Anh Lê Văn Nghệ chăm sóc những vuông rau của mình tại phường Thới An (Q.12) |
Nghe có tiếng la: “Công an đến! công an đến!”… mọi người ở phiên chợ rau lúc nửa đêm trên đường Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp, TP.HCM bỗng nháo nhào tủa ra khắp mọi ngả đường. Hơn nửa tiếng sau, phiên chợ lại nhóm họp nhưng giờ chỉ còn những xe rau bèo nhèo, bầm dập…
“Ba cùng” với cây rau
Chúng tôi cho xe men theo con đường đất đỏ cắt ngang khu đô thị mới P.Thới An, Q.12, TP.HCM. Xen lẫn trong những dãy nhà cao tầng đang thi công dang dở là những thửa rau muống xanh mơn mởn. Tuyết (quê Hà Nam) nói với tôi: “Xem vậy chứ thuê mỗi năm hàng chục triệu đồng cho mỗi héc ta đó anh à. Ở đây toàn dân Hà Nam, họ trồng rau cừ lắm. Bảnh mắt ra là đã có mặt ở cánh đồng này, cho đến chiều tối mịt họ mới lọc cọc trở về nhà. Ăn vội vài miếng cơm, rồi lại quay ra ruộng cắt rau cho kịp phiên chợ lúc nửa đêm. Trung bình mỗi ngày, mỗi người phải hái cả trăm bó rau thì mới kiếm được đồng lời kha khá và giữ được mối… Suốt ngày tụi em cứ quần quật ngoài ruộng rau nên dân địa phương thường bảo người trồng rau như bọn em là “cùng ăn, cùng ở và cùng ngủ với rau”.
Người trồng rau muống nổi tiếng ở khu Thới An (Q.12) và Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn) là anh Lê Văn Nghệ. 8 năm với nghề trồng rau, anh Nghệ đã trải qua hàng chục lần thuê đất từ Tam Bình, Thạnh Xuân qua Tân Thới Hiệp giờ đến Thới An. Anh Nghệ cho biết: “Thuê 4 công đất này, mỗi năm phải trả 20 triệu đồng. Nếu như không làm cật lực thì lấy đâu ra mỗi tháng mấy triệu đồng để trả tiền thuê đất. Nghĩ vậy nên phải ráng ngày đêm vật lộn với ruộng rau. Bét nhất là phải cung cấp cho thị trường 300 bó rau/ ngày. Thậm chí có hôm dầm mưa suốt ngày bị nóng sốt nhưng vẫn không dám ngơi nghỉ vì sợ mất mối và không có tiền để trả phí thuê đất”.
Tôi hỏi anh Nghệ sao không ở quê sinh sống cho đỡ vất vả mà phải lặn lội vào đây như thế này. Anh buồn đáp lại: “Ở ngoài ấy đất chật, người đông nên làm gì có đất mà trồng rau. Nếu có đất trồng rau thì bán được ba đồng ba cắc, biết bao giờ khấm khá được. Thú thật với anh, trồng rau ở đây một tháng cũng bằng trồng ngoài ấy cả năm. Đã xác định chịu cực khổ thì ở đâu cũng cực khổ. Cực khổ mà làm được nhiều tiền thì cũng nên lắm chứ !”.
Qua anh Nghệ, tôi được biết cùng quê với anh có hàng trăm người vào Q.12, Hóc Môn, Củ Chi để thuê đất trồng rau muống nước. Một người vào, thấy ở đây dễ kiếm tiền hơn ở quê, liền kéo theo anh em, họ hàng. Và cứ thế từ Thới An, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, Tân Thới Hiệp, Thới Tam Thôn, cho tới Bình Mỹ (H.Củ Chi)… hễ nơi nào có đất trống là họ kéo nhau vào thuê với giá 50-80 triệu đồng/ha/năm. Và người cho thuê là những ông bà chủ kinh doanh đất. Thay vì đất bỏ không cắm sào chờ được giá bán, giờ có người thuê hàng triệu đồng tháng thì càng tốt. Và cứ thế những thửa rau nối tiếp nhau ra đời len lỏi trong khu dân cư.
Quanh các cánh đồng ở các xã Thới Tam Thôn, Đông Thạnh (H.Hóc Môn), chúng tôi bắt gặp những khung nhà lưới chen chúc nhau mọc lên sau các khu phố đang xây dang dở. Trưởng ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn cho hay: “Đó là dân ở Từ Sơn, Bắc Ninh vào đây thuê trồng rau. Năm trước thì chỉ có vài chục người, giờ đã phủ kín cả những dãy đất trống ở đây rồi”. Trước mắt tôi là những căn chòi tạm bợ mọc lên trong cánh đồng rau hơn 3ha. Vợ chồng Sơn hồ hởi mời tôi vào chòi uống ly nước. Sơn cho biết: “Vừa mới cưới nhau được 2 năm, ngoài ấy hết mùa vụ thì chẳng còn biết làm gì. Nghe nói người ở quê vào đây thuê đất trồng rau hằng tháng gửi về quê bạc triệu, vợ chồng tôi đùm túm vào đây làm thử. Đất ở đây thuê 65 triệu đồng/ha/năm. Anh em chia nhau ra làm. Thấy kiếm ăn được nên em vừa thuê thêm 2ha nữa và rước thêm người ở quê vào cùng làm cho có anh có chị”.
Tôi hỏi: “Trồng rau kiểu dân du mục thế này có đảm bảo được độ an toàn không?”. Sơn đáp ngay: Hàng tháng tụi em đều được các anh trên Chi cục Bảo vệ thực vật đến tập huấn và lấy mẫu rau về thử bất cứ lúc nào nên bọn em đâu dám làm bậy. “Thân phận từ nơi xa đến làm ăn mà, phải tuân thủ theo chủ trương của địa phương chứ anh. Mà trồng rau ở đây sướng thật, đi học tập huấn lại còn được nhận tiền nữa, thử hỏi ai lại không đi”, Sơn trần tình. Sơn còn khoe hai vợ chồng mới trồng rau chưa được một năm mà đã dành dụm được gần chục triệu đồng. Số tiền này ở quê làm năm, bảy năm trời chưa chắc đã kiếm được.
Ước mơ về một phiên chợ
Tuy vậy, nghề trồng rau theo kiểu du mục của người dân đến từ các tỉnh phía Bắc như thực trạng hiện nay cũng lắm nỗi gian truân. Tiếp xúc với hàng chục người trồng rau ở đây, tất cả trong họ đều mơ ước về một phiên chợ đêm ổn định nào đó để bán rau, để làm nơi gặp gỡ giữa người trồng rau và mối lái. Khi được gợi ý về một nơi bán rau tập trung, Anh Nghệ, anh Sơn, chị Tuyết… đều buồn bã cho biết: Có những hôm hàng trăm chiếc xe ba gác, xe đạp, xe thồ chất đầy rau đang chờ mối lái đến thì công an trật tự đến giải tán. Từ rau xanh tươi xếp ngay hàng thẳng lối giờ bị tung tóe vương vãi khắp lề đường, bầm dập tả tơi… thương lái thấy vậy ép giá xuống chỉ còn 50%. “Chúng tôi cũng đành bấm bụng bán được đồng nào hay đồng nấy. Cũng có nhiều người quá bức xúc đã đổ rau xuống sông Vàm Thuật rồi đi về tay trắng”, chị Tuyết chất phác kể.
Nhu cầu về rau xanh cho người dân thành phố vẫn còn là một thị trường rộng lớn. Khi vùng rau an toàn của thành phố vẫn còn chiếm một diện tích khiêm tốn và bán với một số lượng nhỏ nhoi. Trong khi đó, với số lượng khoảng 2.000 người chuyên trồng rau trên 3.000ha đất nông nghiệp để cung cấp thêm lượng rau xanh cho người dân thành phố hẳn cũng cần thiết lắm chứ? Nỗi cơ cực, kham khổ chịu khó trồng rau để mưu sinh có lẽ họ chấp nhận được, nhưng trong lòng người trồng rau “du mục” tha hương này vẫn canh cánh khát vọng về một nơi nào đó được chính quyền địa phương cho phép họ làm bãi tập kết để bán rau từ lúc 0 giờ cho đến 5 giờ sáng. Họ không dám mơ ước về một chợ rau “bài bản” mà chỉ dám nghĩ đến một phiên chợ rau được gọi là hợp pháp hoạt động từ lúc nửa đêm đến tờ mờ sáng.
Bài, ảnh: Huỳnh Sang
Bình luận (0)