Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thách thức an ninh hàng không

Tạp Chí Giáo Dục

Theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ, Cơ quan An ninh vận chuyển nước này (TSA) trước nhiều sự cố hàng không đã lên kế hoạch tăng phí an ninh trên mỗi chuyến bay nhằm đảm bảo an toàn cho mỗi hành trình. Theo NBC News, phí (đã được tính trên tiền vé) của các chuyến bay thẳng, không quá cảnh hiện ở mức 2,5 USD/chuyến và phí của những chuyến bay nối chuyến ở mức 5 USD/chuyến sẽ cùng được tăng lên 5,6 USD. Đề xuất này nếu được thông qua sẽ chính thức áp dụng từ ngày 21-7.

Dễ dàng “vượt rào”

Hồi tháng 4 vừa qua, một hành khách say xỉn cố đột nhập vào buồng lái trên chuyến bay VA41 của Hãng hàng không Virgin Australia. Máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay trên đảo Bali. Hành khách bị phen hốt hoảng với thông tin ban đầu là máy bay bị không tặc. Vài ngày trước đó, một nam sinh 16 tuổi đã bám vào bánh máy bay để bay từ San Jose, California (Mỹ) vượt Thái Bình Dương đến Hawaii. Rất may cậu bé chỉ bất tỉnh trong phần lớn thời gian của hành trình kéo dài 5 giờ ở độ cao 11.400m.

Theo quy định, TSA chỉ có nhiệm vụ chủ yếu ở các cửa kiểm soát an ninh. Cảnh sát địa phương và cảnh sát sân bay mới phải chịu trách nhiệm bên ngoài. Sự cố nói trên khiến các nhà lập pháp bang California kêu gọi thực thi những biện pháp an toàn tốt hơn.

Kỹ càng tuyệt đối trong khâu kiểm tra sẽ giảm thiểu nhiều rủi ro cho chuyến bay.

Về những vụ “vượt rào” dễ dàng cũng có một số trường hợp không tưởng. Tháng 2 vừa qua, thi thể một người đàn ông được tìm thấy bên trong máy bay Airbus A340 của Hãng hàng không Nam Phi tại sân bay quốc tế Dulles, Washington không rõ nguyên nhân. Năm 2010, một cậu bé 16 tuổi chết sau khi rơi ra khỏi bánh máy bay của Hãng US Airways, bay từ Boston đến Charlotte dù đây là một trong những sân bay phát triển nhất của Mỹ. Năm 2013, một cậu bé 15 tuổi đã bám càng thành công trên máy bay từ thành phố Benin tới Lagos của Nigeria trong 35 phút.

Lắp rồi lại gỡ

Đề xuất của TSA được xem như nỗ lực của ngành hàng không Mỹ để tăng cường chất lượng, giảm thiểu rủi ro. Dù mức tăng giá vé không đáng kể nhưng nhiều người dân Mỹ vẫn phản đối vì cho rằng khách đi chuyến bay thẳng sẽ phải bù thêm nhiều phí an ninh hơn.

Không phải lần đầu tiên những nỗ lực của TSA bị chỉ trích. Từ năm 2010, Mỹ đã sử dụng máy quét cho phép nhìn xuyên thấu trang phục hành khách. Đây được xem là biện pháp để ngăn chặn những trường hợp tương tự như trường hợp hành khách Umar Farouk Abdulmutallab, người Nigeria giấu chất đốt gây cháy nổ trong quần lót bị phát hiện cuối năm 2009.

Tuy nhiên, cách này làm dấy lên sự chia rẽ trong dư luận. Người ủng hộ cho rằng điều đó cần thiết để loại trừ những đối tượng có ý định khủng bố, gây rối… Số khác bảo vệ quyền riêng tư. Thậm chí, Trung tâm Bảo mật thông tin điện tử có trụ sở tại Washington đã kiện TSA vì sử dụng loại máy quét trên.

Kết quả, tháng 1-2013, gần 250 máy quét kiểm tra an ninh có thể nhìn xuyên thấu trang phục hành khách, xâm phạm quy định bảo vệ đời tư của công dân Mỹ đã bị tháo bỏ. TSA phải thay những máy trên bằng máy kiểm tra dùng công nghệ tán xạ để phát hiện kim loại lẫn vật dụng phi kim loại.

Từ khi vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 xảy ra đến nay, chính quyền Washington đã dành đến 80 tỷ USD để gia cố an ninh hàng không. Các thiết bị hiện đại, tối tân đến nỗi tại nhiều sân bay Mỹ liên tục có báo động mà phần lớn là báo động nhầm, gây tâm lý chủ quan, dửng dưng đối với các hành khách thường đi máy bay.

Thắt chặt an ninh

Theo thống kê của Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), trong năm 2013, hơn 1 tỷ lượt hành khách lên máy bay mà hộ chiếu không được đối chiếu với cơ sở dữ liệu an ninh do Interpol lập ra. Từ sau vụ khủng bố 11-9, Interpol mỗi năm đều đưa ra những danh sách cấm bay. Viện An ninh, Tình báo, Khủng bố tại Đại học Hàng không Embry-Riddle của Mỹ cho biết, nếu các hãng hàng không đối chiếu giấy tờ của hành khách với dữ liệu giấy tờ du lịch bị thất lạc và bị đánh cắp của Interpol thì những hành khách dùng hộ chiếu giả, hộ chiếu đánh cắp rất khó qua mặt các cửa an ninh.

Vẫn theo Interpol, cho đến khi sự cố MH370 của Hãng hàng không Malaysia xảy ra, người ta mới vỡ lẽ nước này không kiểm tra hộ chiếu bị mất với dữ liệu Interpol đang có. Trên chuyến bay MH370 có 2 hành khách sử dụng hộ chiếu giả để lên máy bay. Tuy đến nay, họ không còn là đối tượng nghi vấn khủng bố nhưng thông tin này cũng khiến mọi người nghi ngờ về mức độ thực hiện các biện pháp an ninh hàng không của mỗi quốc gia.

Các mối đe dọa khủng bố hàng không ở châu Á từ trước tới nay vẫn được coi là thấp so với châu Âu và Mỹ. Nhưng sau sự cố máy bay MH370, hệ số an toàn trước khủng bố của các hãng hàng không trong khu vực đã sụt giảm, có thể sẽ là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt những cải cách về an toàn hàng không sau này.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong giai đoạn 2009 – 2014, thị trường hàng không tốt nhất, thể hiện qua hàng loạt các chuyến bay tấp nập mỗi ngày là Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Việt Nam, Malaysia và Sri Lanka. Dự kiến, các hãng hàng không ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong 20 năm tới sẽ cần thêm 13.000 máy bay với tổng giá trị 1.900 tỷ USD.

Trên các phương tiện truyền thông, cơ quan chức năng của nhiều quốc gia vẫn khẳng định nỗ lực thắt chặt an ninh hàng không. Tuy nhiên, sự nghiêm túc trong quá trình thực hiện vẫn chưa được thống nhất. Có thể thấy chi phí an ninh so với thiệt hại thực tế chưa tương xứng và cần có sự hợp tác tích cực hơn nữa từ những người liên quan, cụ thể là những nhân viên thực thi và chính hành khách đi máy bay. Chỉ tính trong 1 tháng kể từ khi máy bay MH370 mất tích, chi phí tìm kiếm mà Malaysia và các nước đã bỏ ra, theo tính toán của Reuters, đã lên đến 44 triệu USD. Con số này vẫn đang tăng từng ngày.

 (SGGP)

Bình luận (0)