Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Thà ảo còn hơn rớt oan!

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nhận định của các trường ĐH, tình trạng thí sinh (TS) ảo trong mùa tuyển sinh năm nay sẽ rất lớn. Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 quy định mỗi TS được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) tối đa vào hai trường, mỗi trường tối đa hai nguyện vọng. Trên lý thuyết, một TS có thể trúng tuyển luôn cả hai trường nhưng chỉ có thể theo học một trường. Như vậy cứ một TS ĐKXT thì có thể xuất hiện một TS ảo. Cũng theo quy chế, với các đợt xét tuyển bổ sung TS được đăng ký tối đa vào ba trường, mỗi trường không quá hai nguyện vọng, số TS theo đó sẽ tăng lên nhanh hơn.

Tình trạng TS ảo gây không ít khó khăn cho nhiều trường trong công tác tuyển sinh. “Năm nay, việc tính toán điểm chuẩn mất nhiều thời gian hơn năm ngoái do tỷ lệ TS ảo cao hơn. Các trường phải cân nhắc, tính toán xem mức độ ảo thế nào, nằm ở đâu. Nếu tính không chuẩn, thừa TS trúng tuyển so với chỉ tiêu sẽ bị Bộ GD-ĐT phê bình, thiếu chỉ tiêu thì trường lại phải tuyển đợt hai”, PGS. Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trả lời truyền thông như vậy.

Nhưng đối phó với tình trạng TS ảo không phải là vấn đề chỉ có ở Việt Nam mà ở bất kỳ nước nào áp dụng phương pháp tuyển sinh mở rộng. Ngay như trường ĐH danh giá Harvard (Mỹ), trong danh sách gọi nhập học hằng năm vẫn có khoảng 15-20% TS không đến vì nhiều lý do, trong đó có cả TS ảo.

Ngày trước, mỗi TS chỉ được đăng ký dự thi vào một trường. Với phương pháp tuyển sinh cổ điển này sẽ không có TS ảo nhưng có nhược điểm lớn là nhiều TS giỏi bị rớt oan. Nguyên nhân có thể do TS chọn sai trường, do yếu tố may rủi của đề thi, do tình trạng sức khỏe trong ngày thi… Để khắc phục nhược điểm này, người ta đưa ra phương pháp tuyển sinh mở rộng. Với phương pháp này, một TS có thể đăng ký vào nhiều trường nhưng nhược điểm là xuất hiện TS ảo.

Ngày nay phần nhiều các trường áp dụng phương pháp mở rộng trong tuyển sinh, vì thà chịu TS ảo hơn là để TS giỏi bị rớt oan. Với cách tuyển sinh này, các trường cũng dần tích lũy được kinh nghiệm, biện pháp chống TS ảo. Biện pháp mà các trường hay áp dụng là gọi dư thêm một tỉ lệ TS trúng tuyển so với chỉ tiêu để bù vào số TS ảo. Nhược điểm của cách làm này là số TS nhập học có thể vượt chỉ tiêu, gây phiền hà cho trường. Một biện pháp khác đang được khuyến khích là các trường liên kết thành nhóm tuyển sinh chung và sử dụng chung phần mềm xét tuyển để lọc ảo. Đây là cách mà Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và 11 trường khác đang thực hiện.

Mới đây, trả lời truyền thông Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, bộ đã bỏ quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước, nhờ đó nhà trường thuận lợi hơn trong việc lấp đầy chỉ tiêu bị thiếu. Ngoài ra, bộ cũng cho phép các trường không phải chờ TS nhập học mới biết số lượng chính thức vào học mà chỉ 5 ngày sau khi công bố kết quả, nếu TS không nộp giấy báo kết quả thi thì trường có quyền tuyển bổ sung. Đó là những động thái kịp thời, cần thiết để hạn chế tình trạng TS ảo ở mức thấp nhất trong khả năng của mình.

Từ Nguyên Thạch

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)