Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thà đói ăn chứ không để con thiếu chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Phan Thị Ngọc Trinh và con gái Phan Thị Kim Ngân

Vì thất học nên đời cha mẹ khổ, làm quần quật mà không đủ ăn. Đến đời con, dẫu có ăn rau ăn cháo cũng phải cho đi học. Bởi chỉ có học thì con cái mới thoát khỏi cuộc sống khốn khó như cha mẹ…
Bào củ năng cho con đến trường
Mang tiếng là ở nông thôn nhưng ngoài cái nhà xiêu vẹo ra, vợ chồng bà Phan Thị Ngọc Trinh (ấp 4, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) không có tấc đất nào để trồng rau, nuôi cá. Vì thế từ bó rau, củ hành đến con tép, con cá đều phải ra chợ mua. Muốn mua thì phải có tiền nhưng ông bà lại không có nghề nghiệp ổn định. Mỗi ngày ông chạy xe ôm kiếm được vài chục ngàn đồng. Những hôm không có khách coi như mất oan tiền xăng. Còn bà, ai thuê gì làm nấy, bữa kiếm được 10 ngàn, bữa thì 20 ngàn, cũng có bữa không ai mướn… Cơm bữa đói bữa no thì mơ gì chuyện cho con đến trường đến lớp. Thế là hai đứa con lớn của ông bà chỉ được học hết lớp 2 là phải nghỉ.
Năm 2006, chồng mất. Lúc đó, hai đứa con gái lớn đã lấy chồng, gánh nặng gia đình đặt hết lên đôi vai gầy gò của bà Trinh. Bà lại tiếp tục công việc làm thuê, ai thuê làm gì thì làm nấy. Khổ nỗi, bây giờ bà đã già, sức khỏe không còn nên ít ai dám thuê bà. Có nhiều lúc, cơm không có mà ăn, bà nói với đứa con gái út là Phan Thị Kim Ngân (hiện đang học lớp 10A15 Trường THPT Bình Chánh): “Thôi con nghỉ học đi, mẹ lo hết nổi rồi”. Lúc đó Ngân năn nỉ mẹ: “Mẹ ráng cho con được đến trường, con thích đi học lắm. Khi nào con không được lên lớp thì con sẽ nghỉ”. Thế là bà Trinh lại ráng. Bà ráng kiếm từng đồng, từng cắc để có thể cho con đến trường.
Gần đây, bà kiếm được mối làm ăn ổn định – đó là bào củ năng. “Khoảng 2-3 giờ sáng, tôi tới nhà chủ lãnh củ năng về bào. Bào xong là đem giao ngay chứ không để qua đêm vì sẽ bị hư, mà hư thì không có tiền đền. Trung bình mỗi ngày tôi bào khoảng 20kg, kiếm được gần 40 ngàn đồng (1,8 ngàn đồng/kg)”, bà Trinh nói.
Còn Kim Ngân, nhìn gương cha mẹ và hai chị vì thất học mà cuộc sống chật vật nên em luôn cố gắng học tốt. Không chỉ có vậy, tranh thủ những ngày nghỉ học, em đi làm thêm kiếm tiền mua sách vở…
Sẩy mẹ bú dì
Chỉ trong vòng chưa đầy 50 ngày, Nguyễn Thị Kim Hồng (học sinh lớp 7/4 Trường THCS Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh) đã mất cả cha lẫn mẹ. Trăm sự cũng bởi nghèo – nghèo nên có bệnh mà không đi bác sĩ được và phải chết trong đau đớn.
Ngày cha mẹ lần lượt qua đời, Hồng mới 12 tuổi. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, vậy mà Hồng đã trở thành một đứa trẻ mồ côi. Thật may mắn, giữa lúc cô bé chưa biết phải xoay xở với cuộc sống khốn khó này như thế nào thì dì Lê Thị Kim Anh (chị gái của mẹ) đã đón em về nuôi.
“Sẩy cha còn chú/ Sẩy mẹ bú dì”, dì chẳng khác nào mẹ của Hồng – đã lo cho mấy chị em Hồng được no cái bụng và đầy cái chữ.
“Cháu Hồng còn một chị gái đang học lớp 9, một em trai đang học lớp 5. Tôi phải thay đứa em gái vắn số của mình lo cho chúng được học hành đến nơi đến chốn. Mấy lần, tụi nó nói: “Dì cho tụi con nghỉ học, ở nhà kiếm tiền phụ dì” nhưng tôi không chịu. Tôi nói với tụi nói: “Bây nhìn gương ba má và các anh các chị bây đi, vì không được đi học nên khổ vậy đó. Tụi bây phải cố mà học chứ, dì còn sống ngày nào thì không để cho tụi bây phải bỏ học đâu”. Nghe vậy, chúng nó không đứa nào đòi nghỉ học nữa. Trong ba đứa, Hồng là học giỏi nhất”, bà Kim Anh (ngụ xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) – dì của Hồng – kể lại.
Theo lời kể của bà Kim Anh, Hồng có chín anh chị em, hai đứa đã có gia đình. Ngoài ba đứa đang đi học, còn lại đều đi làm. Nhưng vì ít học nên cũng chỉ là làm thuê làm mướn, thu nhập không ổn định. Bởi vậy cũng không có dư để phụ dì nuôi các em ăn học. Gia đình bà Kim Anh cũng chẳng khá giả gì, bản thân bà đã già yếu không làm gì ra tiền mà sống bằng số tiền trợ cấp ít ỏi của 3 đứa con là công nhân. Mỗi ngày bà cố gắng bớt cái này một tí, bớt cái kia một tẹo để có tiền lo cho các cháu được đến trường học cái chữ mong ngày sau đổi đời…
Riêng Hồng, một buổi đi học, một buổi đi làm kiếm tiền. Vì còn nhỏ nên em chỉ làm những việc lặt vặt như rửa chén bát thuê, lau dọn nhà. Những đồng tiền Hồng kiếm được mỗi ngày không nhiều nhưng nó sẽ giúp cho em bước tiếp trên con đường học vấn…
Bài, ảnh: Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)