Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vẫn được xem là một lực lượng mạnh mẽ trong việc chống lại chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và phân biệt đối xử
Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 13 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) diễn ra tại thủ đô Abu Dhabi – Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từ ngày 26 đến 29-2. Tại hội nghị, bộ trưởng thương mại 164 nước thành viên WTO tập trung thảo luận các chủ đề như đánh bắt cá, nông nghiệp và thương mại điện tử.
Theo Reuters, WTO tìm cách đạt được thỏa thuận thông qua sự đồng thuận nhưng nỗ lực như thế đang ngày càng gặp khó giữa lúc có dấu hiệu nền kinh tế toàn cầu đang phân mảnh thành các khối riêng biệt.
Ông Thani Al Zeyoudi, Bộ trưởng Ngoại thương UAE đồng thời là chủ tịch hội nghị, thừa nhận hệ thống thương mại đa phương với trọng tâm là WTO đang đối mặt nhiều thách thức. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh WTO vẫn là một lực lượng mạnh mẽ trong việc chống lại chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và phân biệt đối xử.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala phát biểu tại hội nghị ở thủ đô Abu Dhabi – Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất hôm 26-2. Ảnh: Reuters
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cũng cho rằng hội nghị sẽ gặp trở ngại do một loạt thách thức, như khủng hoảng ở Ukraine, căng thẳng tại biển Đỏ, lạm phát, giá lương thực tăng và những khó khăn kinh tế ở châu Âu và Trung Quốc.
Theo bà Okonjo-Iweala, thế giới đang ở giai đoạn thậm chí còn khó khăn hơn so với hồi giữa năm 2022, thời điểm các nước dần thoát khỏi đại dịch và cuộc xung đột Nga – Ukraine tác động đến an ninh lương thực và năng lượng.
Dù vậy, Tổng Giám đốc WTO cũng kêu gọi các bộ trưởng nỗ lực hoàn tất những cuộc đàm phán quan trọng.
Tại hội nghị cấp bộ trưởng gần đây nhất của WTO ở Thụy Sĩ vào tháng 6-2022, các nước thành viên đã đạt thỏa thuận lịch sử về việc cấm những trợ cấp thủy sản có hại cho sinh vật biển cũng như tạm thời miễn trừ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin COVID-19.
Hội nghị khi đó còn cam kết thiết lập lại hệ thống giải quyết tranh chấp bị tạm dừng vào năm 2019 sau khi Mỹ ngăn bổ nhiệm thẩm phán mới cho tòa phúc thẩm của WTO trong nhiều năm.
Tổ chức 30 năm tuổi này giờ đây đối mặt với áp lực phải đạt được tiến bộ trong tiến trình cải tổ trước kịch bản cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump từng đe dọa rút Mỹ khỏi WTO, liên tục đánh thuế các đối tác và đối thủ thương mại, đồng thời cản trở khả năng giải quyết tranh chấp của tổ chức này.
Theo Reuters, hội nghị ở Abu Dhabi có thể tìm được tiếng nói chung về một số nội dung, như vấn đề kết nạp thêm 2 thành viên Comoros và Đông Timor và thỏa thuận nhằm xóa bỏ các rào cản đầu tư cản trở phát triển kinh tế. Ngoài ra, hội nghị được kỳ vọng sẽ đạt tiến triển về vấn đề hỗ trợ cho các nước đang phát triển.
Dù vậy, một số chủ đề khác có thể gây nhiều tranh cãi hơn, như thỏa thuận về các quy tắc thương mại nông nghiệp hoặc có nên tiếp tục kéo dài thỏa thuận hoãn áp đặt thuế thương mại điện tử sắp hết hiệu lực vào cuối tháng 3 tới hay không.
Ông John Denton, Tổng Thư ký Phòng Thương mại quốc tế, cho rằng ngay cả một kết quả khiêm tốn như một tuyên bố cấp bộ trưởng hướng tới tương lai và cho thấy mục đích chung giữa các chính phủ, cũng là diễn biến đáng ghi nhận của hội nghị.
Vai trò quan trọng của Trung Quốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB, trụ sở ở thủ đô Manila – Philippines) hôm 26-2 nhận định Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng của nhiều quốc gia và câu chuyện Bắc Kinh bị tách khỏi nền kinh tế toàn cầu có lẽ đã bị cường điệu hóa. Trả lời phỏng vấn đài CNBC, nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB cho rằng tầm quan trọng của Bắc Kinh đối với chuỗi giá trị toàn cầu không hề sụt giảm, ngay cả sau khi nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc vào năm 2018. Thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác lớn suy giảm vào năm 2023. Cũng trong năm này, xuất khẩu hằng năm của Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong 7 năm giữa lúc nhu cầu đối với hàng hóa nước này sụt giảm và tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Dù vậy, Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của hơn 120 nền kinh tế, Viện nghiên cứu Wilson Center (Mỹ) khẳng định. Mặt khác, khi kết nối thương mại của Trung Quốc với thế giới vẫn ở mức cao, con đường phục hồi tăng trưởng gập ghềnh của quốc gia này tiếp tục gây rủi ro đối với môi trường thương mại châu Á. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức vừa phải sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của châu Á. Dù vậy, nhà kinh tế trưởng của ADB kỳ vọng chu kỳ bán dẫn sẽ phục hồi, đem đến hy vọng cho các nhà xuất khẩu công nghệ cao ở châu Á, như Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhu cầu được cải thiện ở Mỹ và Liên minh châu Âu, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Ấn Độ cũng có thể mang lại lợi ích cho triển vọng thương mại châu Á. Cao Lực |
Theo Xuân Mai/NLĐO
Bình luận (0)