Một trường đại học tại Thái Lan (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Mỗi năm, tại Thái Lan có khoảng 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, với tấm bằng này, không phải tất cả họ đều tìm được việc làm.
Nguyên nhân của sự gia tăng số lao động thất nghiệp bắt nguồn từ việc giáo dục đại học không đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động ở đất nước này.
“Để có một sự cân bằng hơn về vấn đề này, Thái Lan cần có một hệ thống chương trình áp dụng trên toàn quốc”, Scott Evans, một nhà tư vấn giáo dục công tác tại Lãnh sự quán Úc ở Bangkok đã phát biểu trong Hội nghị Liên Hiệp Quốc về giáo dục sáng tạo để đạt những thành tựu xác định. Evans cho biết toàn cầu hóa không chỉ mang lại cơ hội cho nước Úc mà còn cho hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có cả Thái Lan. Vì thế, đây còn là thời điểm Thái Lan phải thích nghi với những thay đổi này để tăng cường vị thế con người cũng như năng suất lao động nhằm mục đích đưa đất nước tiến xa hơn trong thế giới “dường như đang nhỏ lại”.
“Khi nền giáo dục và những nhà xây dựng chính sách lao động có cùng một định hướng và mục tiêu như nhau, chúng ta bắt buộc phải lưu tâm đến sự giao nhau giữa chính sách giáo dục và chính sách về lực lượng lao động. Bộ Giáo dục không thể phát triển chính sách của mình một cách riêng lẻ mà không quan tâm đến việc nghiên cứu nhu cầu của thị trường” – Evans cho biết thêm.
Bắt kịp nhu cầu và phối hợp tốt hai mảng với nhau sẽ mang đến thành công vượt trội cho nền giáo dục. Đặc biệt, việc đồng bộ chính sách để phát triển và đáp ứng những nhu cầu khác nhau của thực tế thị trường lao động cũng rất cần thiết.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, Thái Lan cần tiến hành việc thực hiện chương trình quốc gia một cách hiệu quả với sự cộng tác từ các khu vực và Chính phủ. Theo đó, học vấn càng cao thì khả năng tìm việc với mức lương tốt sẽ lớn hơn và điều này cũng làm giảm tỉ lệ thất nghiệp trong xã hội. Để làm được điều này, chương trình cần tập trung đầu tư vào việc rèn luyện những kỹ năng và chú trọng đến sự tham gia của học sinh vào các hoạt động trong suốt quá trình này. Tuy nhiên cũng cần có sự linh hoạt tùy theo từng vùng và cho phép chính quyền địa phương sử dụng những khóa học/môn học hữu ích và sáng tạo khác vào chương trình trong trường hợp cần thiết.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc đầu tư vào giáo dục trẻ em sẽ tăng 0,6% GDP và 1,1% tỉ lệ người có việc làm tăng mỗi năm từ đây cho đến 2040. Ngoài ra, việc gia tăng tỉ lệ dân số tiếp tục theo học ở bậc cao hơn sau khi tốt nghiệp trung học sẽ làm tăng GDP 2,9% và 1,4% tỉ lệ lao động có việc làm đến năm 2040.
Trong xu thế cạnh tranh toàn cầu về công nghệ và kỹ thuật thì việc tập trung xây dựng kiến thức nền cơ bản cho học sinh là điều không thể thiếu. Giáo sư Tatsuji Seki đến từ Trung tâm Nghiên cứu và giáo dục tại Bangkok của Đại học Osaka nêu lên quan điểm: “Một nền tảng kiến thức cơ bản vững chắc sẽ tạo thuận lợi cho việc đào tạo những công nhân chất lượng cao. Lực lượng này sẽ giúp phát triển công nghiệp – kỹ thuật và những trường đại học có thể tập trung vào công tác nghiên cứu. Đầu tiên chúng ta nên chú trọng vào kiến thức cơ bản để có thể có một lớp kỹ thuật viên tay nghề cao và sau đó chúng ta có thể tạo ra ô tô, máy ảnh cũng như những thiết bị kỹ thuật cao khác”.
Mục tiêu được đưa ra là tạo một khung chính sách về chiến lược quốc gia tập trung vào đầu tư con người và lực lượng lao động có năng suất cao. Thái Lan cần tăng sản lượng công nghiệp, nông nghiệp và cả lĩnh vực dịch vụ nhưng không được quên đi tầm quan trọng của việc cân bằng lực lượng lao động và nhu cầu mà thị trường đòi hỏi.
(Theo Nationmultimedia.com)
Ngọc Trúc
Bình luận (0)