Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thái độ của Thúc ông trước mối tình Thúc sinh – Thúy Kiều

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu trước đấy, mối tình Thúy Kiều – Thúc sinh êm dịu đẹp đẽ bao nhiêu, giờ đây như đã có tín hiệu cho sự giận dữ, tan nát.
Thúc ông (cha Thúc sinh) đi vắng lâu ngày, nay đã trở lại Lâm Truy. Nửa năm hơi tiếng vừa quen/ Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng/ Giậu thu mới nẩy giò sương/ Gối yên đã thấy xuân đường tới nơi. Xuân đường tới nơi tức bố đã về. Thúc ông đã về trong bối cảnh của một thiên nhiên đang chuyển mùa. Sân ngô là cây ngô đồng ở sân, từ cành biếc (màu xanh) chuyển qua màu vàng. Thơ xưa có câu cực hay: Ngô đồng nhất diệp lạc thiên hạ cộng tri thu (cây ngô đồng, một lá rụng, thiên hạ đều biết mùa thu đã đến). Mùa hè mới chuyển sang mùa thu, cũng chỉ mới chớm thôi: Giậu thu mới nẩy giò sương (hoa cúc nở mùa thu, mùa thu có sương nên giò sương là chỉ hoa cúc, chỉ mùa thu). Có gì đặc biệt trong cách tả bước đi của thời gian ấy? Hình như bước đi ấy qua nhanh. Mà sao ở đây bước đi thời gian lại nhanh chóng? Cụ Nguyễn đã khéo léo trình bày lý do ở trên: Nửa năm hơi tiếng vừa quen, đôi bạn trẻ ấy nửa năm chung sống nên đã quen hơi, quen tiếng (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu). Một khí trời hơi khác thường bởi con người trong cảnh khác thường. Lý ra, ông chủ gia đình xa nhà lâu ngày nay về đến nơi, việc đầu tiên là thăm hỏi, vấn an. Ở đây ta thấy cái yên ngựa có đệm chiếc gối (gối yên) vừa tới nơi đã nổi trận sấm sét: Phong lôi nổi trận bời bời (phong là gió, lôi là sét). Không phải vài cơn gió mạnh hay vài tiếng sét đầu mùa mà cái cảnh đất trời nổi dậy ấy nó dữ dội, nó làm nên một trận, nó bời bời tức liên tục không có lúc ngừng, không cho một sự chống đỡ. Và, Thúc ông đã làm hai việc cùng lúc: Nặng lòng e ấp, tính bài phân chia. Phân chia đây là chia cách giữa Thúy Kiều và Thúc sinh, chuyện đã rõ. Còn nặng lòng e ấp? Cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa có sự thống nhất. Người cho rằng e ấp đây là “e lệ”, “sợ hãi” bởi con trai ông đã có vợ nay lại chơi bời, lấy gái giang hồ. Đấy là quan điểm của hai cụ Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim. Còn cụ Hồ Đắc Hàm cho rằng e ấp tức “lòng dòng”, không nhất định. Cụ Hồ Đắc cho vào thế bối rối của Thúc ông.
Chúng tôi cho rằng cộng cả hai ý ấy, sự giải thích sẽ hoàn chỉnh. Thúc ông thấy Thúc sinh lấy một cô gái giang hồ, nghĩ đến cảnh con đã có vợ… ông lúng túng khó xử, ông “lòng dòng”… Nặng lòng e ấp là nặng lòng chở che, bảo vệ cho mối tình Thúc sinh – Hoạn Thư. Vì vậy câu thơ tám chữ được chia đôi với hai động tác rõ ràng, dứt khoát, mạnh mẽ: Nặng lòng e ấp, tính bài phân chia.
Lẽ dĩ nhiên sự phân chia ấy là Dạy cho má phấn lại về lầu xanh. Trong nguyên truyện, TTTN cho Thúc sinh cãi lý với bố: “Quan thì phải hiểu luật, chỉ có luật cho gái đĩ tòng lương, chớ có luật nào bắt con gái nhà lương đi làm đĩ…”.
Chính vì lời cãi lý ấy, Thúc ông cho con mang tội cãi lại cha mẹ và kiện con. Điều này ở phần sau khi bàn đến vụ quan xử kiện chúng tôi xin trình bày tiếp. Chỉ biết rằng cụ Nguyễn Du đã vẽ ra một Thúc sinh dễ thương, nhận tội lỗi về mình. Nhưng trong lời nhận lỗi ấy có một sự cương quyết. Thấy lời nghiêm huấn rành rành/ Đánh liều sinh mới lấy tình nài kêu/ Rằng:Con biết tội đã nhiều/ Dẫu rằng sấm sét búa rìu cũng cam/ Trót vì tay đã nhúng chàm/ Dại rồi con biết khôn làm sao đây”. Vừa nhận tội vừa tung ra một lời cương quyết: Lầm lỡ rồi, khó mà sửa đổi. (Thúc nói cũng khéo: Dại rồi con biết khôn làm sao đây tức không biết hay không muốn biết?). Chưa hết, Thúc tung đòn thứ hai: Lượng trên quyết chẳng thương tình/ Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi! Tức Thúc sinh sẽ tự tử.
Tình hình căng thẳng cao độ sao Thúc ông vẫn kiện con ra cửa quan?
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)