Các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong và ngoài nước khẳng định, nhu cầu và đòi hỏi nguồn nhân lực sẽ cao bởi tác động của số hóa. Đây là thách thức lớn đối với đào tạo nghề của Việt Nam.
Sinh viên ngành cơ khí của Trường CĐ Nghề TP.HCM trong giờ thực hành
Trở lực trong đào tạo
GS.TS Georg Spottl (ĐH Bremen, Đức) cho rằng ngành cơ khí và cơ điện tử trong tương lai sẽ đòi hỏi trình độ chuyên môn cao hơn. Theo đó, các kỹ thuật viên, thợ khi đào tạo phải tăng nhiệm vụ phức tạp và người học phải có khả năng nhận thức tốt. Đảm bảo các tiêu chí đào tạo này sẽ nâng cao cơ hội việc làm cho lao động lành nghề, kỹ thuật viên hoặc thợ từ 20-30%.
Cũng theo GS.TS Georg Spottl, do số hóa nên các nhiệm vụ đơn giản sẽ không còn, đây là nguyên nhân khiến lao động bán lành nghề và không có trình độ không còn nữa. Trong khi đó, TS. Vũ Xuân Hùng (Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động lớn đến việc làm và các nghề mới sẽ xuất hiện như internet di động, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn; nghiên cứu cải tiến robot, xe hơi tự lái; công nghiệp xây dựng và in 3D; dịch vụ tài chính, đầu tư và công nghệ sinh học. Theo đó, những vấn đề đặt ra cho GDNN là phải đổi mới quản lý ở cả vĩ mô và vi mô nhưng khó khăn là hệ thống cơ sở pháp lý đang trong quá trình bổ sung và hoàn thiện. Nhiều nghề cũ mất đi, nghề mới ra đời đòi hỏi công tác dự báo tốt, tuy nhiên, dự báo nhu cầu nhân lực của Việt Nam nói chung và GDNN nói riêng còn nhiều hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức. Nhiệm vụ nữa không kém quan trọng là cần đổi mới từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường. “Sức ỳ của nhiều năm đào tạo theo hướng cung với những chương trình đào tạo cứng và phương pháp đào tạo lạc hậu là lực cản của sự đổi mới này”, TS. Vũ Xuân Hùng thẳng thắn.
TS. Vũ Xuân Hùng còn nêu hàng loạt trở lực đối với GDNN trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Điều kiện đảm bảo cho sự thay đổi, thích ứng trong phương thức và phương pháp đào tạo còn hạn chế; lâu nay chỉ đào tạo, nay chuyển sang chỉ đào tạo những gì thị trường cần. Việc chuyển đổi này không dễ bởi thực tế công tác gắn với doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
TS. Harry Stlte (Tổ chức Hợp tác quốc tế GIZ) lưu ý việc công nhận đào tạo nghề kép như một đối tượng quan trọng trong số hóa. Kết quả dự án nghiên cứu 4.0 tại BIBB về những tác động của số hóa đến các ngành nghề đào tạo kép tại Việt Nam cho thấy có đến 11 nghề trong các nghề đào tạo kép cơ khí, điện tử và điện cần phải điều chỉnh để đáp ứng các thách thức mới. Như vậy, việc cần làm là một mục hồ sơ nghề tích hợp mới cho tất cả 11 nghề.
Lồng ghép công nghệ mới vào đào tạo nghề
“Những vấn đề đặt ra cho GDNN là phải đổi mới quản lý ở cả vĩ mô và vi mô nhưng khó khăn là hệ thống cơ sở pháp lý đang trong quá trình bổ sung và hoàn thiện. Nhiều nghề cũ mất đi, nghề mới ra đời đòi hỏi công tác dự báo tốt, tuy nhiên, dự báo nhu cầu nhân lực của Việt Nam nói chung và GDNN nói riêng còn nhiều hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức”, TS. Vũ Xuân Hùng (Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH) nói. |
Trước xu hướng số hóa sẽ làm thay đổi năng lực nghề, để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong ngành cơ khí – điện thời gian tới, Việt Nam cần hành động ngay trong hệ thống GDNN. Số hóa, kết nối mạng và xử lý các hệ thống thông minh cũng như tác động đến các nhà máy dựa trên CNTT sẽ là một yêu cầu liên ngành mới để đào tạo nghề. Cụ thể là thiết kế các hồ sơ nghề đảm bảo phản ứng với thay đổi mô hình công nghệ, định hướng ảo hóa, khối lượng dữ liệu lớn; định hướng thống nhất các hồ sơ nghề và chương trình đào tạo theo các quy trình làm việc như: Phát triển năng lực tập trung vào công việc, tổ chức công việc và công nghệ, học cách làm chủ quy trình công việc; đào tạo trình độ chuyên môn cho giáo viên, hướng dẫn viên và đào tạo viên…
Để thực hiện các nội dung trên, GS.TS Georg Spottl đề nghị cần tái thiết kế hồ sơ nghề và chương trình đào tạo; thiết kế mô phạm (học tập khám phá, định hướng quy trình làm việc, học tập mạng ảo và liên quan đến dự án); thiết kế trình độ chuyên môn cho cán bộ đào tạo nghề; chiến dịch số hóa cho các trung tâm đào tạo nghề; môi trường học tập; nghiên cứu đào tạo nghề…
Ông Võ Quang Huệ (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VinGroup) cũng cho rằng việc lồng ghép các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào đào tạo nghề là cần thiết bởi nó đặt ra yêu cầu mới về nguồn nhân lực. Các yêu cầu đổi mới dẫn đến nhu cầu phải điều chỉnh trình độ chuyên môn năng lực của người lao động tương lai cho phù hợp. Vì vậy cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực doanh nghiệp (cầu) và các trường, hệ thống dạy nghề (cung).
Về phương pháp tiếp cận hợp tác phát triển PPP, ông Võ Quang Huệ đề nghị xây dựng và thí điểm các mô đun, yếu tố khác nhau về công nghệ 4.0, lồng ghép các khóa đào tạo ban đầu và đào tạo nâng cao, xây dựng tài liệu đào tạo và bồi dưỡng nâng cao cho giáo viên và cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp (nhân tố nhân rộng). Từ đó, nhân rộng kết quả đào tạo thí điểm và lồng ghép các yếu tố của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hệ thống đào tạo nghề.
T.Anh
Bình luận (0)