Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thái Nguyên: Chè tết tăng giá kỷ lục

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng khiến năng suất chè vụ đông ở Thái Nguyên giảm so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu chè tết tăng đã khiến giá chè búp khô tăng theo từng ngày. Thậm chí, vùng sản xuất chè đặc sản như ở xã Tân Cương (TP.Thái Nguyên) người mua phải “giành giật” quyền mua từng kilôgram chè ngon.

Nhiệt độ xuống thấp, giá chè tăng cao
Rét đậm, rét hại kéo dài, chè ra búp chậm nên năng suất chè tại Thái Nguyên thấp so với vụ đông năm trước. Lượng chè cung ứng cho dịp tết chủ yếu đã được sản xuất cách đây hơn 2 tháng, trong khi sức tiêu thụ tăng cao khiến giá chè búp khô tăng nhanh. Giá chè loại bình thường tại các chợ đầu mối hiện dao động ở mức 150 – 200 nghìn đồng/kg, cao hơn chè chính vụ 40 – 60 nghìn đồng/kg và cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 40 – 100 nghìn đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Tỵ – hộ xã Bình Thuận (huyện Đại Từ) – cho biết: “Giá bán buôn chè búp khô năm ngoái tại Đại Từ chỉ khoảng 100 nghìn đồng/kg, nhưng năm nay, tôi bán được với giá 180 nghìn đồng/kg. Tôi thấy chưa năm nào chè tăng giá mạnh như năm nay”. Còn ông Phùng Học Đạt – xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập (huyện Đồng Hỷ), trung tâm vùng chè Trại Cài – phấn khởi kể: “Hiện chúng tôi đang bán với mức giá tăng gấp đôi, gấp ba so với chè chính vụ, tùy theo từng loại chè”.

Chè tết tăng giá, đem lại niềm vui cho người làm chè Thái Nguyên.
Giá bán lẻ chè búp khô tại những vùng chè đặc sản như Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân; Trại Cài (huyện Đồng Hỷ); Khe Cốc (huyện Phú Lương), La Bằng (huyện Đại Từ, Thái Nguyên)… hiện đã tăng lên 200 – 300 nghìn đồng/kg, trong khi cách đây một tuần giá khoảng 180 – 250 nghìn đồng/kg. Còn sản phẩm chè búp nõn đặc sản chính vụ giá 400 nghìn đồng/kg đang được rao giá 600 – 650 nghìn đồng/kg và khách hàng phải đặt trước hàng tuần mới được, đồng thời phải tuân thủ “điều kiện”: Mua với khối lượng hạn chế.
Tết ấm cho nông dân làm chè
Năm nay, nhiều hộ làm chè sớm nắm bắt xu hướng giá chè tăng dịp tết để tích trữ búp chè khô, nhất là loại chè nõn. Ông Nguyễn Văn Minh – ở xóm Phố Hích, xã Hòa Bình (huyện Đồng Hỷ) – cho biết: “Từ chính vụ, giá chè đã tăng hơn cùng kỳ năm trước từ 25 – 30% nên chúng tôi có cơ sở để tích trữ chè phục vụ thị trường tết”. Thực tế đã chứng minh nhận định của những hộ làm chè như hộ ông Minh là đúng và đem lại thu nhập cao cho người nông dân làm chè ở Thái Nguyên.
Ông Hoàng Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT – cho rằng: “Việc chuyển đổi cơ cấu giống chè đã đem lại hiệu quả cao trong sản xuất. Cụ thể năng suất năm 2005 là 66,3 tạ/ha đã tăng lên gần 100 tạ/ha năm 2010. Các loại giống mới được đưa vào trồng thay thế diện tích chè đã thoái hóa, xuống cấp giúp tăng giá trị thu nhập bình quân của người làm chè từ 36,5 triệu đồng/ha lên khoảng 55 triệu đồng/ha sau 5 năm”.
Một điều đáng mừng nữa là nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chè sạch, an toàn được người tiêu dùng (NTD) đặt lên hàng đầu. Đồng thời, NTD ngày càng nhận biết tinh tường sản phẩm chè có chất lượng tốt nên đã thúc đẩy người làm chè nâng cao trình độ, chất lượng sản phẩm chè Thái Nguyên.
Vinh Hải – Huệ Dinh / Gia Đình

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)