Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thái Lan muốn hợp tác với Việt Nam trong xuất khẩu gạo

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam và Thái Lan có nhiều giống gạo tương đồng, vì thế hai nước nên ngồi lại với nhau, trao đổi nhiều hơn để có thêm những hợp tác cụ thể về chiến lược tiêu chuẩn gạo, giá thành và sản phẩm xuất đi. Điều này không chỉ có lợi cho kinh tế hai nước mà còn cho nông dân, cũng như có lợi cho những người tiêu thụ gạo.

Đó là quan điểm của Phó bi thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Vijavat Isarabhakdi khi trả lời câu hỏi của TBKTSG Online trong cuộc gặp các phóng viên đến từ Việt Nam tuần rồi, tại Bangkok, Thái Lan.

Thái Lan đã hạn chế lượng gạo xuất khẩu và điều đó đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Song theo ông Vijavat, vấn đề quan trọng là hai bên cần hợp tác giữ giá, chất lượng và sản lượng gạo bởi việc đó không chỉ có lợi cho người trồng lúa mà còn cho cả người tiêu dùng. Quan điểm này đã được Thủ tướng hai nước thống nhất. Tôi nghĩ đó là mục tiêu lớn trong thời gian tới của hai bên”.

Một nhà máy sản xuất gạo sạch của Hoàng gia Thái Lan. Sản phẩm gạo ở đây dùng cho Hoàng gia, cứu trợ cho các trường học và làm từ thiện. Ảnh: Hồng Phúc

Nhìn về tương lai ngành gạo, Trưởng phòng xúc tiến thương mại thế giới của Thái Lan, bà Nitivadee Manitkul nói trong một cuộc gặp khác với phóng viên ngày 22-1 rằng Việt Nam, Campuchia, Thái Lan hiện chiếm trên 50% trữ lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Song điều quan trọng là Việt Nam và Thái Lan nên có hợp tác sâu hơn về chuyên môn để giá gạo và chất lượng gạo xuất khẩu ổn định.

“Thái Lan và Việt Nam có cùng nền tảng về nông nghiệp, có nhiều giống gạo tương đồng, chất lượng ngày càng cải thiện. Hai nước nên có thêm những hợp tác cụ thể để đưa ra chiến lược với ngành gạo. Thời gian tới, hai bên nên có những kế hoạch hợp tác cụ thể hơn”, bà bày tỏ quan điểm đồng thuận với ông Vijavat .
Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, tại Thái Lan hiện có 100.000 người Thái gốc Việt. Các doanh nghiệp Thái Lan đang rất quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam – một thị trường theo họ rất lớn và thuận tiện trong mối quan hệ ngoại giao cũng như địa lý, giao thông và văn hóa.

(TBKTSG Online)
 

Bình luận (0)