Ngày nay, trên báo chí nhan nhản những tin “đạo văn”, “đạo nhạc”. Chữ đạo có nghĩa là ăn cắp. Ăn cắp văn, ăn cắp nhạc của người khác làm của mình. Nếu ai quen thói ấy xin nhớ thờ sư tổ. Hắn tên là Chích (Đạo Chích).
Nguyễn Du viết Truyện Kiều nếu lòng tác giả không trong sáng, minh bạch chắc rất dễ rơi vào việc đạo văn. Bởi khi Nguyễn Du viết Truyện Kiều thì Kim – Vân – Kiều – Truyện đã ở một thời quá xa gần hai trăm năm về trước. Lại nữa, Kim – Vân – Kiều – Truyện không là tác phẩm xuất sắc, người Trung Quốc đã quên từ lâu.
Nhưng nhà thơ Việt Nam, cụ Nguyễn Tiên Điền nói rõ: Cảo thơm lần giở trước đèn/ Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh (Cảo thơm, Phương cảo, tức sách quý sách hay. Nguyễn Du đã trân trọng lần giở từng trang trong bộ sách chép chuyện tình ngày xưa ấy). Nói rõ ra Nguyễn Du công nhận: Nguyễn viết sách này là do đọc sách của người trước.
Thái độ cụ Nguyễn rõ ràng, nghiêm túc. Cụ đã để lại bài học quý giá cho hậu sanh.
Bây giờ, con cháu cứ hở ra là chê bai Kim – Vân – Kiều – Truyện để đề cao Truyện Kiều. Đó là việc làm không đúng ý cụ Nguyễn, trái với đạo lý dân tộc: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Cứ nhìn vào hàng trăm chi tiết hay của Thanh Tâm Tài Nhân, cụ Nguyễn đã giữ lại trân trọng trong chuyện kể của mình (tất nhiên Cụ lược bỏ thêm thắt, hoán cải, đổi đời cho tác phẩm ấy là điều chúng ta cần tìm hiểu và thấy rõ).
Đây chỉ xin dẫn ra một vài chi tiết ở đầu Truyện Kiều nói rõ sự tôn trọng điều hay, sự sáng tạo của Thanh Tâm Tài Nhân.
Nguyên trong các bộ sách viết về Vương Thúy Kiều trước bộ Kim – Vân – Kiều – Truyện nói rõ Kiều quê ở Lâm Truy thuộc tỉnh Sơn Đông. Thanh Tâm Tài Nhân đã cho Thúy Kiều ở Bắc Kinh. Ở Bắc Kinh nơi trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa của triều đại nhà Minh mà xảy chuyện oan ức của gia đình Kiều. Thúy Kiều ở Bắc Kinh nên mới có khoảng cách xa xôi với chốn lầu xanh mụ Tú bà. Không gian xa vời ấy mới có chuyện Mã nói dối Lâm Tri – Lam Thanh, mới có chuyện Kim Trọng hết lòng tìm tòi vẫn không biết được tin tức của Kiều. Không gian xa vời ấy, Thúy Kiều mới mỗi khi nhớ nhà, nhớ quê hương nỗi đau xa cách, nỗi cô đơn càng vời vợi, thấm thía, buốt giá. Cũng chính vì xa xôi như vậy nên Từ Hải cho quân lính tóm gọn Mã Giám Sinh, Tú bà, Sở Khanh để Kiều báo oán mà Từ Hải không làm được cái việc cho Thúy Kiều về gặp cha mẹ: Xót xa nàng còn chút song thân/ Bấy lâu kẻ Việt người Tần cách xa!
Không gian cách xa này, trong tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã tận dụng tạo nên những mũi nhọn nhức nhối tim gan người đọc.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)