Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Thắc thỏm lo thiếu việc làm

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Nhiều nhà máy ở Đài Loan ngưng trệ sản xuất, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của lao động VN

Trong chuyến bay sang Đài Loan cùng chúng tôi vào đầu tháng 11 vừa qua, có khá nhiều người đi xuất khẩu lao động. Ngồi cùng hàng ghế với tôi, cô Trác Diệu Vy, 19 tuổi, quê ở Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, thổ lộ: “Tôi sang làm cho nhà máy điện tử Gia Trình ở Trung Lịch – Đào Viên. Lương theo hợp đồng là 17.280 Đài tệ (khoảng 8,6 triệu đồng), tôi sẽ cố gắng làm thêm để có nhiều tiền gửi về nhà”. Hiện, mỗi tháng có gần 3.000 lao động VN sang Đài Loan làm việc với ước vọng đổi đời, thoát khỏi cảnh nghèo như cô gái trẻ này.

Giấc mơ thoát nghèo

Hầu hết lao động VN đi làm việc ở Đài Loan mà chúng tôi gặp đều thuộc diện nghèo ở nông thôn. Khoản chi phí để đi xuất khẩu lao động quá cao (từ 6.000 đến 7.000 USD/người) buộc họ phải làm việc cật lực mới mong trả hết nợ vay, thay đổi được cuộc sống.

Tại nhà máy sản xuất linh kiện ô tô của Công ty Cổ phần Hán Quan (thị trấn Đài Phận, huyện Miêu Lật), có 12 lao động VN đang miệt mài làm việc. Phan Tất Nghĩa, quê ở xã Kim Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, sang Đài Loan được 4 tháng, thu nhập khoảng 26.000 Đài tệ/tháng, đã gửi về nhà được gần 40 triệu đồng. Nghĩa bộc bạch: “Tôi chỉ mong nhà máy làm ăn khá để có việc làm thêm, có thu nhập cao lo cho gia đình”.

Trong số hơn 70 lao động VN làm ở Công ty Nec (huyện Đài Trung) thì phân nửa ở miền Trung và miền Bắc như: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Giang… Anh Vương Đình Mão (xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Hà Tĩnh) và 10 người cùng huyện sang đây làm việc từ tháng 9 năm ngoái. Hơn một năm làm việc, anh gửi về gia đình gần 150 triệu đồng.

Nỗi lo nợ vay

Chúng tôi đến Đài Loan trong thời điểm nền kinh tế của vùng lãnh thổ này chịu tác động mạnh của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Phần đông các doanh nghiệp sản xuất của Đài Loan đều gặp khó khăn, ngưng trệ sản xuất. Điều này khiến 60% trong tổng số hơn 80.000 lao động VN đang làm việc trong các nhà máy ở Đài Loan đứng trước nguy cơ thiếu việc hoặc mất việc làm.

Phần lớn trong số hơn 200 lao động làm việc cho Công ty Đại Tiêu (chuyên sản xuất màn hình tinh thể lỏng) hiện ở tại ký túc xá của Công ty Môi giới Bảo Đức ở thị trấn Ngộ Chi, huyện Đài Trung, bị ngừng việc từ hai tháng qua. Lê Ngọc Mong, 28 tuổi (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế), buồn rầu: “Bình thường, thu nhập của mỗi người ít lắm cũng được khoảng 20.000 Đài tệ/tháng, nhiều người được 40.000 Đài tệ. Nhưng hiện nay, xưởng dừng hoạt động, anh em chỉ được hưởng trợ cấp 60% lương cơ bản”.

Trong những ngày này, từ Đài Bắc trở xuống Đào Viên, Miêu Lật, Đài Trung, Đài Nam… đi đâu chúng tôi cũng gặp lao động VN ở nơi công cộng, dù không phải ngày cuối tuần. Vì ít việc hoặc không có việc làm, họ chỉ còn cách… đi chơi cho vơi bớt buồn phiền.

Chia sẻ để cùng vượt khó

Có một điều rất đáng ghi nhận là những người lao động VN hiểu rất rõ những khó khăn mà các doanh nghiệp Đài Loan đang mắc phải và rất cảm thông. Bà Chương, Tổng Giám đốc Công ty Bảo Đức, cho biết thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng rất nhiều do các nhà máy mà công ty bà cung ứng lao động ngưng trệ sản xuất: “Trong trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ làm việc với các chủ nhà máy yêu cầu họ thực hiện đúng quy định về trợ cấp, tổ chức lại sản xuất để duy trì việc làm”.

Đài Loan là một trong những nơi chịu sự tác động mạnh nhất của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng Ban Quản lý lao động VN tại Đài Loan, cho biết đã báo cáo tình hình về Cục Quản lý lao động ngoài nước để có biện pháp chỉ đạo các doanh nghiệp, hạn chế thấp nhất rủi ro cho người lao động.

Ông Tạ Vinh Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hán Quan:

Ưu tiên công việc cho lao động VN

Tôi biết người lao động VN sang đây để làm việc, kiếm tiền; nếu không có việc làm, họ và gia đình sẽ rất khó khăn. Do vậy, chúng tôi đã sắp xếp lại, chỉ bố trí cho lao động Đài Loan làm 2 ca/ngày; còn lao động VN được ưu tiên 3 ca/ngày. Trong thời gian này, chúng tôi mong họ thông cảm, góp sức cùng chúng tôi vượt qua khó khăn.

DUY QUỐC (nld)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)