Trại rắn Đồng Tâm và chợ nổi Cái Bè là hai trong những địa điểm du lịch hấp dẫn ở Tiền Giang được đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham quan. Vì thế, nếu có dịp đến Tiền Giang thì đừng bỏ qua cơ hội trải nghiệm những điều thú vị tại hai địa điểm này.
Học sinh tham quan và trải nghiệm thực tế tại Nhà bảo tàng rắn trại rắn Đồng Tâm
1. Trại rắn Đồng Tâm rộng khoảng 30 hécta, còn có tên khác là Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến Dược liệu Cục Hậu cần Quân khu 9, nằm tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cách thành phố Mỹ Tho 9km về phía Tây. Có thể xem đây là một viện bảo tàng về rắn độc nhất vô nhị ở đồng bằng sông Cửu Long.
Trại rắn Đồng Tâm được thành lập vào năm 1979 theo sáng kiến của cố Đại tá Trần Văn Dược (1929-1988) mà người dân hay gọi ông với cái tên thân thương là thầy Tư Dược. Là một người có kiến thức sâu rộng, am tường và say mê các loài rắn, thầy Tư Dược mong muốn xây dựng một trại rắn đa dạng để lấy huyết thanh kháng nọc rắn và góp phần vào việc xuất khẩu nọc rắn.
Thiếu tá, bác sĩ Lê Văn Tâm – Phó Chủ nhiệm Khoa Điều trị rắn cắn của trại rắn Đồng Tâm cho chúng tôi biết, mỗi năm nơi đây tiếp nhận và chữa trị trên 1.000 ca rắn cắn, cá biệt có năm số người bị rắn cắn đến chữa trị lên đến 1.800 ca. Với nhiều loại thuốc đặc trị được chế biến, chính nơi này, đã cấp cứu kịp thời nhiều nạn nhân bị rắn độc cắn, đem lại niềm vui cho bao gia đình.
Từ ngày thành lập đến nay, trại rắn Đồng Tâm đã mở rộng chào đón không biết bao nhiêu là khách tham quan, du lịch. Đây là điểm dừng chân lý thú trong các tour du lịch sinh thái độc đáo ở đồng bằng sông Cửu Long. Đến đây du khách sẽ ngạc nhiên khi thấy sự hiện diện đầy đủ các loại rắn trong môi trường tự nhiên Nam bộ mà trước nay mình chưa hề gặp, có chăng chỉ biết qua sách báo, phim ảnh mà thôi. Nào là rắn hổ chúa thường sống ở miền cực Nam đất nước, rắn hổ mang, rắn cạp nong, rắn lục đủ màu nằm vắt vẻo trên những tán lá xanh rậm rạp, chuyên rình bắt chuột bọ phá hoại mùa màng.
Nhiều loại rắn tại trại rắn Đồng Tâm
Càng khám phá vào viện bảo tàng này, du khách sẽ càng thấy hứng thú với khu công viên sinh thái, rắn được nuôi trong các chuồng trại xinh xắn. Hoặc khu nuôi rắn tự nhiên được bao bọc bởi 4 bức tường, diện tích khu này rộng hơn 5.000 mét vuông, hàng ngàn con rắn được nuôi ở đây, xung quanh có trồng nhiều loại cây làm bóng mát cũng như để cho chúng leo trèo.
Bên cạnh đó còn có khu nuôi rắn thịt như rắn nước, rắn bông súng… để cung cấp thịt rắn cho khách du lịch cũng như người dân ở khắp nơi có nhu cầu. Tuy nhiên, nói đến nơi này, nhiều du khách cứ ngỡ là chỉ có rắn, không phải vậy bởi nơi này còn có rất nhiều con thú khác như trăn, gấu, ngựa, khỉ, cá sấu, nai, kỳ đà, mèo rừng…
Hấp dẫn và thú vị khi quý khách dừng chân lại Nhà bảo tàng rắn với hàng trăm phiên bản những loài rắn được trưng bày ở đây cũng như những lời thuyết minh rất dễ hiểu để khách tìm hiểu về các loài trăn, rắn cần được lưu giữ và bảo tồn. Nếu muốn mua quà mang về thì cũng có khu bán những sản phẩm chế biến từ rắn như rượu rắn, mỡ trăn, cao rắn, cao trăn rất quý hiếm có chức năng trị bệnh rất hiệu quả.
Trại rắn Đồng Tâm bây giờ ngày càng có sự đổi mới, thiên nhiên thông thoáng luôn tạo cho du khách thật dễ chịu. Đặc biệt là hàng năm nơi này đã đón một số lượng không nhỏ đối tượng là học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT… trong cả nước đến tham quan cũng như tìm hiểu thực tế những bài học phục vụ tốt cho bộ môn sinh học.
Trại rắn Đồng Tâm đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam năm 2005 công nhận là bảo tàng rắn đầu tiên ở Việt Nam.
Một góc chợ nổi Cái Bè
2. Chợ nổi Cái Bè được hình thành từ thời nhà Nguyễn. Thuở ban đầu, nơi đây được biết đến như trạm trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh miền Tây và miền Đông. Chợ nằm trên đoạn sông Tiền giáp ranh giữa 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre, đẹp nhất lúc trời vừa hừng sáng, các khoang thuyền đầy ắp hàng hóa được bày bán với đủ chủng loại.
Chợ nổi này hoạt động hàng ngày, phiên chợ tụ họp các bạn hàng từ tứ phương đổ về, cao điểm từ lúc 5-6 giờ sáng. Buổi sáng trên chợ nổi, nhiều chủ thuyền còn bán điểm tâm sáng cho người dân thương hồ với các món ăn như cháo, hủ tiếu, mì gói, cà phê, nước ngọt… Bạn sẽ được tận mắt chứng kiến cảnh mua bán, trao đổi hàng hóa trên sông của nhiều vỏ lãi, tàu, ghe, thuyền, xuồng… xuôi ngược trên sông trông thật tấp nập. Thông thường nếu bạn muốn mua trái cây hay mặt hàng nào thì cứ nhìn dấu hiệu rao hàng của chủ thuyền đó theo kiểu “treo gì bán đó” nhưng cũng có khi người mua phải hỏi người bán hàng vì có những món hàng họ bán mà không treo ra ngoài.
Chợ nổi Cái Bè nổi tiếng với các loại trái cây chuyên canh như bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn, quýt Cái Bè…
Để có thể tham quan một vòng khu chợ nổi này, bạn có thể thuê thuyền từ 10 đến 15 chỗ ngồi, giá khoảng từ 500.000 – 800.000 đồng. Còn nếu bạn muốn trải nghiệm thú vị ở đây thì có thể thuê chiếc xuồng ba lá đậm chất miền Tây, với giá rẻ hơn từ 150.000 – 200.000 đồng cho 3-5 người ngồi.
Về đây, bạn còn được tham quan ngôi nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt với kiểu kiến trúc rất tinh vi. Gian nhà với hơn 100 cột bằng gỗ có tuổi thọ trên 150 năm. Ngoài ra, Cái Bè còn có nhà cổ Cai Huy (xây cất từ năm 1860) hay nhà cổ Ba Đức (có từ năm 1938) với những kiểu kiến trúc độc đáo, mới lạ… Và sẽ thiếu sót nếu bạn không ghé vào làng nghề thủ công truyền thống ở xã Đông Hòa Hiệp để được nếm thử kẹo dừa nóng, bánh cốm, bánh tráng còn nóng hổi, chưa được đổ khuôn. Những nghệ nhân của cửa hàng bánh cốm Ngọc Lợi, kẹo dừa Thanh Trí lúc nào cũng trổ tài thật uyển chuyển, nhanh nhẹn. Về đây, ngoài chuyện thư giãn, bạn sẽ còn hiểu biết được nhiều hơn về những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)