Các nữ sinh Thái Lan. Ảnh: I.T |
Nỗ lực cải thiện nền giáo dục ở Thái Lan đã có nhiều dấu hiệu tốt trong những năm qua được thể hiện qua sự tiến bộ trong các cấp học. Bằng chứng là nước này vừa thông qua dự án quốc tế mang tên “Giáo dục cho mục tiêu tương lai” dự định tiến hành đến năm 2015.
Dự án này bao gồm tất cả những yêu cầu về tỉ lệ học sinh đến trường, tỉ lệ người lớn biết chữ và tỉ lệ trẻ em tham gia các lớp mẫu giáo cao. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, Thái Lan không được tự hài lòng với những bước tiến đã đạt được trong giáo dục khi những cái nhìn cận cảnh đã tiết lộ những con số cho thấy khoảng cách trong giáo dục tại đất nước này vẫn còn nhiều điều cần đề cập đến.
Theo đó, mặc dù trẻ em được giáo dục miễn phí đến năm 12 tuổi và điều này được đảm bảo bởi Hiến pháp nhưng có đến khoảng 1,4 triệu trẻ trong độ tuổi đến trường không đăng ký đi học. Con số này tăng lên đến 1,9 triệu nếu tính cả số trẻ em không đến trường mẫu giáo. Một yếu tố khác làm hạn chế cơ hội đến trường của trẻ em nghèo là do chi phí học tập cao. Ở Thái Lan, học phí được quy định bởi pháp luật nhưng bên cạnh đó còn có những khoản phí khác mà phụ huynh phải trả cho việc học của con mình. Một khảo sát được tiến hành bởi Liên minh Giáo dục xã hội đã cho thấy hơn 80% các gia đình nghèo vẫn phải chi trả các khoản phí để con mình được đến trường. Theo đó, chi phí trung bình là 6.000-8.000 baht cho một năm học trong chương trình bắt buộc. Mặc dù con số này dường như không đáng kể so với mức phí của trường tư nhưng nó cũng đủ tạo nên gánh nặng tài chính nghiêm trọng cho những gia đình nghèo. Bên cạnh đó, việc cho trẻ đến trường cũng đồng nghĩa với việc mất đi một khoản thu nhập cho gia đình.
Cô Rung, một bà mẹ hai con, mỗi ngày kiếm được 100-200 baht từ công việc nhặt rác cho biết: “Học phí cho bé lớn mất hết 1.400 baht và 1.500 baht cho bé nhỏ. Những chi phí trên chưa bao gồm đồng phục và những thứ khác mà nhà trường yêu cầu. Tôi phải trả quá nhiều so với thu nhập của mình!”. Chồng của cô Rung đang chịu án tù ở Hồng Kông và để lại mọi trách nhiệm nuôi con cho cô. “Chính phủ nói rằng giáo dục được miễn phí nhưng thật sự không có gì miễn phí cả. Chúng tôi phải làm gì đây? Đến cuối cùng thì chúng tôi vẫn không đủ tiền”, cô Rung nói tiếp.
Cũng có nhiều yếu tố khác làm hạn chế quyền được đến trường của trẻ. Hiện nay ước chừng có khoảng 1,47 triệu trẻ em thuộc diện không có nhiều điều kiện sống thuận lợi ở Thái Lan. Con số này bao gồm nhiều đối tượng như trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, trẻ bị nhiễm HIV/AIDS; trẻ em ở những bộ lạc trên núi hoặc thuộc bộ tộc ít người, trẻ em khuyết tật và trẻ em trong những gia đình nghèo. Theo ước tính, khoảng 3/4 trẻ trong số này sẽ khó có cơ hội nhận được sự giáo dục đúng đắn. Ngoài ra, việc không đăng ký khai sinh, sự phân biệt của giáo viên cũng như thiếu chương trình học phù hợp… là một trong số các nguyên nhân làm trẻ không được đến trường.
Mặc dù những con số được ghi nhận từ Chính phủ khá tốt: 96% người lớn biết chữ, nhưng những đánh giá từ Hiệp hội Các tổ chức kinh tế và phát triển (OECD) cho thấy 37% học sinh ở lứa tuổi 15 có kỹ năng đọc ở cấp độ rất thấp. Tình trạng này còn tệ hơn ở nhóm dân tộc thiểu số và nhóm dân di cư.
Các chuyên gia nói rằng, Thái Lan cần phải tập trung hơn nữa vào sự chênh lệch trình độ giữa các nhóm dân và đẩy mạnh sự công bằng trong giáo dục. Trông đợi vào những con số trung bình được báo cáo thật sự không giúp gì nhiều cho việc giảm khoảng cách học vấn. Chính phủ cần nhận thức và xác định được những đối tượng khó tiếp cận để quyền được giáo dục miễn phí và chất lượng thật sự phát huy cũng như đưa ra một thước đo hợp lý để đánh giá việc này. Để phát triển hơn nữa, Thái Lan cũng cần chấm dứt việc so sánh mình với những quốc gia có thu nhập thấp khi nước này đang ở vị thế nước có thu nhập trung bình. Sự đầu tư tốt và quản lý hiệu quả hơn của hệ thống giáo dục song song với một chiến lược chặt chẽ và cơ cấu hợp lý sẽ là nhân tố quan trọng để Thái Lan đạt nhiều bước tiến hơn nữa trong tương lai.
(theo unescobkk.org)
Ngọc Trúc
Bình luận (0)