Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tết xưa với “ông đồ” nay

Tạp Chí Giáo Dục

 

“Ông đồ” Bùi Hiến đang… phóng bút ở đường phố

Tết đến xuân về, trên những con phố Sài Gòn, người ta lại thấy các ông đồ xuống phố bày mực Tàu giấy đỏ, tái hiện nét văn hóa xưa thật đẹp…
Nét xưa với những ông đồ nay
Mỗi độ xuân về, người dân ở Sài Gòn lại thấy các ông đồ bày mực Tàu giấy đỏ, hí hoáy viết chữ ở các đường phố làm sống dậy một nét văn hóa xưa, một thú chơi tao nhã dân gian ngày trước. Chuyện ông đồ xuống phố viết chữ, cho chữ… xuất hiện khá lâu. Năm 1936, khi nhà thơ Vũ Đình Liên sáng tác bài thơ Ông đồ, trước đó các ông đồ đã xuống phố… viết thuê. Nhà thư pháp Bùi Hiến (anh con bác ruột với thi sĩ Bùi Giáng) được xem là tiên phong tái hiện hình ảnh “ông đồ” của Vũ Đình Liên trên phố Sài Gòn. Những ngày giáp Tết năm 1999, Bùi Hiến một mình, một tay một bút viết thư pháp, bày câu đối, liễn, hoành phi… ở góc đường Tú Xương – Nguyễn Thông. Ông “đóng đô” ở đây được hai mùa tết thì bị công an đuổi, đành “lánh nạn” sang góc phố Trương Định – Điện Biên Phủ. Từ đó đến nay, cứ “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Tuy cha, chú đều là những nhà Nho học, Tây học nhưng Bùi Hiến lại tái hiện hình ảnh một “ông đồ” viết thư pháp, câu đối bằng chữ quốc ngữ. Trong tiềm thức người dân Việt, hình ảnh “thầy đồ” cho chữ bằng chữ Nho trang trọng, nay “tái hiện” một “thầy đồ” viết bằng chữ quốc ngữ khiến nhiều người bị “sốc”. Nhiều người công khai chỉ trích bằng nhiều hình thức cái kiểu “thầy đồ” này. Nhà nghiên cứu, biên dịch Phạm Hoàng Quân nói: “Thời đó, tôi đã viết bài chỉ trích hiện tượng này. Tôi không chịu được cái cách người ta viết câu đối, thư pháp bằng chữ quốc ngữ. Tuy nhiên, sau này tôi nhận ra, đó là quy luật xã hội, chữ Nho đã suy lắm rồi, không thể níu kéo, cái thú chơi chữ này cũng yếu lắm rồi”. Bình thản đón nhận những luồng ý kiến khen – chê, ủng hộ – chỉ trích hành vi “bình thường hóa” hình ảnh “đồ nho”, Bùi Hiến cho biết: “Dư luận lúc đó, có cả bạn bè tôi công khai chỉ trích trên báo đài việc tôi viết thư pháp, câu đối, liễn bằng chữ quốc ngữ. Họ cho rằng tôi đã làm tầm thường hóa nét văn hóa xưa rất trang trọng. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, làm được gì cho đời thì làm, đừng giữ mãi nét xưa khi gu thẩm mỹ xã hội đã thay đổi. Nếu cứ câu nệ thì nét văn hóa xưa này sẽ “chết” mất”. Và, trong dòng “thầy đồ” xuống phố, người ta bắt gặp “đồ” Phạm Hoàng Quân ở một góc phố Sài Gòn. Cũng mực Tàu giấy đỏ, cũng bút cũng nghiên, “ông đồ” Phạm Hoàng Quân cũng “bán” chữ như bao “đồ nho thời nay” xuống phố. Cái mà “đồ” Phạm Hoàng Quân giữ được cho đến nay sau bao cái tết xuống phố “bán” chữ là ông vẫn viết bằng chữ Hán, tuyệt đối không viết một câu thư pháp, một câu đối nào bằng chữ quốc ngữ. Tuy vậy, cả hai “ông đồ” gạo cội này đều thừa nhận, nét văn hóa xưa đẹp đẽ này nay đã phai nhạt lắm rồi, đi khắp Sài Gòn không thể tìm đâu ra ông đồ ngày xưa đúng nghĩa.
“Ông đồ” và cách “xin – cho” chữ ngày nay

Ngày nay khi viết chữ ở đình, chùa, “ông đồ” cũng phải áo mũ chỉnh tề theo kiểu xưa

Chỉ có những ngày giáp Tết, khi những cơn gió hao hao giữa trời nắng hanh hanh, lá vàng bay xào xạc trên phố Sài Gòn mới thấy bóng dáng “ông đồ”. Tuy vậy, “ông đồ hiện đại” khác xưa lắm, không áo dài khăn đóng, không phải thầy dạy chữ. Đơn thuần, họ là người yêu loại hình nghệ thuật này và có hoa tay, viết chữ đẹp. Các “ông đồ” xuống phố với trang phục khá bình dân, đơn giản. Cũng quần Tây, quần kaki, áo thun, áo sơ mi, chân đi giày Tây, thậm chí là… dép lê. Cũng điện thoại di động gọi ríu rít, cũng xe máy chạy phà phà. “Ông đồ” Phạm Hoàng Quân cho biết: “Từ năm 2003, 2004 đến nay, mỗi năm tôi dành khoảng ba ngày, bắt đầu từ 27 tháng Chạp để xuống phố viết chữ. Chỉ khi tôi tham gia viết chữ ở đình tôi mới mặc áo dài, khăn đóng cho đúng hình ảnh ông đồ ngày xưa. Khi xuống phố cứ mặc thoải mái như ngày thường”.
Hơn nữa, “ông đồ” ngày nay cũng không nhất thiết là “lão”, nhiều “ông đồ” mặt “búng ra sữa” cũng xuống phố. Nguyễn Lưu Thà, Phạm Đình Ngọc xuống phố khi còn là sinh viên Khoa Ngữ văn và Báo chí, ĐHKHXH&NV TP.HCM. Nhiều bạn trẻ của CLB Thư pháp của Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM cũng xuống phố làm “ông đồ”. Không chỉ xuống đường, các “thầy đồ” còn “chạy sô” viết tại các quán cà phê, các công ty… theo đơn đặt hàng. “Ông đồ” Phạm Hoàng Quân cho biết: “Có năm quán cà phê muốn tạo không khí tết nhất cho khách nên mời tôi đến viết. Có năm thì một công ty mời đến viết vào dịp tất niên công ty”. Phần lớn, các “ông đồ” xuống phố là để thỏa thú chơi của mình hơn là kiếm tiền. “Ông đồ” Phạm Hoàng Quân “bật mí”: “Chủ yếu là viết cho mấy người quen, rồi viết tặng bạn bè thôi. Viết vẽ cái này ế lắm, tiền bạc gì. Tôi thích xuống phố vì không khí ngày xuân rất hay. Có khi tôi xuống phố là để tìm lại cái không khí “Ông đồ” của Vũ Đình Liên”. “Ông đồ” Bùi Hiển tâm sự: “Xuống phố chỉ là tụ tập bạn bè yêu thích loại hình nghệ thuật này lại chơi, làm cho thành phố có chút không khí Tết xưa”. Tuy vậy, cũng không ít “ông đồ” kinh doanh và trúng lớn từ thú chơi này. Các “ông đồ” trẻ thường đặt vấn đề kinh doanh nặng hơn thỏa mãn đam mê chơi chữ. Trước Tết năm con trâu vừa qua, “ông đồ” Lưu Thà đã dốc vốn chuẩn bị hàng để “Bắc tiến”. “Ông đồ” trẻ này đã đưa chữ về quê ở Hải Dương. Từ những ngày giáp Tết đến ra Giêng, hội hè đầu năm, “ông đồ” Lưu Thà luôn có mặt ở các đình chùa, di tích ở quê. Cũng như bao “ông đồ” khác vay mượn vốn để kinh doanh mặt hàng này, “ông đồ” Lưu Thà cho biết phải viết trước các câu đại loại chúc Tết, chúc may mắn, cầu phúc… phù hợp với không khí ngày Tết để phục vụ người dân du xuân. Và, các “ông đồ” cũng “nhìn mặt đặt tên”, cùng bức thư pháp nhưng với người bình dân, người am hiểu về chữ, yêu thích, nâng niu chữ giá sẽ thấp hơn rất nhiều so với người khá giả, mua chữ để trang trí cho đẹp, cho oai. Và, người “xin chữ” nay cũng khác xưa rất nhiều. Ngày nay, nhiều người cũng không còn chuộng các câu phù hợp với không khí tết nhất, cầu chúc may mắn, thành công. “Ông đồ” Lưu Thà nói: “Tôi đi viết nhiều năm nên biết, có khi họ đọc cho mình viết những câu chế tác, những câu vui vui hay đại loại châm biếm. Có khi tôi bán những bức viết những câu kiểu này nhiều hơn là những câu trang trọng, nghiêm túc”. Thế mới biết, nét xưa nay đã phai màu…
Năm Kỷ Sửu đi qua, Canh Dần đã về. Và, “Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa”, chỉ thấy các “ông đồ hiện đại” lại xuống phố mong tìm lại nét xưa…
Công Việt

“Ông đồ” Phạm Hoàng Quân cho biết “Ngày xưa, người xin chữ dù không biết chữ (chữ Hán nên người bình dân không đọc được) nhưng họ xin chữ với tâm thế ước ao có chữ. Không khí xin – cho trang trọng, còn tiền bạc chỉ là người xin chữ ngầm hiểu, gửi lại người cho chữ ít tiền gọi là tiền bút mực. Ngày nay, không phải xin chữ mà người ta đi mua chữ”.

“Ông đồ” Bùi Hiến nói “Bây giờ, họ đi mua chữ như mua rau muống, cũng kì kèo thêm bớt, cũng trả giá chanh chua lắm. Nhìn họ trả giá mình thấy… phát ớn”.

 

 

 

 

Bình luận (0)