Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tham gia cuộc thi “Giải quyết tình huống giáo dục lần X”: Bài học của cuộc đời

Tạp Chí Giáo Dục

Tham dự cuộc thi giải quyết tình huống giáo dục lần X tôi xin mạn phép không nêu ra đề thi của nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký mà xin chọn ngay đáp án C: Bình tĩnh. Chọn thời gian thích hợp, cho đọc thư đó công khai trước hội đồng sư phạm, coi đây là bài học quý để Ban giám hiệu và giáo viên rút kinh nghiệm trong việc nêu gương sáng trước các em ở mọi hoàn cảnh, việc làm. Tôi xin lý giải cho việc lựa chọn của mình:
Thứ nhất: Rõ ràng cái sai đầu tiên là trong giờ chào cờ tôi không hát quốc ca, bởi vì trước đây, giờ chào cờ hay bất kỳ đại hội tôi thường sử dụng quốc ca thu sẵn băng cassette, sau này cho học sinh hát đồng thanh còn các kỳ đại hội thì tập thể sư phạm cùng hát. Vì có thói quen như vậy nên giờ chào cờ tôi chỉ nghiêm trang ngước nhìn quốc kỳ, nghe quốc ca. Trong khi đó, tôi lại phê bình học sinh không hát quốc ca và không ngờ trong đó có em mới vừa cắt a-mi-dan. Và từ hộp thư: “Những điều em muốn nói” tôi mới biết rõ sự việc, tôi nhận thấy việc phê bình của mình chưa thật sự đúng, chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân và khắc phục bằng cách giờ chào cờ đầu tuần cho tất cả cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh cùng hát quốc ca.
Thứ hai: Việc tôi được chồng chở trên xe hon da vượt đèn đỏ bị chụp hình tôi hoàn toàn sai vì chính tôi thường giáo dục học sinh phải biết tôn trọng luật đi đường, an toàn khi tham gia giao thông trên đường phố, tôi công khai thư này trên hội đồng sư phạm và trước học sinh trong giờ sinh hoạt dưới cờ và thành thật xin lỗi rút kinh nghiệm.
Trong giai đoạn ngành GD-ĐT phát động xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực thì nhà trường phải có kế hoạch thật cụ thể mà trọng tâm cốt lõi là nhà trường phải làm tròn trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giao đó là: nhiệm vụ “trồng người”. Thầy cô giáo phải ra sức làm tròn trách nhiệm của mình, thường xuyên trau dồi đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, thương yêu gần gũi học sinh, tạo điều kiện thật tốt cho học sinh phát triển toàn diện về tài và đức, học sinh được đối xử bình đẳng với nhau.
Thực tế năm học 2008-2009, ngành GD-ĐT huyện Củ Chi có hai vụ việc mà Báo Giáo Dục TP.HCM đưa tin: Tại Trường THCS Phước Hiệp, học sinh vì mâu thuẫn nên xảy ra thanh toán lẫn nhau dẫn đến cái chết thương tâm của một học sinh và Trường THCS Tân Trung mới đây có thầy giáo phạt học sinh thụt dầu đến nỗi em này phải điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Củ Chi. Từ hai thông tin này cho thấy mặc dù ngành GD-ĐT đã có nhiều cuộc vận động bước đầu thành công như: Hai không với bốn nhiệm vụ, Sống có trách nhiệm… và lãnh đạo ngành cũng có công văn chỉ đạo không được vi phạm với học sinh bất kỳ hình thức nào vậy mà có giáo viên vẫn không chịu trau dồi đạo đức, ban giám hiệu nhất là hiệu trưởng còn chủ quan để xảy ra tình trạng đáng tiếc đó.
Nhờ thông tin từ hộp thư mà tôi nhận ra mình còn thiếu sót những điều tưởng là nhỏ nhặt đó, cũng từ đó tôi xem bức thư của người gửi cho tôi là bài học của cuộc đời, hành trang trong đời dạy học của tôi luôn mang theo để nhớ, để tu dưỡng lại chính mình.
Nguyễn Tấn Trung
(Trường TH Trung Lập Hạ-Củ Chi-TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)