Một tiểu ban của Quốc hội Thái Lan đã phát hiện nhiều điểm bất thường trong việc sử dụng quỹ cứu trợ và tái thiết sau trận lụt lịch sử ở nước này. Cuộc điều tra đang bắt đầu.
Báo chí Thái Lan ngày 4-5 đồng loạt đăng tải bức ảnh nghị sĩ và chủ tịch Đảng Yêu nước Thái Chuvit Kamolvisit chỉ cho báo giới thấy cảnh hàng đống hàng cứu trợ lũ lụt bị bỏ không ở một góc tòa nhà quốc hội, nhiều thùng hàng đã bị hư hỏng.
Trước đó ngày 20-4, Mạng lưới chống tham nhũng Thái Lan đã yêu cầu chính phủ giải trình việc chi tiêu đối với số tiền 120 tỉ baht (3,8 tỉ USD) dành cho cứu trợ lũ lụt. Cho đến nay, nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thảm họa này vẫn không hề hay biết gì về chính sách này và chưa nhận được một đồng cứu trợ nào.
Ông Charnchai Issarasenarak, người đứng đầu tiểu ban giám sát quốc hội về các chi tiêu cho lũ lụt của các cơ quan nhà nước, cho biết đến nay mới chỉ có 10% trong số 120 tỉ baht dành cho các chương trình tái thiết sau lũ lụt và phòng chống thảm họa ngắn hạn được sử dụng. Ông Charnchai đặt vấn đề vì sao lại có sự chậm trễ này.
Cùng lúc, Cục Điều tra đặc biệt (DSI), Cục Thuế và Văn phòng Ủy ban chống tham nhũng đang điều tra nghi vấn một số quan chức đã bỏ túi một số tiền lớn từ quỹ lũ lụt dành cho đầu tư tái thiết sau thảm họa. Điều tra sơ bộ cho thấy có tới 30 triệu trong số 61 triệu baht (gần 2 triệu USD) tiền mua thực phẩm cho nạn nhân lũ lụt đã rơi vào túi riêng của các quan chức. DSI phát hiện một số công ty cung cấp thực phẩm cứu trợ không nộp thuế. Sau một thời gian điều tra, DSI xác định các công ty này lại chẳng liên quan gì đến dự án cứu trợ. Nhiều quan chức đã khai khống nhiều khoản chi cho các công ty này để biển thủ tiền cứu trợ.
Tiểu ban giám sát chi tiêu của quốc hội cũng nghi ngờ các quan chức đã ăn chặn tiền dự án xây dựng đê điều ở những khu vực được thiết kế làm kênh thoát lũ. Ngày 6-3, nội các Thái Lan đã thông qua ngân sách 1 tỉ baht (32,3 triệu USD) cho Cục Đường cao tốc để xây dựng đê. Do số tiền này lấy từ ngân sách khẩn cấp, việc xây dựng phải được hoàn thành trong vòng 3-6 tháng. Tuy nhiên, một nhà thầu tuyên bố chỉ có thể hoàn thành dự án xây đê trong năm sau.
“Để thông qua số tiền này, chính phủ phải xác định được rõ ràng sẽ xây đê ở chỗ nào. Tuy nhiên, Cục Tưới tiêu hoàng gia nói rằng họ còn chưa định ra được khu vực nào sẽ được sử dụng làm kênh thoát lũ” – ông Charnchai nêu nghi vấn. Dư luận và truyền thông Thái Lan đặt câu hỏi tại sao chính phủ đã cấp tiền trong khi dự án còn chưa hề có bước tiến triển nhỏ nào.
Ông Charnchai yêu cầu chính phủ phải nêu rõ danh tính quan chức nào đã ra lệnh xây dựng và yêu cầu Cục Đường cao tốc phải giải trình trước tiểu ban vào ngày 16-5. Ngoài ra, cũng theo ông Charnchai, chính phủ tỏ ra thiếu minh bạch khi mà đến nay vẫn chưa công bố mức giá đền bù trung bình cho các dự án liên quan đến lũ lụt theo quy định của Ủy ban chống tham nhũng quốc gia.
VIỆT PHƯƠNG (Theo Bangkok Post, The Nation)
Bình luận (0)