Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tham gia đào tạo nghề: Doanh nghiệp được lợi gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Doanh nghiệp (DN) đã chủ động hơn trong việc tham gia đào tạo nghề, chất lượng đào tạo được nâng lên, người học tham gia chương trình đào tạo tại DN đều được tuyển dụng…

Học sinh một trường nghề đang thực hành trên máy

Đây là đánh giá của đại diện nhiều trường nghề cũng như các DN tại Hội nghị Tổng kết gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp và DN năm 2018, đề xuất nhiệm vụ giải pháp năm 2019 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức cuối tuần qua ở TP.HCM.

Nâng cao kỹ năng nghề cho người học

Ông Thái Văn Thành (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Cơ khí Đại Thành) khẳng định: Khi DN hợp tác với trường nghề, bên nào cũng được lợi. Trước hết DN chủ động được nguồn nhân lực, đào tạo cái mà chính mình cần. Đây cũng là cơ hội để DN tuyển chọn người có năng lực thật sự, gắn bó lâu dài mà không phải tốn thời gian cũng như chi phí đào tạo lại. Ngược lại, cái lợi cho người học là được thực hành trong môi trường chuyên nghiệp, nâng cao kỹ năng nghề, tăng cơ hội tuyển dụng. Về phía nhà trường thì có được chương trình đào tạo phù hợp, sát với thực tế hơn, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định uy tín đơn vị. Bà Huỳnh Thị Thu Trang (Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật Q.12) cũng cho rằng việc hợp tác với DN trong đào tạo nghề là nhằm hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của chính DN và xã hội.

Việc hợp tác giữa trường nghề và DN là một trong những giải pháp để thu hút tuyển sinh, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển trên toàn cầu. Những năm gần đây, nhiều trường đã tận dụng các mối quan hệ, từ việc tìm chỗ thực tập cho sinh viên đến mời DN tham gia xây dựng chương trình và trực tiếp đào tạo.

Mới đây, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đã ký kết hợp tác với 30 DN thuộc các lĩnh vực ô tô, cơ khí, điện – điện tử, tự động hóa, du lịch, xuất khẩu lao động… Nội dung hợp tác cụ thể là: xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo; tổ chức hội thảo khoa học có DN tham gia; tiếp nhận giảng viên và sinh viên tham quan, thực tập, tài trợ học bổng, trang thiết bị đào tạo, tư vấn hướng nghiệp… Bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cho biết đến nay trường mở rộng quan hệ với 1.000 DN, trong đó đã ký kết hợp tác với khoảng 100 DN thuộc nhiều lĩnh vực. “Sự hợp tác này không chỉ có lợi cho người học, DN mà giảng viên còn có thể đến DN tham quan, học tập để đào tạo kiến thức sát với thực tế. Qua hợp tác, trường sẽ ghi nhận phản hồi từ DN về chương trình đào tạo để có thể điều chỉnh phù hợp hơn”, bà Lý nói.

Trong khi đó, đại diện Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn cho rằng trường có đầu tư trang thiết bị hiện đại đến đâu cũng không theo kịp sự phát triển của DN, vì thế môi trường thực hành tại DN là điều kiện tốt nhất để đào tạo nhân lực có trình độ tay nghề cao. TS. Nguyễn Phan Hòa (Hiệu trưởng Trường TC Nghề Nhân Đạo) chia sẻ: “Tỷ lệ người học có việc làm sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo tại DN là rất cao. Điều này minh chứng cho hiệu quả của chương trình đào tạo tại DN, người học không bỡ ngỡ khi tiếp xúc với máy móc, trang thiết bị hiện đại và đặc biệt là có được kỹ năng mà DN cần”.

Cần lựa chọn DN uy tín

Đề cập đến thời lượng DN đào tạo, ông Nguyễn Khánh Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2) cho biết tùy vào ngành nghề mà DN có thể tham gia đào tạo từ 30-70% chương trình. Các trường chỉ đào tạo lý thuyết những môn cơ bản, sinh viên được thực tập, thực hành tại DN và bắt buộc phải có chương trình văn hóa DN. Được biết, hiện nay Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2 đang triển khai học kỳ DN cho 7 nghề đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế của Đức và Pháp. Theo đó, trường phối hợp với Bosch Việt Nam đào tạo các nghề chế tạo thiết bị cơ khí và cơ điện tử với khoảng 1.000 giờ tại DN (tương đương 75% chương trình đào tạo).

Ông Lê Duy Hiệp (Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam – VLA) đánh giá cao các chương trình hợp tác giữa nhà trường và DN, trong đó có các trường đào tạo ngành logistics. “Cũng như các nhóm ngành nghề khác, nhân lực chất lượng cao ngành logistics của Việt Nam hiện đang thiếu trầm trọng, DN phải tuyển dụng nhân lực các ngành khác để đào tạo lại. Chúng tôi cũng đã cùng Bộ LĐ-TB&XH, Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển thí điểm xây dựng cơ chế đào tạo giữa nhà trường và DN trong lĩnh vực logistics”, ông Hiệp cho biết.

Doanh nghiệp chủ động tham gia đào tạo nghề

TS. Trương Anh Dũng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) khẳng định: Cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp đang bắt đầu hình thành và vận hành tốt trong thực tiễn thông qua chương trình phối hợp giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, với các hiệp hội, các tập đoàn, DN lớn trong và ngoài nước. Ngoài ra, các địa phương cũng đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tìm đến doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng tích cực hơn trong tiếp cận với nhà trường.

TS. Trương Anh Dũng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) yêu cầu các trường TC-CĐ thực hiện giải pháp tăng cường gắn kết nhà trường và DN trong đào tạo và sử dụng lao động. Theo đó, phải cân nhắc lựa chọn các DN có thế mạnh về công nghệ, sử dụng nhiều lao động và có đội ngũ quản lý, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn cao, tận tâm. Ông Dũng nhấn mạnh: 2018 là năm đánh dấu sự chuyển biến và cam kết mạnh mẽ trong việc gắn kết với DN trong giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, hoạt động này có sự tham gia của các cơ quan đào tạo, việc làm, sử dụng lao động cùng hoàn thiện thể chế như đề xuất xây dựng các thông tư và ban hành kế hoạch gắn kết với DN. Cụ thể là có sự tham gia của các DN, Hiệp hội Nghề nghiệp, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)… cùng xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, sử dụng lao động; xuất khẩu lao động. Trong đó, VCCI đã tập huấn nâng cao năng lực cho người đào tạo tại DN. Các tổ chức quốc tế cũng tham gia triển khai các mô hình đào tạo gắn với DN, đặc biệt đề xuất mô hình thành lập Hội đồng kỹ năng ngành của Úc, ILO, GIZ.

T.Anh

Bình luận (0)