cán Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang), cô Vũ Hải Yến – phó hiệu trưởng – tâm sự: “Trường có 43 giáo viên, hầu hết người các tỉnh dưới xuôi lên dạy học. Tết ai cũng muốn về quê, nhưng để có tiền về quê không phải ai cũng dành dụm được”.
Giữ chân bằng tình yêu nghề giáo
Thầy Dương Thạch Trung, phó hiệu trưởng Trường THCS Cán Chu Phìn, nói thêm: “Sau một năm làm việc ai cũng ngóng chờ khoản thưởng tết, dù ít hay nhiều. Trường vùng cao chẳng có khoản thu gì, các trường tằn tiện cũng cố chia cho mỗi giáo viên được khoảng 700.000 đồng. Với khoản “thưởng nóng” khiêm tốn này, các thầy cô phần nào được an ủi”.
Theo thầy Trung, thu nhập của giáo viên vùng cao mấy năm gần đây cũng nâng lên đáng kể, bình quân 3-4,5 triệu đồng/tháng/người. Tuy nhiên, mọi chi phí ở vùng cao cũng cao hơn khá nhiều. Đợt rét này giá mớ rau, con cá suối tăng vùn vụt. Thịt heo đúng 100.000 đồng/kg, gà cũng 120.000 đồng/kg, gạo tẻ cũng 17.000-18.000 đồng/kg.
Vì chi phí cao, đi lại khó khăn nên nhiều cặp vợ chồng giáo viên dạy khác huyện rất ít cơ hội gặp gỡ. Cô giáo Lương Thị Hồng Hạnh (Y Tý, Bát Xát) có chồng dạy học cách trường vợ khoảng 50km, nhưng cưới nhau hơn một năm mà số lần gặp nhau tính chưa đủ tròn 10 ngón tay. Từ khi cô Hạnh mang thai đến nay đã được năm tháng, hai vợ chồng nhiều lắm cũng chỉ thu xếp gặp nhau được mỗi tháng một lần. “Tiết kiệm đi lại để dành dụm mua sữa cho con sau này” – cô tâm sự.
Tết đến, ngoài chuyện cơm áo gạo tiền, giáo viên vùng cao còn lo cả chuyện chuyên môn. Cô Hiền, giáo viên điểm Trường Lùng Vần Chải (xã Xín Cái), cho biết học sinh vùng núi chủ yếu là người dân tộc. Đưa được các em đến trường đã khó, giữ học sinh còn khó hơn. Chỉ sợ tết nghỉ nhiều, học sinh quên hết chữ, quên cả đường đến trường. “Hơn 10 năm dạy ở các trường vùng cao Hà Giang, hầu như sau mỗi cái tết, giáo viên khi trở lại trường phải thêm nhiệm vụ đi vận động, mời học sinh trở lại trường”.
“Nếu không có tình yêu với nghề, với học trò vùng cao, chắc chắn chúng tôi khó gắn bó với nghề lâu dài. Những ngày xuân có được đôi ba triệu đồng đem về quê tiêu tết thì hạnh phúc lắm rồi” – cô Vũ Hải Yến bộc bạch.
ĐỨC BÌNH – MINH QUANG (Theo TTO)
Bình luận (0)