Hội nhậpThế giới 24h

Thách thức và khó khăn của Chủ tịch Hạ viện Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Ở nước Mỹ, Chủ tịch Hạ viện là người đứng thứ 3 trong trật tự quyền lực nhà nước, sau Tổng thống và Phó Tổng thống. Phe chiếm đa số trong Hạ viện cử ra người làm Chủ tịch Hạ viện. Không có Chủ tịch Hạ viện, Hạ viện Mỹ vẫn hoạt động nhưng không thể quyết định được việc gì. Vì thế, việc bầu Chủ tịch Hạ viện luôn là chuyện quan trọng về đối nội cũng như đối ngoại ở nước Mỹ.
Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson.
Trước tiên là việc phe Đảng Cộng hòa trong Hạ viện phế truất Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Sau cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ hồi tháng 11.2020, phe Đảng Cộng hòa có được 221 ghế trong Hạ viện và phe Đảng Dân chủ có 212 ghế. Ranh giới đa số trong Hạ viện là 217 dân biểu. Điều đó có nghĩa rằng, chỉ cần một nhóm nhỏ dân biểu thuộc phe Đảng Cộng hòa nổi loạn là có thể lật đổ Chủ tịch Hạ viện và làm cho phe này không bao giờ có thể bầu ra được Chủ tịch Hạ viện mới.
Ông McCarthy bị lật đổ một cách dễ dàng bởi có 8 dân biểu thuộc phe Đảng Cộng hòa trong Hạ viện phản đối việc ông McCarthy đã thỏa thuận với Tổng thống Mỹ đương nhiệm thuộc phía Đảng Dân chủ Joe Biden về ngân sách tạm thời 45 ngày cho nước Mỹ để ngăn chặn tình cảnh chính quyền Mỹ bị đóng cửa. Sau đó có tới 3 ứng cử viên của phe Đảng Cộng hòa không được bầu làm Chủ tịch Hạ viện. Người đầu tiên và người thứ ba tự rút lui trước khi cuộc bầu bán được tiến hành vì nhận thấy không thể có được đủ đa số cần thiết. Người thứ hai cả sau 3 lần bầu vẫn không đắc cử. Cả ba đều được coi là những ngôi sao sáng trong phe Đảng Cộng hòa. Cuối cùng thì ông Mike Johnson được bầu làm chủ tịch mới của Hạ viện Mỹ.
Người này được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ, có quan điểm cực hữu, bảo thủ và thuộc diện những người ủng hộ ông Trump trung thành nhất, nhưng lại rất ít được biết đến trong phe Đảng Cộng hòa, kém từng trải chính trị ở nước Mỹ. Người này đắc cử một cách dễ dàng và chóng vánh bởi có ít kẻ thù nhất ở phe Đảng Cộng hòa.
Việc bầu ra được chủ tịch Hạ viện mới giúp chấm dứt tình trạng hỗn loạn trong nội bộ phe Đảng Cộng hòa kể từ hơn 3 tuần nay nhưng nó cũng phơi bày tình trạng phân rẽ nội bộ và cực đoan hóa rất trầm trọng ở phe Đảng Cộng hòa. Nó cho thấy ảnh hưởng của ông Trump vẫn rất quyết định đối với cả chuyện định hướng chính sách lẫn nhân sự lãnh đạo của phe Đảng Cộng hòa. Rất có thể qua chuyện này mà ý thức được mức độ ảnh hưởng và chi phối của ông Trump nên cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tuyên bố rút khỏi cuộc ganh đua trở thành tổng thống mới của nước Mỹ trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm tới, tức là rút khỏi cuộc tranh đua với chính ông Trump.
Bây giờ, ông Johnson bất ngờ có được cơ hội của cuộc đời mình khi từ gần như vô danh trong quốc hội trở thành nhân vật quyền lực thứ 3 trong trật tự quyền lực nhà nước ở Mỹ.
Thách thức lớn nhất và khó khăn nhất đối với người này là cân bằng an toàn giữa các phe cánh, nhóm phái trong nội bộ phía Đảng Cộng hòa để những kẻ chống đối không nổi loạn trong khi vẫn phải dung hòa và thỏa hiệp với phía Đảng Dân chủ trong Hạ viện và với ông Biden, đặc biệt trong bối cảnh tình hình phe Đảng Dân chủ kiểm soát thượng viện. Thử thách đầu tiên đối với vị chủ tịch mới của Hạ viện là tìm kiếm thỏa thuận mới với ông Biden trước ngày 17.11 tới để chính quyền nhà nước Mỹ không bị đóng cửa. Ông Johnson tỏ ra kiên quyết ủng hộ Israel trong khi mờ nhạt về Ukraina. Nước Mỹ có chủ tịch Hạ viện mới nhưng mức độ hỗn loạn ở phe Đảng Cộng hòa mới chỉ tạm lắng xuống.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)