Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thách thức từ chính đội ngũ giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Theo TS. Hoàng Thị Tuyết (Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), cuộc khảo sát việc hiểu phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm của các nhà xây dựng chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) và của 139 giáo viên (GV) tiểu học môn tiếng Việt ở cấp tiểu học cho thấy những thách thức khó có thể giải quyết khi thực hiện CT dựa trên kết quả như hiện nay. Đó là cách hiểu và nhận thức hạn chế mang tính địa phương về tiếp cận lấy HS làm trung tâm trong những người xây dựng CT-SGK của Việt Nam so với cách hiểu từ những văn bản quốc tế. Thứ hai là những bất cập thường gặp giữa chính sách quốc gia về sự tuân thủ SGK với việc áp dụng CT lấy HS làm trung tâm. Thứ ba là GV thực hiện CT theo SGK nghĩ rằng SGK như một CT cụ thể, có tính pháp lệnh. Thứ tư đó là chất lượng và việc sử dụng SGK không phù hợp, sách hướng dẫn viết theo thể thức tuyến tính dẫn đến sự suy giảm, sai lệch trong phát triển năng lực chuyên môn của GV. Điều này làm cho công cuộc đổi mới CT trở thành việc đạt được mục tiêu thay thế một bộ SGK cũ bằng một bộ SGK khác! Việc thực hiện các cách tiếp cận dạy học lấy HS làm trung tâm tại Việt Nam bị hạn chế của chính sách giảng dạy thống nhất theo một bộ SGK quốc gia. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hệ thống các bất cập giữa quan điểm nhân văn chủ nghĩa, hoặc hệ tư tưởng văn hóa xã hội, hoặc trào lưu hậu hiện đại vốn là nền tảng triết lý cho những phương pháp tích cực này với trào lưu hiện đại vốn làm nền tảng triết lý cho đường lối SGK tập trung hóa. Do đó, triết lý giáo dục của công cuộc cải cách sư phạm tại Việt Nam hiện nay có thể tự nó đã tạo ra những mâu thuẫn với chính nó, xét theo nghĩa trong tiếp cận dạy học lấy người học làm trung tâm.
TS. Mike Horsley, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu quốc tế về SGK và phương tiện giáo dục (IARTEM), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục dạy – học, ĐH Central Queensland, Australia cho rằng khi thực hiện đổi mới CT-SGK thì một trong các yếu tố quan trọng cần cân nhắc là tính bảo thủ của GV. GS. Mike cho biết, trong thực tế, phương pháp giảng dạy tương đối khó thay đổi. Một số khía cạnh trong phương pháp giảng dạy chuyên môn của GV có xu hướng khiến cho họ có phần bảo thủ hơn và phản đối việc thay đổi giáo trình và SGK cũng như tài liệu dạy học. Đồng ý với quan điểm này, một chuyên gia giáo dục cho rằng vai trò đào tạo GV rất quan trọng. Thực tế, GV thích nghe theo SGK hơn là tác giả viết SGK. Do đó cần có sự đối thoại giữa tác giả SGK và GV giảng dạy. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đưa ra nhận định hiện nay các trường sư phạm đang “lẽo đẽo” theo sau phổ thông. Do đó, để khắc phục được sự bảo thủ của GV thì sư phạm phải đi trước. Một yếu tố quan trọng khác đó là nếu không thay đổi hệ thống thi cử thì GV vẫn cứ dạy bảo thủ. Vị chuyên gia này cho rằng có những GV rất tiên tiến nhưng vì cách thi cử như hiện nay nên họ không thể vượt rào.
GS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì cho rằng, xưa nay người ta bảo sư phạm xa với phổ thông, chạy theo phổ thông, lí luận về nghề nghiệp nhiều hơn thực hành nghề. Điều cần làm hiện nay là giảm hàn lâm và tăng thực hành nghề nghiệp, đưa sinh viên vào trong môi trường đào tạo chính thì sẽ khắc phục được những nhược điểm trên. Thứ hai là trong tác nghiệp của giáo sinh đang yếu cái gì thì chúng ta phải tập trung vào cái đó.
Thiên Lam (lược ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)