Trong xã hội ngày nay, ngoại ngữ đang trở thành một công cụ hội nhập không thể thiếu đối với mỗi quốc gia. Đây là một công cụ giúp con người hiểu thêm về lịch sử, đất nước, con người, phong tục, tập quán của các quốc gia trên thế giới, từ đó làm cho thế giới xích lại gần nhau hơn.
Mặc dù ngoại ngữ có tầm quan trọng như vậy nhưng ở Việt Nam việc dạy ngoại ngữ vẫn còn rất hạn chế. Vậy nguyên nhân của vấn đề này là gì? Giải pháp ra sao? Những thắc mắc này đã được Giáo sư Nguyễn Ngọc Hùng phần nào làm sáng tỏ tại hội thảo “Đa ngôn ngữ – Thách thức và cơ hội cho một thế giới toàn cầu”, diễn ra ngày 14 -10 tại Hà Nội.
Ngoại ngữ ngày nay đã trở thành một môn học chính thức trong các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, trung học cơ sở. Trong đề án dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020, mục tiêu đặt ra: “đến năm 2020 là đa số thanh niên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học đều sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập, tự tin khi giao tiếp, học tập và làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ thành thế mạnh khi tham gia thị trường lao động trong và ngoài nước”.
Hội thảo “Đa ngôn ngữ – Thách thức và cơ hội cho một thế giới toàn cầu” |
Ngày càng có nhiều trung tâm ngoại ngữ được mở ra và nhiều người cất công đi học đã chứng tỏ rằng mọi người đang dần nhận ra tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ. Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Ngọc Hùng thì việc dạy ngoại ngữ đang gặp những thách thức lớn như: chất lượng đội ngũ giáo viên chưa cao, giáo viên chưa có phương pháp dạy phù hợp, lớp học còn quá đông (khoảng 45 đến 50 người/lớp), các tài liệu học tập còn rất hạn chế tại trường và chưa có môi trường học ngoại ngữ phù hợp. Những vấn đề này đang đặt thách thức lớn cho việc dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam.
GS Nguyễn Quốc Hùng cũng nhấn mạnh rằng: việc phát triển đội ngũ giáo viên ngoại ngữ là chìa khóa cho sự thành công của đề án dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020. Cụ thể, để xây dựng được một đội ngũ giáo viên mạnh cả về số lượng và chất lượng cần xây dựng một quy chuẩn cho giáo viên ngoại ngữ chuyên nghiệp, phát triển các trung tâm phát triển giáo viên, đầu tư vào các trường đại học và cao đẳng sư phạm, đưa giáo viên ngoại ngữ đi học ở nước ngoài, kêu gọi đầu tư của nước ngoài cho dạy và học ngoại ngữ, khuyến khích tạo mối quan hệ với tổ chức giáo dục nước ngoài để có các chương trình trao đổi cho giáo viên và học sinh hay tạo các chính sách hấp dẫn để thu hút giáo viên và chuyên gia nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam…
“Nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh, sinh viên về tầm quan trọng của việc biết nhiều hơn một ngoại ngữ cũng là một trong những cách đưa mục tiêu của đề án 2020 thành hiện thực” Giáo sư Nguyễn Ngọc Hùng khẳng định.
Theo Nguyễn Thảo – Trần Hoài
(QĐND Online)
Bình luận (0)