Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tham gia học kỳ quân đội: Học sinh có được rèn kỹ năng đúng nghĩa?

Tạp Chí Giáo Dục

HS tham gia chương trình Học kỳ quân đội thắp hương tại một khu di tích lịch sử. Ảnh: V.Y

Cứ đến những ngày cuối cùng của năm học là các trung tâm đào tạo, rèn kỹ năng cho học sinh (HS) mang tên “Học kỳ quân đội” lại nở rộ. Thế nhưng, việc học tập trung để gọi là “rèn kỹ năng như kiểu quân đội” có mang lại hiệu quả cho HS hay không? Đó là vấn đề mà tôi muốn nêu lên để phụ huynh (PH) HS cần nắm và cân nhắc lại.
Rèn kỹ năng theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”
Tôi đã theo chân HS tham gia nhiều khóa huấn luyện với những cái tên rất “kêu”, chẳng hạn như: Em làm chiến sĩ đặc công, Trui rèn và trưởng thành… Mỗi đợt đi như vậy tùy theo mức độ PH yêu cầu mà khóa học kéo dài từ 3 đến 6 ngày tại những địa điểm khác nhau. Chương trình hoàn toàn do các trung tâm tự thiết kế cho các em HS. Thế nhưng, đã có cơ quan, ban ngành nào kiểm định về chất lượng thật sự của những khóa huấn luyện này chưa? Hay chỉ cấp phép cho việc hoạt động, còn hoạt động như thế nào thì không cần quan tâm? Đã có nhiều câu chuyện sau khóa học mà PH cảm thấy “khiếp” khi đã “lỡ” đăng ký cho con mình tham gia với mong ước con sẽ trưởng thành hơn, sẽ khá hơn, ngoan hơn; nhưng thực tế thì ngược lại, cá biệt có trường hợp các em đi về còn cảm thấy ghét bố mẹ vì đã gửi mình vào chỗ quá tệ hại, được những người chỉ huy hướng dẫn những bài học… quá khắc khổ đối với lứa tuổi các em.
Theo tôi, việc tham gia các khóa tập huấn này cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” vì không thể khẳng định được rằng “sau khóa học các em sẽ tốt và thay đổi nhiều!”. Việc rèn kỹ năng sống không chỉ một vài ngày tham gia tìm hiểu, học hỏi tại những nơi xa thành phố là các em trui rèn và trưởng thành ngay. Bởi dạy người, giáo dục nhân cách không phải chỉ vài ngày là có kết quả, mà phải trải qua một quá trình rèn luyện, cọ xát lâu dài thì nhân cách HS mới được hình thành, mới có điều kiện để phát triển. Tôi không tán đồng việc các trung tâm ra rả nêu lên kết quả là các em “đã thay đổi” chỉ sau 3-6 ngày tham gia khóa tập huấn. Nếu quả thực như vậy thì HS chẳng cần đến trường với thời lượng học tập như hiện nay để thầy cô phải rèn cho các em từng ngày từng giờ về nhân cách sống!
Học kỳ quân đội – trào lưu của xã hội
Tôi hỏi một vài PH ở gần nhà tôi rằng, tại sao anh chị lại đăng ký cho cháu đi học khóa học này, và nhận được câu trả lời: “Cũng do mấy PH trong lớp rủ nhau, chúng tôi thấy vậy nên đăng ký cho con tham gia cùng bạn cho vui!”. Câu trả lời ấy càng khiến tôi liên tưởng đến một vấn đề khác của xã hội ngày nay, đó là vấn đề trào lưu, là “mốt”. PH không cần quan tâm hay tìm hiểu kĩ về việc này mà cứ theo cái “mốt” của người này, người nọ và bắt chước theo. Chính vì vậy, các trung tâm huấn luyện được nước ăn nên làm ra và nở rộ như mai vàng.
Học phí của những đợt tập huấn này cũng không hề rẻ chút nào với các chi phí được “kê toa” rất là chuyên nghiệp. Nào là tiền tàu xe, tiền huấn luyện, tiền tài liệu, tiền trang phục… và đủ mọi thứ khác dành cho một HS khi tham gia. Tôi được chào với rất nhiều giá từ vài triệu đến chục triệu đồng cho chuyến đi dài ngày ở những chỗ được gọi là “khỉ ho cò gáy”. Dường như trào lưu của xã hội cộng với tâm lí của PH muốn con mình bớt nghịch ngợm bằng cách gửi con vào học các khóa này nên trung bình mỗi ngày, các trung tâm tiếp nhận lượng PH đăng ký cũng khá đông.
Cần xem lại nội dung và thời gian thực hành
Với những ví dụ và sự phân tích ở trên, tôi cho rằng các ngành chức năng cần xem lại hai yếu tố nói trên để HS thật sự được rèn luyện, tiếp cận với những kỹ năng của đời sống xã hội. Với cách làm quá ôm đồm, đưa đồng loạt nhiều kĩ năng vào trong khóa học với lượng thời gian hạn chế vài ba ngày như vậy để yêu cầu HS thực hiện và rèn luyện thì tôi chắc chắn một điều, các em tiếp cận đó rồi quên ngay sau khóa học, chẳng đọng lại gì trong tâm trí về những kĩ năng mềm mà bản thân các em phải được cọ xát, trui rèn hằng ngày để hình thành. Có chăng, đọng lại trong các em là nỗi ám ảnh về nơi đến tập huấn, điều kiện và cả người hướng dẫn nữa… Hãy nghiệm lại mà xem, các anh bộ đội khi tham gia quân ngũ, đâu phải vài ba ngày là học tập và rèn luyện được nhân cách mà các anh phải học, rèn luyện hàng ngày trên thao trường, trong cuộc sống tập thể…
Tóm lại, việc rèn kĩ năng sống là một việc làm thiết thực và có ý nghĩa rất lớn trong việc góp sức cùng với ngành giáo dục, cùng gia đình để giúp các em hình thành và phát triển nhân cách sống tốt. Thế nhưng, chương trình và việc tập huấn như thế nào cho hiệu quả thì cần xem xét và điều chỉnh phù hợp với đối tượng và lứa tuổi HS. Có như thế, các em mới được tiếp cận và cọ xát các kĩ năng mềm một cách có hiệu quả.
Duy Minh (Q.Phú Nhuận)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)