Y tế - Văn hóaThư giãn

Thạch Thảo…

Tạp Chí Giáo Dục

Một tay hắn bịt mũi, tay còn lại chỉ xuống sàn mà khách quá chén vừa phun ra, tiếng quát cộc lốc át tiếng nhạc phát ra từ chiếc loa boss trên tường:

– Bà làm không được thì nghỉ.

Chị nhân viên gầy rộc tầm ngoài 50 tuổi chưa giải quyết xong cái-của-nợ bên trong buồng vệ sinh, luống cuống tay chân, đáp nhẹ nhàng:

– Dạ, dạ… để tui dọn liền.

Mở toang cánh cửa nhà vệ sinh, hắn la thất thanh rồi đi nhanh như chó phải gậy.

Hắn là quản lý quán ăn sân vườn khá nổi tiếng với cụm nhà hàng hải sản đông nghịt khách ở Sài Gòn. Hắn luôn tỏ ra quyền lực, quát mắng nhân viên từ phục vụ đến bếp và tạp vụ. Duy trước mặt ông chủ, hắn như loài thú hoang thuần chủng ngoan ngoãn cúi gập đầu.

Chị nhân viên được quản lý cũ nhận vào làm tạp vụ với mức lương 3,7 triệu đồng/tháng, ngoài ra không nhận thêm bất kỳ khoản phụ cấp nào. Từ ngày quản lý mới về thay, chị không được phép bén mảng tới khu vực của thực khách, ngày 12 tiếng quẩn quanh khu nhà vệ sinh. Khách đến quán thường xuyên ít nhất một lần thấy hắn chắp tay sau lưng ra vào mắng nhiếc người làm công đủ điều.

Tôi ái ngại cách hành xử của quản lý với nhân viên lớn tuổi. Chị can, bảo quen rồi, bao lần cứ tưởng gục ngã nhưng chị còn đứng dậy được, ngại gì chuyện cỏn con. Chuyện cỏn con, nghe từ chính miệng chị sao nhẹ như bông. Tôi nhét vào tay chị tờ 20.000 đồng sau khi ra khỏi nhà vệ sinh. Chị chạy theo trả lại, nói:

– Có cái thùng bên trong, cậu có lòng thì bỏ vào đó. Tui đi làm có lương, không nhận tiền của khách dù ít hay nhiều.

Chị tên Thảo, họ gì không rõ nhưng chính xác là Thạch Thảo trên bảng tên đang đeo. Chị tính từng ngày, 36 tháng lẻ 2 ngày vào làm tạp vụ ở quán nhưng không thể tính nổi đã bao lần nghe những lời xỉ vả từ quản lý quán. Trong chị, dường như đã miễn nhiễm mọi thứ diễn ra ở chính nơi này. Như chị bảo mình đã sớm thích nghi từ ngày nhận mười mấy kí gạo cộng mấy ngàn đồng tiền trợ cấp nghỉ việc sớm về nội trợ sau gần 15 năm làm công nhân ở một nhà máy.

Chị thường bắt đầu bằng hai chữ “hồi đó” mỗi khi có dịp trò chuyện. Chị bước ra khỏi nhà chồng một nách hai con khi chồng chết vì bạo bệnh sau hơn tuần mãn hạn tù trở về. Chị ra đi vì những lời đay nghiến, ích kỷ cá nhân. Đau đớn hơn, bản án mà chị bị lối xóm, thậm chí người thân treo cho – chồng nó là tù kinh tế. Hơn một lần tìm đến cái chết nhưng chị nghĩ dù thế nào cũng phải sống để nuôi con. Con cần điểm tựa để lớn lên. Chị cũng cần con để vượt qua khắc nghiệt cuộc sống. Không nề hà công việc, ai thuê gì chị làm đó dù có một thời không phải lo toan cơm áo. Con đứa lớn chưa kịp ra trường, đứa nhỏ vào ĐH. Tấm thân gầy rộc ngày càng xanh hơn, chị thay đổi nhiều để sống trước búa rìu dư luận, duy cái chịu đựng, rắn rỏi thì vẫn vậy.

Quản lý bật bài hát quen thuộc mà những ai thường ghé quán sẽ biết đó là nhạc hiệu báo quán sắp đóng cửa. Tôi đặc biệt chú ý bình hoa được cắm rất khéo đặt gần bồn rửa tay trong nhà vệ sinh. Mỗi ngày là một loại hoa khác, điểm xuyết các loại lá, dây leo, ngắm nó như được trút hết cái u uất lo toan thường nhật, trong đó có cả hoa thạch thảo. 

– Tôi cắm đấy, chị khoe.

– Vậy ai mua hoa? Tôi hỏi.

– Cứ hai, ba ngày tui mua một ít.

– Thế tiền công mỗi ngày có đủ để chị mua hoa không?

Chị cười, rồi đâu cũng vào đấy. Có nó như mình bớt ngột ngạt hơn. Mẹ chồng tôi chọn dâu phải biết nữ công gia chánh. Nhờ vậy mà tôi lấy được anh, con nhà giàu mấy đời ở khu ông Tạ. Bỗng giọng chị trầm xuống, với tay lấy khăn lau nước mắt, bỏ lửng câu hỏi của tôi.

Xe bể bánh, chị xin tôi quá giang về phòng trọ trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Công Hoan. Đến Công viên Phú Nhuận, chị ra hiệu dừng xe rồi mở bao ni lông lấy hộp đồ ăn đưa cho hai mẹ con vô gia cư nằm bên hàng rào công viên. Chị bảo đó là phần mà mấy em phục vụ gom thức ăn thừa của khách cho. Bỏ lại không gian tĩnh mịch, ngồi sau xe, chị kể những ngày anh đi tù các con đói ăn, mỗi đêm tụi nó đều chờ mẹ về để ăn gì đó lót dạ. Nay các con đi làm thêm cũng có tiền nên có đồ ăn dư thì mang chia sẻ cho người khác.

Thời gian sau đó, tôi ít có dịp gặp chị nhưng mỗi lần gặp là chị lại nói chuyện cuộc sống những bệnh nhân ung thư, chuyện mua bán thuốc ung thư giả… Có lần tôi hỏi chị có buồn khi bị người khác đối xử tệ với mình? Câu hỏi vô duyên của tôi như cứa vào da thịt chị, nhưng chị nhẹ nhàng như cách mà chị đón nhận mọi thứ đến với mình:

– Mấy đứa như em cháu trong nhà, còn trẻ người nên thiếu suy nghĩ. Mình trách tụi nó là có tội, hơn nữa có sống với nhau lâu đâu.

Tôi ghé quán không phải vì thèm ly bia, thèm món ăn ngập ngụa dầu mỡ mà vì thèm cái chỗ ngồi, hơn hết là mong được gặp chị. Đêm ấy, quán cũ thưa khách hơn trước, cảnh quan cũng thay đổi nhiều. Trong nhà vệ sinh, thùng tiền cũng không còn nữa. Bình hoa tươi mỗi ngày được thay bằng bình hoa giả bám đầy bụi bẩn. Thay vào chỗ của chị là một người phụ nữ lớn tuổi béo bụng, mặt khó đăm đăm, khẩu khí sặc mùi chợ búa.

Chị Thạch Thảo đã mất hơn tháng trước vì căn bệnh ung thư phổi, đó là thông tin ít ỏi nhưng chính xác mà tôi có được từ cô bé phục vụ quán. Thế là chị đã đi chuyến cuối cuộc đời trên con đường không phải ai chọn cho riêng mình. Con đường không có hai mẹ con vô gia cư chờ đón bàn tay ấm áp của chị. Không phải chuyến về quê xa ngút ngàn trên con đường mà tuổi thơ chị đã qua, được ăn kẹo neo, kẹo ú… sau gần 30 năm xa xứ như chị từng ao ước.

Trần Tuy An

 

 

Bình luận (0)