Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thách thức ngành nông nghiệp Tổ chức sản xuất chuyên sâu

Tạp Chí Giáo Dục

Trung tuần tháng 3-2014, nông dân ĐBSCL sẽ vào cao điểm thu hoạch lúa đông xuân nhưng giá lúa đang giảm. Trong bối cảnh đó, nhiều thông tin bất lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục xuất hiện trên thị trường. Đây sẽ là thời điểm khó khăn nhất của người nông dân sau gần 100 ngày bỏ công sức, tiền của để tạo ra hạt lúa. Vấn đề đặt ra là có nên trồng nhiều lúa để rồi canh cánh nỗi lo rớt giá.

Sản xuất lúa cần hiện đại hóa và liên kết mới nâng cao đời sống nông dân. Ảnh: CAO PHONG

Trĩu nặng lo âu

Trong 1 tuần qua, thông tin giá lúa giảm liên tục được các phương tiện truyền thông cập nhật. Có lúc giá lúa giảm 100 đồng/kg/ngày liên tục trong 4 ngày. Giá lúa tươi của nông dân bán tại ruộng hiện nay dao động 4.200 – 4.800 đồng/kg (tùy theo khu vực và giống lúa). Ở ngưỡng giá này, nông dân vẫn có lãi, vì giá thành sản xuất trong vụ đông xuân thường thấp. Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa khô trong tuần qua tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động 5.250 – 5.350 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.500 – 5.600 đồng/kg, giảm 200 – 300 đồng so với tuần trước.

Độ “vênh” thống kê giá lúa tại kho và bán tại ruộng khá cao, nguyên nhân do bán lúa tươi tại ruộng, nông dân không phải tốn tiền sấy lúa và vận chuyển đến kho. Nhưng điều người dân quan tâm là điệp khúc “trúng mùa, rớt giá” cứ lặp lại khi thị trường xuất khẩu xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh quyết liệt. Các doanh nghiệp đang phập phồng liệu có xảy ra tình huống: Thái Lan “xả” kho gạo, trong khi kho gạo của Ấn Độ đang “phình” ra. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã thống nhất chủ trương mua tạm trữ nếu giá lúa, gạo giảm. Cụ thể, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT và VFA theo dõi sát sao tình hình vụ lúa đông xuân, thị trường xuất nhập khẩu để ứng phó kịp thời với tình hình hiện nay. “Vẫn cần triển khai mua tạm trữ lúa, gạo trong tình hình hiện nay. Chính phủ nên xem xét đến khả năng mở rộng thời gian tạm trữ lên 6 tháng (vừa qua là 3 tháng/vụ), đồng thời giảm thuế VAT để doanh nghiệp có nhiều cơ hội cạnh tranh hơn” – một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL kiến nghị.

Trồng lúa hay trồng màu?

Hàng ngàn nông dân trồng lúa và mía ở ĐBSCL đang rơi vào trạng thái “dở khóc, dở cười” và họ đang lưỡng lự chọn lựa có nên bỏ 2 loại cây trồng này không. Trên thực tế, hàng ngàn hécta đất trồng lúa đã và đang được nông dân ĐBSCL chuyển sang trồng màu. Các tỉnh có phong trào trồng màu tăng mạnh ở ven sông Tiền và sông Hậu. Trong đó, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trăng là những địa phương có thế mạnh về cây màu. Nông dân tập trung trồng các loại cây như bắp, khoai lang, đậu nành. Không ít nông dân trồng màu đạt thu nhập và lợi nhuận cao hơn nông dân trồng lúa. Tuy nhiên, dù có chuyển đổi sang trồng màu khá mạnh nhưng đến nay diện tích cây màu vẫn chỉ chiếm khoảng 5% – 10% so với diện tích trồng lúa. “Nhiều nông dân trồng bắp cải ở An Giang đang bái lạy loại cây này. Giá chỉ còn 500 đồng/kg, hiện nông dân bỏ cải trắng đồng” – ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chua xót nói như một minh chứng cho sự bế tắc trong chuyển đổi sang trồng màu.

Diện tích trồng màu hiện nay đã “bão hòa” với nhu cầu nội địa, kênh tiêu thụ đã được xác lập trong hàng chục năm qua. Nếu diện tích cây màu tăng đột biến sẽ gặp nhiều rủi ro. Điển hình là trường hợp nông dân Vĩnh Long tăng đột ngột diện tích trồng khoai lang phải gánh chịu nhiều thiệt hại. Gần đây, chuyện chuyển đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn được khuyến khích. Nhiều địa phương cũng đã mạnh dạn đưa nội dung này vào các văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, cụ thể chuyển sang cây gì, giải pháp ra sao thì gần như chưa có một địa phương nào chỉ ra cụ thể. “Bài toán căn cơ thu nhập nông dân 23 – 24 triệu đồng tăng lên 30 triệu đồng/năm là cực kỳ khó khăn. Trồng cây gì, nuôi con gì cho thu nhập cao? Lãnh đạo tỉnh cũng khó trả lời câu hỏi này cho nông dân. Như Long An muốn chuyển sang trồng thanh long, mè trong tái cơ cấu kinh tế. Nhưng để xác định trồng với diện tích 5.000ha hay 10.000ha phải nhìn thị trường trong và ngoài nước. Bình Thuận, Tiền Giang trồng bao nhiêu thanh long, mở ra lớn hơn được không? Vấn đề là phải phối hợp thị trường để gắn với quy hoạch sản xuất ở quy mô vùng mới tái cơ cấu kinh tế bài bản hơn” – ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An phân tích.

Theo tính toán của ông Nguyên, trên 1ha lúa, nông dân đạt lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, nếu mở một cơ sở sản xuất trên diện tích 1ha đất, với khoảng 100 công nhân, tính ra thu nhập sẽ tương đương 100 mẫu lúa! Vì vậy, cần chuyển dần nông dân làm nông nghiệp sang khu vực II (thương mại dịch vụ) và khu vực III (công nghiệp). Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng việc chuyển đổi đất lúa sang cây màu là chuyện không dễ. Cụ thể việc cải tạo, kiến thiết lại đồng ruộng không đơn giản; tay nghề nông dân trồng lúa sang trồng màu được đào tạo ra sao. Việc gia tăng hàng trăm hécta màu, nông dân bán ở đâu? ĐBSCL có lợi thế về thổ nhưỡng về trồng lúa và nuôi cá tra… nên cần xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho các mặt hàng chiến lược này. Một phần hàng nông sản bị “nghẽn” trong thời gian qua là do khâu điều hành. Vì tổ chức sản xuất chưa tốt cho nên giá thành đội lên, cuối cùng lợi nhuận của nông dân không được như kỳ vọng. Nông dân bị thiệt thòi.

* Tiến sĩ LÊ VĂN BẢNH, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL

"Chủ trương công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn đã định ra từ lâu, nhưng cách thực hiện chưa tốt vì thiếu theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả một cách triệt để. Nông nghiệp công nghệ cao cũng được nhiều tỉnh, thành đề ra nhưng vẫn chưa thực hiện được. Cần tập trung vào giải pháp liên kết vùng. Thị trường không có biên giới giữa các tỉnh và liên kết vùng là giải pháp tạo thế và lực để các tỉnh có cùng chung mặt hàng sản xuất, có thể liên kết lại và đầu tư theo chiều sâu nhằm tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường hội nhập sâu vào WTO"

CAO PHONG (SGGP)

Bình luận (0)