Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Tết xa nhà để “nối những bờ vui”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lưu Văn Sơn (thứ nhất từ trái sang) đang cùng các anh em trong đội chuẩn bị khoan cọc nhồi ở cầu Bông
Thời khắc này, trong khi nhà nhà rộn ràng sắm đồ Tết, người người chuẩn bị về quê đón xuân thì ở những cây cầu trọng điểm đang được xây mới của TP.HCM, các công nhân và kỹ sư vẫn đang nỗ lực làm việc cả ngày lẫn đêm để kịp tiến độ bàn giao công trình. Với họ, Tết này sẽ là cái Tết xa quê.
Tận tâm tận lực với công việc chung
18 năm qua, chàng trai Lưu Văn Sơn quê ở Lục Ngạn, Bắc Giang luôn được đón Tết cùng gia đình. Năm nay, ở tuổi 19, sẽ là lần đầu tiên trong đời Sơn đón Tết xa quê. Là nhân viên khoan cọc nhồi ở công trình cầu Bông, Sơn làm việc cần mẫn mỗi ca 12 tiếng không kể ngày đêm. Tết đầu tiên xa quê, xa người yêu, xa gia đình là những cảm giác mà Sơn chưa từng nếm trải, nhưng với Sơn vào lúc này “Em cảm thấy lòng dạ bồi hồi khó tả, nhưng vì trách nhiệm trong công việc, người lớn làm việc lớn, người nhỏ làm việc nhỏ nên em cố gắng”.
Sơn là một trong số hơn 100 công nhân đang tham gia thi công tại các công trình cầu trọng điểm ở  TP gồm cầu Bông (Bình Thạnh – quận 1), cầu Lê Văn Sỹ (quận 3) và cầu Hậu Giang (quận 6). Những công trình này đang được tiến hành liên tục cả ngày lẫn đêm và làm cả thời gian Tết cho kịp tiến độ hoàn thành để bàn giao công trình.
Anh Trần Bá Hiếu quê Thủ Dầu Một, Bình Dương cũng “sống với công trình, ăn ngủ với công trình” ở bên đầu cầu Bông. Công việc quản lý công nhân với anh Hiếu là công việc không được một phút lơ là: “Anh em làm việc suốt đêm thì mình cũng thức trắng đêm để đồng hành và đôn đốc mọi người trong công việc”. Trong cuộc đời người thanh niên 34 tuổi, đây cũng là lần đầu tiên anh không được ở bên cạnh người vợ trẻ và con thơ để đón Tết xa nhà.
Người dân ở khu vực cầu Bông, cầu Lê Văn Sỹ cho hay họ rất quý mến anh em công nhân và kỹ sư công trình vì: “Đa phần họ là người miền Bắc, đã vượt hàng ngàn cây số vào đây, để chung tay làm nên công trình mới. Họ mang trong mình lòng nhiệt huyết của những người con đất Việt đang chung tay xây dựng các vùng miền của Tổ quốc. Đó cũng là lý do khiến người dân miền Nam chúng tôi rất quý mến họ”, cô Ba bán tạp hóa gần công trình cầu Bông nói.
Anh Nguyễn Văn Nhâm, người thanh niên của vùng đất quê Bác – Nghi Xuân, Hà Tĩnh cùng 24 người trong đội thi công ở khu vực cầu Lê Văn Sỹ cũng được người dân quý mến như thế. Quanh năm bôn ba Bắc – Nam để làm công trình, anh đành rời xa người vợ trẻ và đứa con thơ chưa tròn 2 tuổi cùng cha mẹ già. Chàng kỹ sư 33 tuổi nói rằng: “Công trình dù ở miền Bắc hay miền Nam hoặc ở bất cứ nơi đâu cũng là để phục vụ nhu cầu lưu thông của người dân được an toàn, nên phải làm hết trách nhiệm và hết sức mình”.
Lãnh đạo TP sẽ đến thăm ngày đầu xuân
Việc đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM sẽ đến thăm, tặng quà, chúc Tết các kỹ sư và công nhân ở ba công trình cầu vào ngày mùng 1 Tết là điều mà hơn 100 con người đang mong đợi. Họ mong đợi từng ngày cho mau đến thời khắc thiêng liêng ấy.
Ông Nguyễn Đình Chứ, chỉ huy trưởng công trình cầu Lê Văn Sỹ cho biết thông tin trên và khẳng định “Sự kiện này là nguồn động viên to lớn và niềm vinh dự cho anh em đang chung tay xây dựng ở các công trình. Nghĩa cử cao quý này còn là nguồn động lực thúc đẩy mọi người làm việc hăng say hơn”.
Tết là thời khắc thiêng liêng kéo ông Chứ về với nỗi nhớ quê hương và gia đình da diết. Đó cũng là nỗi niềm của các kỹ sư và các công nhân khi thời gian đang dần trôi vào khoảnh khắc cuối năm. Và năm nay, những nỗi niềm ấy sẽ được tái diễn trong lán trại ngay bên đầu cầu Lê Văn Sỹ vào đêm giao thừa. Ông Chứ, người nặng lòng với truyền thống và tập tục Tết ở vùng quê đất Bắc cho hay ông sẽ chủ trì buổi lễ đón giao thừa cho anh em được sum vầy trong không khí ấm áp để vơi bớt nỗi nhớ người thân, gia đình trong thời khắc thiêng liêng của đất trời. Tập tục chúc Tết và lì xì đầu xuân cũng sẽ được tái hiện ở đó. Mong rằng các người kỹ sư cùng anh em công nhân sau những giờ lao động cật lực vất vả, họ cũng sẽ được đón xuân với nhiều tập tục gợi nhớ hình bóng quê nhà.
Bài, ảnh: Bích Vân
“Mỗi năm chỉ có một cái Tết, ai lại không muốn về với gia đình, nhưng mình cần cố gắng hy sinh khoảnh khắc quý báu bên người thân của mùa xuân năm nay, để những mùa xuân sau dân mình có cây cầu lưu thông cho an toàn” – anh Trần Bá Hiếu chia sẻ!
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)