Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tham gia cuộc thi “Giải quyết tình huống giáo dục lần X”: Nhà trường là nơi đáng tin cậy nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Cần tuyên dương học sinh trong những buổi sinh hoạt toàn trường như thế này. Ảnh: T.Tr

Cuộc vận động phong trào Xây dựng nhà trường thân thiện, học sinh tích cực là cuộc vận động gồm nhiều yếu tố, như: Xây dựng trường lớp xanh sạch đẹp; Dạy và học hiệu quả; Rèn luyện kỹ năng sống; Học sinh tham gia chăm sóc các di tích lịch sử văn hóa. Song, theo tôi nghĩ, thì yếu tố đóng vai trò then chốt và quan trọng nhất đó phải là yếu tố con người. Sự thân thiện phải có đầu tiên và cũng bền vững nhất là sự thân thiện được toát ra từ quan hệ giữa những con người với nhau. Muốn được như vậy, thì thầy cô giáo phải đạt tiêu chuẩn cao về đạo đức và tri thức. Không phải đạo đức, tri thức chung chung theo lý thuyết mà phải là đạo đức được biểu hiện cụ thể thông qua cách ứng xử, nói năng, xử lý tình huống… và tri thức chính là sự am hiểu sâu rộng, sự thông thạo trong truyền đạt chuyên môn. 
Điều đó, nếu áp dụng vào tình huống “cam go” của cô Bích Ngọc, vì mình là người lãnh đạo cao nhất, nhưng lại mắc sai lầm trong cuộc sống, nếu bảo thủ, bao che cho hành động của bản thân sẽ là điều không nên và như thế, không chỉ bứt rứt lương tâm trong những tháng ngày còn lại, mà còn thấy có lỗi với em học sinh kia. Nếu tôi là cô Bích Ngọc thứ hai tuần sau trong giờ Chào cờ đầu tuần, trước tiên tôi sẽ nhắc nhở các giáo viên hát Quốc ca, khi nhận xét tình hình chung, tôi sẽ dành thời gian đọc công khai lá thư ấy trước toàn thể hội đồng sư phạm nhà trường và học sinh. Tôi sẽ tự nhận khuyết điểm và hi vọng, mong muốn rằng các thầy cô đồng nghiệp khác sẽ không mắc phải lỗi ấy.
Đồng thời, tôi sẽ đề nghị tuyên dương trước toàn trường em học sinh đã dũng cảm viết thư cho mình, đấy là một điều đáng khen thưởng, bởi vì dù tôi là người phát động phong trào, nhưng chính em mới là người đầu tiên ý thức cũng như hành động vì “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”. Hi vọng toàn thể học sinh nhà trường sẽ coi đó là tấm gương sáng và noi theo, để nhà trường mình đang lãnh đạo thật sự là nhà trường thân thiện, và các em học sinh đều là học sinh tích cực. Và như thế, cuộc vận động đã là thành công mỹ mãn.
Nhân đây, cũng xin được nói thêm rằng, để làm nên sự thành công cho phong trào, thì cần có các điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian. Nhưng điều kiện tiên quyết vẫn là con người, mà trước hết là một người quản lý, người hiệu trưởng.
Thầy cô giáo càng giỏi, càng đạo đức thì trường học càng thân thiện, dân chủ. Điều này sẽ giúp các thầy cô càng tự tin, chủ động giải quyết các tình huống xảy ra trong đời sống thường nhật.
Chúng ta cũng biết rằng, nếu học sinh được học trong một môi trường lành mạnh, an toàn về thể chất, vững chắc về tinh thần và được phát triển lành mạnh về tâm lý thì những tố chất của các em sẽ được phát huy toàn diện. Mà những điều ấy chỉ có thể có trong một ngôi trường thân thiện nên xây dựng mô hình trường học thân thiện là cần thiết. Nhà trường chính là nơi đáng tin cậy nhất trong xã hội, trong cuộc sống, là nơi học sinh được bảo vệ và giáo dục, nơi ghi lại những mối quan hệ tốt đẹp nhất của cuộc đời, mối quan hệ thầy-trò, bạn bè… Vì thế, nhà trường phải là nơi để yêu thương và giáo dục, chứ đừng nên để bất cứ một yếu tố khác xen vào.
Phạm Thị Ánh My  
(ĐH Bách khoa TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)