Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thách thức lớn khi “Khách sạn hào hoa” trở lại

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang vừa hoàn thành vở Khách sạn hào hoa (đạo diễn: Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu), dự kiến ra mắt trong tháng Mười hai. Tác phẩm nhằm quảng bá cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang.Vở cải lương kinh điển

Nhiều năm qua, khán giả mộ điệu vẫn nhớ về Khách sạn hào hoa như một tác phẩm độc đáo của sân khấu cải lương. Cùng với Tìm lại cuộc đời, đây là vở diễn ăn khách hàng đầu trên sân khấu đoàn cải lương Sài Gòn 2 trong suốt thập niên 1980. Vở được soạn giả Trần Hà và Điêu Huyền chỉnh lý, chuyển thể cải lương từ kịch bản kịch nói Khách sạn Caravelle của tác giả Vũ Kim. 

Cảnh diễn trong Khách sạn hào hoa phiên bản mới

Cảnh diễn trong Khách sạn hào hoa phiên bản mới

Khác với các vở cải lương đề tài cách mạng đương thời thường mang tính chính luận, Khách sạn hào hoa có nội dung đầy cuốn hút khi khai thác câu chuyện có thật về trận đánh của Đội An ninh vũ trang T30 tại khách sạn Caravelle năm 1970. Nguyên mẫu của nhân vật Hiếu – cô “Việt cộng nằm vùng” dưới thân phận “gái bán bar” – trong vở là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Minh Hiền – một trong những nữ đại biểu quốc hội đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. 

Ngoài chất trữ tình của nghệ thuật cải lương, Khách sạn hào hoa mang đến trải nghiệm khá lạ cho người xem khi truyền tải không khí hồi hộp, kịch tính của đề tài điệp chiến, làm khán giả vừa cảm thương hoàn cảnh cô Hiếu lại vừa căng thẳng dõi theo từng hành động của Hiếu và đồng đội giữa hang ổ kẻ thù. Tài ca diễn của dàn nghệ sĩ thượng thặng – bản dựng của cố Nghệ sĩ nhân dân Huỳnh Nga tại đoàn Sài Gòn 2 –  như Diệp Lang, Mỹ Châu, Giang Châu, Thanh Tuấn, Hồng Nga, Tô Kiều Lan, Văn Chung, Tư Rọm… vẫn được xem là mẫu mực đến hôm nay – càng làm Khách sạn hào hoa thêm lôi cuốn và được yêu thích lâu dài.

Không dễ tạo dấu ấn

Việc dùng tác phẩm kinh điển như Khách sạn hào hoa để quảng bá giải thưởng Trần Hữu Trang là điều hợp lý để dễ thu hút sự quan tâm của công chúng đồng thời là cơ hội để các tài năng bước ra từ cuộc thi nâng cao năng lực và cả khảo nghiệm lại chính mình. Tuy nhiên, đây cũng là một sự mạo hiểm khi sự so sánh phiên bản mới với phiên bản kinh điển từ khán giả là điều không thể tránh khỏi, nhất là khi các vai diễn đã in dấu ấn quá sâu đậm.

Một cảnh cao trào trong vở Khách sạn hào hoa

Một cảnh cao trào trong vở Khách sạn hào hoa

Thực tế, phiên bản Khách sạn hào hoa 2023 đã không thể kể một câu chuyện cũ với nhịp điệu mới. Chưa kể, một số vai diễn quan trọng không hợp vai. Người nghệ sĩ cũng khó nhập vai khi chưa thể nắm bắt các hình tượng quá xa lạ với người trẻ hôm nay.

Từ mùa giải năm 2020, khi cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang trở lại và được nâng tầm quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cũng đã giao trọng trách tổ chức hoạt động quảng bá giải thưởng cho nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Qua từng đợt quảng bá, có thể thấy được sự cầu thị của ban tổ chức khi tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp cho chương trình. 

Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng – Phó giám đốc nhà hát cải lương Trần Hữu Trang – cho biết: trước đây, chương trình quảng bá được dàn dựng với hình thức tổng hợp, chủ yếu giới thiệu lại các trích đoạn dự thi đạt giải cao. Việc dựng nguyên vở lần này là tiếp thu góp ý từ báo chí và các bậc lão thành. Theo đó, giải thưởng Trần Hữu Trang đã tôn vinh đủ các dạng vai cơ cấu cho một vở cải lương hoàn chỉnh, là tiền đề để các tài năng phát huy cao hơn trong một tác phẩm trọn vẹn.
Rõ ràng, đây là bước tiến mới, thể hiện nỗ lực lớn trong việc nâng cao hiệu quả quảng bá giải thưởng. Tuy nhiên, nên chăng chọn dàn dựng kịch bản mới thay vì làm lại tác phẩm kinh điển?

Nghệ sĩ Nhã Thy (huy chương Vàng vai đào mùi mùa giải năm 2020) cho rằng, chương trình quảng bá như một bước rút ngắn con đường đưa người nghệ sĩ, nhất là gương mặt mới, đến đông đảo công chúng, cho nên tạo được dấu ấn là rất quan trọng. Thực tế, rất khó có được dấu ấn nổi bật ở những vai diễn đã thành kinh điển. “Tôi cho rằng, nghệ sĩ sẽ phát huy tốt hơn với vai diễn mới, không bị áp lực so sánh. Trong bối cảnh sàn diễn gặp nhiều khó khăn, việc được tạo cơ hội có vai diễn mang dấu ấn của riêng mình cũng là nguồn động viên lớn cho nghệ sĩ trẻ” – Nhã Thy chia sẻ.

Theo nghệ sĩ Minh Trường (huy chương Vàng vai kép lão mùa giải năm 2022), năng lực nghệ sĩ sẽ phát huy tốt nhất khi được “đo ni đóng giày”. Tiêu biểu chính là lớp nghệ sĩ thế hệ vàng với những tác phẩm gần như dành riêng cho họ.

Chương trình tôn vinh giải Thanh Tâm ngày trước cũng quy tụ các nghệ sĩ đoạt giải biểu diễn vở tuồng mới được soạn giả viết kiểu “đo ni đóng giày” cho nghệ sĩ tham gia. “Cách làm này cũng có thể phát huy cả tác giả và đạo diễn trẻ. Nên chăng đặt hàng tác giả trẻ viết kịch bản riêng cho ê kíp tham gia và giao cho đạo diễn trẻ dàn dựng? Tôi tin rằng, sự kết hợp này sẽ tạo ra dấu ấn mới” – nghệ sĩ Minh Trường nêu ý kiến.

Cũng theo Minh Trường, với nhịp điệu đa dạng của xã hội hôm nay, cũng cần đa dạng hóa hình thức quảng bá. “Hình thức live show cá nhân cũng là cách giúp nghệ sĩ để lại dấu ấn. Ngoài các đào – kép mùi chuyên đảm nhận vai chính, các nghệ sĩ chuyên vai lão, độc hay hài khó có điều kiện làm live show. Có được sự kết hợp, hỗ trợ từ ban tổ chức sẽ giúp họ mạnh dạn đầu tư làm chương trình tạo dấu ấn riêng, cũng là phát huy chiếc huy chương mình đã đạt được từ giải thưởng Trần Hữu Trang” – Minh Trường chia sẻ. 

Theo Ninh Lộc/PNO

 

Bình luận (0)