Hội nhậpThế giới 24h

Thái Lan có thủ tướng mới

Tạp Chí Giáo Dục

Người biểu tình thuộc lực lượng áo đỏ ném gạch đá vào xe các nghị sĩ bỏ phiếu bầu ông Abhisit – Ảnh: Reuters

Sau tám năm dài cam phận “chiếu dưới”, cuối cùng Đảng Dân chủ đối lập cũng đã giành được quyền lãnh đạo chính phủ.

Ngày 15-12, Hạ viện Thái Lan đã bỏ phiếu bầu chủ tịch Đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva làm thủ tướng. Báo Bangkok Post cho biết ông Abhisit vượt qua đối thủ Pracha Promonok (Đảng Puea Thai) – một đồng minh thân cận của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra – với tỉ lệ bỏ phiếu 235-198.

Thủ tướng trẻ nhất

Như vậy, ông Abhisit, 44 tuổi, đã trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan và là nhà lãnh đạo thứ năm trong hơn hai năm sóng gió vừa qua. Ông Abhisit sẽ lên nắm quyền sau khi được nhà vua Bhumibol Adulyadej công nhận.

Ông Abhisit giành được sự ủng hộ của các nghị sĩ Đảng Dân chủ, và quan trọng hơn là từ những nghị sĩ thuộc các đảng phái tách ra từ liên minh cầm quyền của Đảng PPP cũ (nay đổi thành Đảng Puea Thai). Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, giáo sư chính trị Thitinan Pongsudhirak, thuộc ĐH Chulalongkorn, nhận định các nghị sĩ đồng minh cũ của PPP đã phải chịu sức ép rất lớn từ phía quân đội vốn không muốn đại diện của Pue Thai lên nắm quyền nữa. 

Ngoài ra, các nghị sĩ liên minh với PPP cũ cũng bị lực lượng chống Thaksin PAD “hăm dọa” bằng những lời cảnh báo sẽ tiếp tục biểu tình, chiếm sân bay nếu bầu cho một đồng minh của Thaksin. Có những nguồn tin cho rằng phe Dân chủ và Puea Thai đều lôi kéo các nghị sĩ bằng lời hứa trao chức vụ trong nội các và cả những khoản tiền béo bở. Theo giáo sư Thitinan, chiến thắng của ông Abhisit chẳng có gì ngạc nhiên bởi nó đã được xác định từ trước khi hạ viện tiến hành bỏ phiếu.

Những thách thức lớn

Reuters nhận định chỉ với mức trội hơn 16 ghế trong quốc hội, liên minh cầm quyền của ông Abhisit có khả năng chỉ trụ được vài tuần. Ngày 11-1-2009, dự kiến cuộc bầu cử lấp đầy 29 ghế hạ viện do các đảng thân Thaksin để lại sẽ diễn ra. Nếu những người được bầu chống lại Đảng Dân chủ thì chưa kịp ngồi ấm chỗ ông Abhisit sẽ phải ra đi.

Theo giáo sư Thitinan, dù trụ lại thì ông Abhisit sẽ phải đối mặt với bốn khó khăn cực lớn khi giữ cương vị thủ tướng. Thứ nhất, liên minh cầm quyền lỏng lẻo với những cá nhân bị sức ép phải gia nhập sẽ khiến nhà lãnh đạo trẻ tuổi này rất khó kiểm soát được những đồng minh lão làng của mình. Thứ hai, nền kinh tế Thái Lan đang chao đảo do khủng hoảng tài chính thế giới, và ngành công nghiệp du lịch sa sút do vụ chiếm sân bay của lực lượng PAD. Nhiều chuyên gia đã dự đoán nền kinh tế Thái Lan sẽ đi vào suy thoái từ đầu năm 2009.

Thứ ba, ông Abhisit và Đảng Dân chủ sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân vùng nông thôn phía bắc và đông bắc, nơi ông Thaksin vẫn đang được ủng hộ. Bằng chứng là ngay sau khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, hơn 200 người biểu tình thuộc lực lượng áo đỏ UDD đã vây lấy tòa nhà quốc hội, chửi mắng và ném đá vào các nghị sĩ đã bầu cho ông Abhisit, và gọi ông là “kẻ do quân đội chọn lựa”.

Giáo sư Thitinan nhận định lực lượng UDD, với số lượng thành viên lên đến hàng triệu người, có sức mạnh vượt xa phe PAD. Và khi UDD quyết định hành động, Thái Lan sẽ chìm sâu trong khủng hoảng. Điểm cốt yếu là ông Abhisit không đủ khả năng hàn gắn sự chia rẽ sâu sắc giữa các thế lực quyền quý được sự ủng hộ của một phần dân trung lưu thành thị, với một bên là người dân vùng nông thôn ủng hộ ông Thaksin.

Thứ tư, nhiều khả năng ông Abhisit và Đảng Dân chủ sẽ vấp phải sự phản đối của chính PAD, lực lượng đã gián tiếp đưa ông lên chiếc ghế quyền lực tối cao trong chính phủ. Theo giáo sư Thitinan, khi PAD tổ chức biểu tình, ông Abhisit và Đảng Dân chủ dù không lên tiếng nhưng đã ngấm ngầm ủng hộ lực lượng này gây hỗn loạn. Tuy nhiên, chưa chắc các thế lực ngầm đứng sau PAD – gồm các thành phần đa dạng trong quân đội, giới quý tộc và khu vực tư nhân – lại muốn thấy Đảng Dân chủ “ngư ông đắc lợi”.

“Dù không lộ diện vào thời điểm này, nhưng có thể chính PAD sẽ là phe chỉ trích ông Abhisit nhiều nhất" – giáo sư Thitinan bình luận.

 

Nụ cười thắng lợi của ông Abhisit  – Ảnh: Reuters

Con nhà tông

Ông Abhisit sinh tại Anh, là con giáo sư y khoa Athasit Vejjajiva, một nhà kỹ trị giàu ảnh hưởng trên chính trường, từng giữ chức thứ trưởng y tế. Ông Abhisit theo học ngành chính trị, triết học và kinh tế tại ĐH Oxford (Anh) và cũng có bằng luật tại ĐH Ramkhamhaeng. Ông Abhisit bước chân vào chính trường năm 1992 và được báo The Nation đánh giá là chính trị gia có phong thái điềm đạm, khả năng hùng biện giỏi. Tuy nhiên, có không ít người phê phán ông là kẻ dựa vào vẻ ngoài điển trai để tiến thân trên con đường sự nghiệp.

Năm 2001, ông Abhisit tranh cử chức lãnh đạo Đảng Dân chủ và thất bại trước chính trị gia Banyat Bantadtan. Tuy nhiên, khi ông Banyat và Đảng Dân chủ thất bại nặng nề trước Đảng TRT của ông Thaksin trong cuộc bầu cử năm 2005, ông Abhisit đã được chọn làm lãnh đạo đảng. Ông Abhisit tỏ tham vọng lên làm thủ tướng từ năm 2006 khi kêu gọi ông Thaksin từ chức và đề nghị đức vua Bhumibol chỉ định thủ tướng tạm quyền. Tuy nhiên vua Bhumibol đã gạt bỏ đề nghị này khi khẳng định hoàng gia chọn thủ tướng là phản dân chủ.  

Ông Abhisit phê phán cuộc đảo chính quân sự năm 2006, nhưng ủng hộ những sửa đổi hiến pháp do chính quyền quân sự đưa ra. Năm 2008, ông Abhisit đã hai lần thất bại trong các cuộc bỏ phiếu bầu cử thủ tướng tại hạ viện trước các ông Samak Sundaravej và Somchai Wongsawat của Đảng PPP. Khi tranh cử thủ tướng, ông Abhisit đề ra các chính sách như dịch vụ y tế và giáo dục miễn phí, cam kết không tư nhân hóa các ngành dịch vụ cơ bản như điện, nước…

HIẾU TRUNG (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)