Đã hơn 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cấm xe công nông, xe cơ giới tự chế hoạt động và hỗ trợ chuyển đổi nghề, chuyển đổi xe cho các hộ dân, nhưng đến nay, xe công nông, xe cơ giới tự chế khu vực miền Trung vẫn vô tư chạy trên đường.
“Ra đường sợ nhất công nông”
Chứng kiến những chiếc xe công nông chạy bạt mạng trên quốc lộ 1A bất chấp nguy hiểm, anh Nguyễn Thanh Lâm (thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa), lắc đầu ngao ngán: “Ra đường là gặp xe công nông chở đủ thứ hàng hóa cồng kềnh, giằng buộc không vững nên cứ lắc lư như… say rượu. Chính vì tự chế nên những chiếc xe này chẳng theo một kiểu mẫu hay kích thước nào. Nhìn xe ai cũng biết không an toàn. Đã thế, người điều khiển cứ vô tư phóng nhanh, vượt ẩu đe dọa đến an toàn giao thông”.
Anh Huỳnh Xuân Sơn (xã Nghĩa Lâm, Tư Nghĩa) cứ băn khoăn, không biết mức độ an toàn của loại xe này đến đâu, nhưng lúc nào cũng chở đầy cát, đất, đá, gạch xây dựng. Còn “cabin” của tài xế thì trống huơ, trống hoác chỉ có mỗi tấm bạt che chỗ ghế của tài xế.
Để tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng, chủ phương tiện thường vận chuyển hàng hóa vào ban đêm. Xe không đèn, lại thiếu còi nên rất nguy hiểm cho người đi đường. Hầu hết các loại xe công nông, xe cơ giới tự chế đang hoạt động đều 5 không: không đăng ký, đăng kiểm; không giấy phép; không đèn chiếu sáng; không còi âm thanh và tài xế không có bằng lái. Chính vì vậy, các phương tiện này được xem như “hung thần” trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và xã lộ nữa. Nhiều vụ tai nạn giao thông cũng từ công nông mà ra.
Cuối tháng 12-2011, trên đoạn đường liên thôn thuộc thôn Định Tân, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), cháu Nguyễn Gia Tuấn (8 tuổi) đi xe đạp đến nhà bạn chơi, bất ngờ bị xe công nông không biển số do Nguyễn Đức (43 tuổi) cùng xã điều khiển va vào khiến cháu Tuấn chết tại chỗ…
Xe công nông dàn hàng ngang chở cát tại sông Trà Bồng (Quảng Ngãi). Ảnh: HÀ MINH
Bất cập trong quản lý
5 năm qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ 3.042 chủ phương tiện có điều kiện chuyển nghề, trong đó, xe cơ giới 3 bánh: 530 xe; xe lôi máy, xe công nông hơn 2.500 xe với kinh phí khoảng 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thống kê của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, hiện vẫn còn trên 2/3 số phương tiện đã được hỗ trợ theo Quyết định 548 nhưng vẫn hoạt động trên các tuyến giao thông.
Tại sao các chủ phương tiện đã nhận được hỗ trợ nhưng vẫn cho xe hoạt động? Theo các cơ quan quản lý giao thông của tỉnh thì do bất cập trong công tác quản lý.
Theo đó, trước năm 2008, chính quyền các địa phương là cơ quan quản lý xe công nông, xe cơ giới tự chế. Phòng Cảnh sát giao thông (công an tỉnh) và Sở GTVT dựa vào số lượng xe đăng ký tại UBND các xã, phường, thị trấn để kiểm định, cho đăng ký biển số hoạt động tạm; đồng thời, số lượng phương tiện được quản lý tại địa phương là cơ sở để UBND tỉnh hỗ trợ. Hơn nữa, chính quyền địa phương là nơi sâu sát với dân nhất. Do đó, việc xe công nông, xe cơ giới tự chế ngang nhiên hoạt động lẽ nào chính quyền địa phương không biết? “Họ biết đấy, khi chúng tôi tạm giữ các xe vi phạm, rồi gửi nhờ ở UBND xã để chờ đưa về cơ quan xử lý, nhưng ngày hôm sau những chiếc xe này bỗng dưng… biến mất” – một cán bộ Thanh tra giao thông cho biết!
Còn theo ông Huỳnh Ngà, Chánh Thanh tra Sở GTVT Quảng Ngãi: Trên thực tế, việc xử lý và tịch thu các loại xe công nông, xe cơ giới tự chế hiện rất khó khăn. Kinh phí cho việc vận chuyển xe vi phạm về bãi giữ, bảo quản xe, đầu tư xây dựng nơi tạm giữ… không được đáp ứng. Hơn nữa, cơ chế tịch thu sung công quỹ còn nhiều điểm khó thực hiện; các chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
Tại Quảng Ngãi đã có 2.543 lượt xe công nông, xe cơ giới tự chế và 235 lượt xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông bị xử lý, tịch thu, sung công quỹ. Tuy nhiên, việc xử lý chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Giải pháp căn cơ nhất là chính quyền địa phương cần thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho dân, kiên quyết không cho xe công nông, xe cơ giới tự chế lưu hành vì bất cứ lý do gì. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp đã nhận tiền nhưng không thực hiện chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi nghề. Song song với công tác tuyên truyền, Nhà nước cũng cần có chính sách cụ thể để chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ vốn lớn hơn cho chủ phương tiện. Vì hiện nay, nhiều phương tiện thay thế xe công nông vẫn khó đến tay người dân nghèo.
Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên cho biết: trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều xe công nông, người dân lén lút sử dụng loại xe tự chế này để chở hàng hóa và chở cả người. Công an tỉnh đã xử lý rất quyết liệt và mạnh tay, nhưng địa bàn phức tạp, chính quyền các xã còn thờ ơ trong việc phát hiện xử lý nên việc quản lý xe công nông còn khó khăn. Hiện Phú Yên có 470 xe công nông được cấp biển số nhưng quy định không được phép lưu hành trên các tuyến quốc lộ cũng như tỉnh lộ, nếu phát hiện vi phạm, các cơ quan chức năng sẽ tịch thu bán sắt vụn, sung công quỹ.
Trong khi đó, tại Thừa Thiên – Huế theo thống kê của các ngành chức năng, 100% xe công nông máy ngang đã hết hạn kiểm định nhưng vẫn không tham gia kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ theo quy định. Chỉ 1/3 người điều khiển xe công nông có giấy phép lái xe, nhưng tất cả các chủ xe vẫn ngang nhiên đưa xe vào lưu thông sử dụng. Lực lượng chức năng ít kiểm tra xe công nông nên các chủ xe cũng phớt lờ luôn việc kiểm định. Do vậy, đã gây ra nhiều vụ TNGT chết người… |
HÀ MINH (SGGP)
Bình luận (0)