Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thái Lan xả gạo, thị trường của Việt Nam có thể bị xáo trộn

Tạp Chí Giáo Dục

Thái Lan lên kế hoạch xả ồ ạt 11,4 triệu tấn gạo tồn kho trong tháng 5-6 năm nay. Nhiều lo ngại việc này sẽ nhấn giá thị trường xuống sâu. Thậm chí Việt Nam có thể mất một số thị trường tiêu thụ gạo thấp cấp trong đợt xả này. Nhất là trong bối cảnh hệ thống bán lẻ Việt vừa bị các doanh nghiệp Thái Lan thâu tóm.

DN kinh doanh gạo lo lắng khi Thái Lan bán gạo số lượng lớn. Ảnh: Nam Phương
DN kinh doanh gạo lo lắng khi Thái Lan bán gạo số lượng lớn. Ảnh: Nam Phương

Sức ép giảm giá

Thông tin Thái Lan xả ồ ạt 11,4 triệu tấn gạo tồn kho trong tháng 5-6 này khiến nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh gạo Việt Nam lo lắng. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Cty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, đợt xả gạo cũ của Thái Lan chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá lúa gạo của Việt Nam, đặc biệt là gạo trắng thấp cấp.

Tuy nhiên, theo ông Đôn, phần lớn gạo tồn kho của Thái đã xuống cấp, hư hỏng nhiều, chỉ làm thức ăn chăn nuôi, nấu cồn. “Tác động lớn nhất là thị trường gạo thấp cấp. Hiện nông dân ta vẫn sử dụng giống lúa thấp cấp phổ biến, nên việc tiêu thụ tới đây sẽ gặp khó, nhất là khu vực Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang…, vì thu hoạch “đụng” vào thời điểm Thái Lan xả hàng”- ông Đôn nói.

Theo ông Đôn, hiện giá gạo 5% tấm của Việt Nam bán 375-380 USD/tấn, cao hơn gạo Thái khoảng 10 USD/tấn. Tuy nhiên, giá đó rất ít người hỏi mua. Ngay cả trong tháng 5 này, các DN chỉ xuất “lai rai” theo hợp đồng cũ. “Khách hàng gạo cấp cao thì lừ lừ chưa mua vì họ mua nhiều đợt đầu năm, chưa bán hết. Còn mấy ông mua gạo thấp cấp, cũng ngần ngừ chờ Thái xả hàng”- ông Đôn cho biết.

Ông Phan Công Bình, Giám đốc DN tư nhân Công Bình (Long An) cho biết, tuy là hàng cũ, giảm chất lượng, nhưng với việc bung khối lượng lớn, giá rẻ, Thái Lan có thể đẩy mặt bằng giá gạo xuống vài chục USD/tấn. Theo ông Bình, giá gạo Việt Nam đang cao so với các nước, kể cả Thái, Pakistan, Ấn Độ… nên đầu ra đang bị hạn chế. Hơn một tháng trước đây, gạo Việt gây sốt, giá cao, gần đây giá rớt dần, nhưng vẫn cao hơn giá chung của thế giới.

Theo kinh nghiệm của ông Bình, nhiều thị trường thích ăn gạo tươi (lúa gạo mới thu hoạch xong). Còn hàng cũ, thậm chí tới 2-3 năm như của Thái Lan thì tuỳ vào nhu cầu, thị hiếu. “Do vậy, gạo cũ của Thái bán 350 USD/tấn, nhưng họ vẫn có thể mua gạo Việt Nam tới 370 USD/tấn là bình thường” – ông Bình nói.

Còn theo GS Võ Tòng Xuân, lượng gạo cũ Thái Lan xả có chất lượng rất tồi, nên chỉ bán giá rẻ cho khu vực châu Phi, Trung Đông, một số nước ở Đông Nam Á… Đương nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo GS Xuân, lợi thế của Việt Nam là gạo mới. Do vậy, với thị trường lớn của Việt Nam như Philippines, Indonesia (vẫn mua qua đấu thầu) họ đưa ra tiêu chuẩn gạo. Nếu chất lượng gạo ta hơn gạo Thái, ta sẽ thắng và giữ được thị trường.

“Đương nhiên, có thể khi Thái Lan bán gạo giá rẻ hơn mức mà Philippines đưa ra, không cần phải đấu thầu. Nếu họ chơi kiểu đó có thể Philippines sẽ mua theo mớ khi đạt được thỏa thuận. Việt Nam có thể mất thị trường chỗ đó” – GS Xuân cảnh báo.

Một chuyên gia kinh tế lo ngại sau sự thâu tóm chuỗi bán lẻ lớn ở Việt Nam, người Thái sẽ tha hồ chuyển gạo về, đặt tại những vị trí bắt mắt. Lúc đó, gạo Việt sẽ thất thế.

Theo dõi sát việc xả hàng

Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, thông tin xả 11,4 triệu tấn gạo cũ của Thái Lan có thể gây xáo trộn một chút về thị trường, giá cả lúa gạo của Việt Nam và thế giới. Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) theo dõi sát sao việc xả hàng của Thái, báo cáo hàng tuần để Bộ phối hợp, chỉ đạo linh hoạt theo diễn biến thị trường.

Ông Bảnh cho rằng, việc xả 11,4 triệu tấn gạo trong vòng 2 tháng khó khả thi. “Hằng năm, Thái Lan chỉ xuất khẩu bình quân mỗi tháng tối đa chỉ 400-500 nghìn tấn, trong khi họ bảo xuất trong vòng 2 tháng thì không biết sẽ thế nào”- ông Bảnh nói.

Trong khi đó, theo VFA, Việt Nam bị tác động không đáng kể, ít nhất trong quý II, III tới, do đã ký các hợp đồng tập trung hồi IV/2015, hiện còn khoảng 1,4 triệu tấn chưa giao hết. Mặt khác, lượng gạo xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm nay tăng tới 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo nội địa đang cao, nên việc xả của Thái Lan khả năng sẽ không ảnh hưởng nhiều.

Ông Bảnh cũng cho biết, gạo Việt Nam chủ yếu bán qua Trung Quốc  với khoảng trên 45-50%. Trong khi đó, các thị trường truyền thống  như Philippines, Indonessia…lại thích gạo tươi. Mặt khác, Philippines đang mùa bầu cử, cũng chưa ổn định để mua vào. Do vậy, có thể Thái Lan sẽ bán cho các thị trường khác.

GS Xuân cho hay, gạo Thái đã len lỏi vào các thị trường của Việt Nam lâu nay. Cùng với việc ông chủ Thái Lan thâu tóm các siêu thị lớn ở nước ta, gạo Việt sẽ bị chèn ngay trong siêu thị ở Việt Nam.T

Theo TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)