Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Thái Lan: Tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người

Tạp Chí Giáo Dục

Người tạo thuận lợi Pongpasin Saengtopro giảng bài trong khi Natthamon Prompab, có dải băng cột tóc, đang dự một khóa học không chính qui

Những chương trình học không chính qui và phi chính qui của Chính phủ Thái Lan là những điểm mấu chốt giúp người muốn học đạt mục tiêu trong tương lai.
Một cách để bảo đảm những hy vọng và mơ ước của một người là thông qua giáo dục. Nhưng những thách thức của cuộc sống, như phải ngưng hệ thống giáo dục chính qui để kiếm tiền nuôi gia đình, hoặc để chăm sóc cha mẹ hay người thân,… thường tước mất cơ hội của học sinh xây dựng nền tảng cho thành công trong tương lai.
May thay, Thái Lan có những chương trình học phi chính qui và không chính qui có thể giúp những ai lỡ bỏ ngang hệ thống giáo dục chính qui, nhưng vẫn muốn theo đuổi việc học hành.
Natthamon Prompab, một phụ nữ chăm sóc trẻ em nhà nghề – là một bà mẹ độc thân, bà cố kiếm đủ tiền để đưa đứa con gái duy nhất đến trường trung học. Tuy nhiên Natthamon cũng có ước mơ của riêng mình: nhận mảnh bằng trung học. Bà phải bỏ học khi tuổi còn nhỏ để lao động kiếm tiền. Hiện bà có cơ hội tiếp tục việc học vào những dịp cuối tuần. Với chứng chỉ đã hoàn tất trình độ sơ cấp trong tay (lớp 6), bà nhanh chóng nộp đơn học tiếp ở trình độ thấp hơn cấp 2 (lớp 9) tại một trung tâm giáo dục phi chính qui gần nơi bà làm việc. Mọi khóa học đều miễn phí.
Lấp lỗ hổng
Khảo sát mới nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) cho biết có đến 3 triệu người Thái trưởng thành còn mù chữ.
Năm 2008, đạo luật mới về quảng bá giáo dục phi chính qui (non-formal) và không chính qui (informal) đã giúp hình thành Văn phòng Giáo dục Phi chính qui và Không chính qui (Office of Non-Formal and Informal Educational – Onie). Nhiệm vụ chính của Onie là đề ra và điều hành những chính sách, chiến lược và chiến dịch giáo dục phi chính qui và không chính qui.
TS. Chaiyosh Imsuwan, một chuyên gia triển khai những khóa học phi chính qui và không chính qui cho Onie, giải thích luật mới “bảo đảm bất cứ ai sống tại Thái Lan đều có quyền được giáo dục thông qua các dịch vụ của Onie”.
Ông cho biết, mặc dù chính thức luật chỉ ban tặng quyền lợi này cho người Thái, thực tế các dịch vụ còn mở rộng đến các di dân và công nhân nước ngoài.
Cạnh việc giúp cung cấp cơ hội được học hành cho tất cả công dân Thái trên cả nước, những di dân và công nhân nước ngoài cũng cần được giáo dục, và được dạy tiếng Thái để giúp họ tránh những hậu quả không hay từ hiểu nhầm do giao tiếp.
Tuy nhiên, ai không phải người Thái sẽ không được nhận bằng, thay vào đó được cấp giấy chứng nhận trình độ giáo dục mà họ đã hoàn tất.
Giáo dục phi chính qui và không chính qui
Mặc dù nhắm vào những mục tiêu khác nhau, cả hai đều mang lại nhiều cơ hội cho người học đã từ lâu không được theo đuổi hệ thống giáo dục chính thống, như những người trưởng thành đang làm việc, và những cư dân muốn tiếp tục cải thiện kỹ năng giáo dục của mình.
Giáo dục phi chính qui cung cấp giáo dục cơ bản từ trình độ sơ cấp đến cấp 2 và những khóa học nghề ngắn ngày cho những ai đã bỏ lỡ hoặc không hoàn tất việc học chính qui.
Phần lớn theo đuổi giáo dục phi chính qui gồm những trẻ em bỏ học chính qui, công nhân trong xưởng máy, người lao động, người khuyết tật, nông dân, người ở tù, thành viên các bộ tộc miền sơn cước, và những người đang hành nghề tôn giáo.
Có 3 trình độ chính để nhận người vào khung giáo dục phi chính qui: sơ cấp (lớp 6), cấp hai thấp (lớp 9) và cấp hai cao (lớp 12).
Mỗi trình độ của giáo dục phi chính qui kéo dài 2 năm học, và gồm 8 môn học: tiếng Thái, toán, khoa học, một ngoại ngữ, phát triển hướng nghiệp, các kỹ năng sống 1, các kỹ năng sống 2, và phát triển cộng đồng và xã hội. 
Kinh nghiệm sống cá nhân thu thập được trong cuộc sống hay trong làm việc cũng có thể giúp học viên nhận tín chỉ và coi như thay thế cho một số môn học. Giáo dục phi chính qui cũng tổ chức những buổi hội thảo chuyên đề ngoài trời, những bài học vi tính và khóa học nghề ngắn ngày cho những ai cần làm việc để kiếm tiền và các kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp.
Ba con đường
Có 3 cách học đối với những ai theo đuổi giáo dục phi chính qui: Những khóa học đến lớp, học từ xa và tự học.
Với khóa học đến lớp, học viên cần gặp cả nhóm khoảng 3 ngày mỗi tuần, thời gian tùy theo nhóm thỏa thuận. Người học từ xa tự nghiên cứu và gặp nhóm một lần mỗi tuần, thường vào chủ nhật. Những ai tự học tới ghi tên ở các trung tâm để nhận sách giáo khoa và thông tin, rồi chỉ quay lại trung tâm để làm bài trắc nghiệm hoặc bài thi. Điểm để học cho nhóm có thể là các trung tâm chính qui của Onie, vốn được đặt trên cả nước.
Cũng có chọn lựa khác: Các doanh nghiệp hay xưởng máy có thể hợp tác với Onie để sắp xếp những lớp học tại cơ sở của công ty. Công ty cũng có thể chỉ định nhân viên có trình độ làm “người tạo điều kiện thuận lợi” để tư vấn hoặc dạy học cho nhóm.
Giáo dục không chính qui, lại khác: Nó cung cấp giáo dục suốt đời cho những ai thích học nhiều hơn về một loạt những bộ môn, không nhằm mục đích lấy bằng cấp, tùy theo sở thích.
Quang Hùng (theo Learning Post)
 (Còn tiếp)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)