Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thai phụ cảnh giác với cúm A/H1N1

Tạp Chí Giáo Dục

Thai phụ cần cảnh giác với cúm A/H1N1 Ảnh: I.T

Hiện nay, tại các bệnh viện phụ sản TP.HCM tỉ lệ thai phụ nhiễm cúm A/H1N1 nhập viện ngày càng tăng, cao gấp 4-5 lần so với những bệnh khác và việc xảy ra các ca tử vong dồn dập đã khiến cho nhiều người tỏ ra bất an trước tình hình dịch bệnh.
Không thể không lo lắng
Thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong 3 ngày 22 đến 24-10 có đến 7 trường hợp bị tử vong do cúm A/H1N1 thì sản phụ đã chiếm hết 3 người. Một người ở Hà Nội mang thai tháng thứ 6 nhiễm cúm và bị biến chứng viêm phổi nặng; một người tại Phú Yên mang thai tháng thứ 4 và một thai phụ khác ở Gia Lai mang thai tháng thứ 7. Đến ngày 27-10 có thêm một bệnh nhân nữa tại ĐăkLăk qua đời ở tuần thai thứ 37 sau khi chuyển về Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, nâng số thai phụ tử vong do cúm A/H1N1 lên đến 9 người mặc dù tất cả các trường hợp trên đều được hỗ trợ hô hấp, sử dụng kháng sinh và thuốc Tamiflu trong điều trị.
Trước đó, theo khuyến cáo thì đến khoảng tháng 11-12 tới (tức mùa đông) Việt Nam mới chính thức ở giai đoạn đỉnh dịch của cúm A/H1N1 nhưng con số nhiễm bệnh và tử vong tăng cao, nhất là phụ nữ và trẻ em đã khiến cho nhiều người lo ngại. Chị Trần Phương Anh, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú cho biết: “Gia đình tôi rất lo lắng trước tình hình cúm A đang bùng phát mạnh, nhất là không phải ai trong chúng ta cũng nhận thức được tính nguy hiểm của dịch bệnh, hiện có rất nhiều người không đeo khẩu trang ở chỗ đông người nên khả năng bệnh lây lan là khó tránh khỏi”. Còn tại Bệnh viện Nhiệt đới, chị Mai L., nhân viên giao dịch Ngân hàng Sacombank thổ lộ: “Mình mang thai ở tháng thứ 4 rồi, công việc buộc mình phải giao tiếp với rất nhiều người nên việc hạn chế tiếp xúc là rất khó. Vì vậy, mình quyết định mỗi tháng đều phải đi xét nghiệm cúm A/H1N1 cũng như để nhận được lời khuyên từ bác sĩ trong việc phòng tránh cúm, đảm bảo an toàn cho sức khỏe”. Chị L. cho biết thêm lần đến bệnh viện này là vì chị cảm thấy trong người mệt mỏi, có cảm giác ớn lạnh và hiện chị đang đợi kết quả xét nghiệm của bệnh viện.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Bộ Y tế thông báo, số bệnh nhân được xác nhận nhiễm cúm A/H1N1 tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại là hơn 10.400 người, tuy nhiên ước tính số người mang virus cúm A/H1N1 nhưng không có biểu hiện bệnh có thể cao gấp 10 lần con số này.
Các bác sĩ cảnh báo, trong thời gian mang thai khả năng miễn dịch của phụ nữ rất kém và họ thuộc nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Do vậy các thai phụ không nên chủ quan với các biểu hiện viêm họng, ớn lạnh, tiêu chảy hay tức ngực. Việc mắc phải cúm A/H1N1 không những ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ mà còn dẫn đến kết quả xấu cho thai nhi như sẩy thai, đẻ non hoặc gây dị tật cho trẻ. Thậm chí thai nhi có thể bị suy hoặc chết lưu nếu sản phụ khó thở do biến chứng viêm phổi.
Chính vì thế, kế sách phòng bệnh luôn là phương án tốt nhất đối với mọi người, nhất là phụ nữ mang thai cần cảnh giác cao hơn trước đại dịch cúm A/H1N1.
Để phòng tránh bệnh, thai phụ nên hạn chế đến chỗ đông người, đeo khẩu trang y tế và ăn uống đầy đủ dưỡng chất, nhất là các nhóm thực phẩm giàu vitamin A, C và giàu chất kẽm có trong rau cải, cà rốt, khoai tây, cam, chanh, bưởi, trứng, hải sản… nhằm tăng cường khả năng đề kháng cho bản thân và cho gia đình, đồng thời kết hợp việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đúng cách. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nếu có các triệu chứng như sốt, hắt hơi, mệt mỏi, đau đầu hay ớn lạnh… cần phải nhanh chóng đến các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị sớm, tránh tình huống xấu nhất có thể xảy ra gây biến chứng cho cả mẹ lẫn thai nhi.
Theo Bộ Y tế, đến năm 2010 WHO sẽ hỗ trợ Việt Nam khoảng 1 triệu liều vắc-xin cúm A/H1N1, đáp ứng cho khoảng 2% dân số. Đồng thời, tháng 6-2010 Việt Nam sẽ hoàn thành việc sản xuất 3 lô vắc-xin (tương đương 10.000 liều) sau đó trình Bộ Y tế để tiến hành thử nghiệm lâm sàng trước khi đưa vào sử dụng.
 
Ngân Du

Bình luận (0)