Đến hẹn lại lên, vào hè là lúc các khóa học kỹ năng sống, điền dã trở nên sôi nổi. Thu hút nhất là chương trình Học kỳ quân đội (HKQĐ). Tuy nhiên, sau một vài khóa học, người trong cuộc bắt đầu đã có những e ngại về “công năng” của loại hình giáo dục này.
Các “chiến sĩ nhí” tham gia huấn luyện trong một HKQĐ |
HKQĐ – con nhà nghèo khó “chạm”
Trong vai một phụ huynh đến đăng ký cho con theo học chương trình HKQĐ trong 5 ngày, tôi được các nhân viên của Trung tâm Đào tạo KNS trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, TP.HCM hướng dẫn rất nhiệt tình. Nhìn cái bảng giá tôi không khỏi giật mình. Có chương trình thực hiện trong một ngày nhưng có giá 700.000 đồng. Còn thời gian huấn luyện trong 5 ngày ở Long Hải giá từ 5,6 đến 6 triệu đồng.
Một nhân viên ở đây cho biết, HKQĐ nâng cao ở Đà Nẵng từ ngày 20 đến 29-6 giá 13.500.000 đồng đi về bằng máy bay và danh sách đã có hơn 10 thành viên. Đây là giá cao nhất của một HKQĐ mà học sinh con nhà nghèo khó “chạm tay” tới.
Cũng chính vì lẽ đó mà năm 2015, vợ chồng anh Nguyên (ngụ Q.Thủ Đức) không thể cho con trai vào học khóa tăng thiết giáp tại Đồng Nai như đã đăng ký ban đầu vì phải bỏ ra 5,2 triệu đồng trong 5 ngày rèn luyện.
Ông Nguyễn Minh Khánh – Giám đốc SYC – cho biết: Trước đây các chương trình HKQĐ chủ yếu tập trung ở những TP lớn nhưng từ năm nay tại các địa phương đều có mở các khóa HKQĐ do tỉnh đoàn tổ chức. Đây là cơ hội để giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên nhưng cũng sẽ có những phiền toái nếu địa phương quản lý và thực hiện không tốt.
Coi chừng tác dụng ngược
Mặc dù phải bỏ ra số tiền không nhỏ để cho con tham gia các HKQĐ nhưng không ít phụ huynh cảm thấy thất vọng vì kết quả không được như ý muốn, thậm chí còn phản tác dụng.
Cũng do giá cả không bình dân nên đối tượng “chiến sĩ” vào học chủ yếu là các “cậu ấm, cô chiêu” với mục đích là quen dần “mùi gian khổ”. Tuy nhiên chị V. (ở Q.Bình Thạnh) cho hay, sau một tuần đi HKQĐ “ông trời con” của chị có thay đổi nhưng khi trở lại “nếp nhà xưa” vài tháng ý thức tự giác cũng mất dần, tính ỷ lại bắt đầu quay trở lại.
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, sau khi tham gia HKQĐ một vài thói xấu của con họ được triệt tiêu, đồng thời lại xuất hiện thêm một vài “kỹ năng” đối phó với người lớn do bạn bè khác truyền kinh nghiệm. Một vài nam sinh lại quen thêm bạn gái bắt đầu chớm nở tình yêu tuổi học trò trong môi trường “chúng tôi là chiến sĩ”, bớt lo được cái này thì cha mẹ lại gánh thêm nỗi lo khác.
Tệ hại hơn cách đây vài năm tại HKQĐ do một nhà văn hóa của TP.HCM tổ chức đã gây bức xúc cho nhiều phụ huynh. Hướng dẫn viên phát hiện bao thuốc lá trong ba lô của một chiến sĩ nhí và đã dùng hình phạt nhét các điếu thuốc lá vào miệng, tai, mũi để làm gương cho các bạn khác.
Có thể nói, nếu không được qua trường lớp sư phạm thì chắc chắn các “thầy sĩ quan” sẽ thiếu năng lực giáo dục các “chiến sĩ nhí”.
Theo ông Nguyễn Minh Khánh, một số trung tâm còn dùng “mốt” HKQĐ của nước ngoài như Nhật Bản, Singapore để quốc tế hóa các khóa rèn luyện. Tuy nhiên điều này không phù hợp với môi trường và đối tượng rèn luyện thanh thiếu niên trong nước.
“Một số trung tâm mang danh rèn trong môi trường quân đội nhưng lại không được phép của Tổng cục Chính trị nên khó có thể được tiếp cận với các doanh trại như đã quảng bá với phụ huynh trước đó”, ông Khánh cho biết thêm.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)