Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thảm họa ngay sau lưng!

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 29/8, Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương về an toàn hồ chứa. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu xử lý nghiêm chủ đầu tư thực hiện không đúng quy định, dừng hồ đập thiếu an toàn.
Đập thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Lê Tuấn.
Nguy cơ mất an toàn
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, Việt Nam là quốc gia hồ chứa nên phải tìm cách sống chung với hồ chứa cho an toàn. Bởi hồ chứa được ví như quả bom trên đầu nhưng không tránh được trong điều kiện phải phát triển hồ chứa để tích nước và làm thủy điện.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, cả nước hiện có gần 7.000 công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Kết quả kiểm tra các công trình thủy điện có công suất lớn hơn 50 MW, công trình thủy lợi có chiều cao đập lớn hơn 50m đã hoàn thành xây dựng được nghiệm thu đưa vào sử dụng hiện vận hành an toàn.
Một số công trình xảy ra sự cố như nứt, thấm qua bê tông thân đập đã được chủ đầu tư và các bên liên quan tập trung xử lý có hiệu quả tốt như thủy điện Bản Vẽ, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4,… Cá biệt có công trình chất lượng chưa đảm bảo gây bức xúc trong dư luận thời gian qua như đập thủy điện Sông Tranh 2, sau khi tích nước bị thấm qua các khe nối thân đập với lưu lượng 75 l/s, nhưng đến nay đã được xử lý, khắc phục đảm bảo yêu cầu, lưu lượng thậm chí còn 3 l/s, nhỏ hơn giới hạn yêu cầu 12 l/s.
Những sự cố xảy ra trong quá trình thi công xây dựng hoặc trong giai đoạn vận hành thử thường tập trung ở các công trình có quy mô nhỏ, do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư. Điển hình là thủy điện Đăk Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ tường chắn bê tông, thủy điện Đăm Bol-Đạ Tẻl (Lâm Đồng) vỡ đường ống áp lực, thủy điện Đăk Mêk 3 (Kon Tum) vỡ đập khi thi công, thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai) vỡ đập khi bắt đầu tích nước, thủy điện Ea Súp 3 (Đăk Lăk) bị vỡ bể áp lực trong quá trình chạy thử.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, các công trình thủy điện có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 30 MW đã đưa vào sử dụng hiện đang vận hành ổn định. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do một số chủ đập chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng lưu ý, hiện cả nước có 317 hồ bị hư hỏng công trình đầu mối, chủ yếu tập trung vào nhóm hồ chứa nhỏ có dung tích trữ dưới 3 triệu m3 hoặc chiều cao đập nhỏ hơn 15m là các đập còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Xem xét năng lực chủ đầu tư
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hoàng Công Lự cho biết, nguyên nhân vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 vừa qua do chủ quan là chính. Nhà đầu tư không tuân thủ quy định, thuê tư vấn giám sát không chặt chẽ. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư bảo vệ hiện trường, cung cấp tài liệu có liên quan cho đoàn kiểm tra của trung ương.
 “Yêu cầu bắt buộc hồ chứa phải đăng ký an toàn, cắm mốc. Nếu công trình nào đã yêu cầu mà không làm thì cho dừng. Đây là những lỗi không được phép để xảy ra. Quản lý Nhà nước còn dễ dãi mà sự cố thủy điện, thủy lợi không cho cơ hội rút kinh nghiệm, thảm họa ngay sau lưng”  
Phó Thủ tướng
Hoàng Trung Hải

Nhà đầu tư đã tiến hành hỗ trợ bước đầu cho những hộ bị thiệt hại nặng và cam kết đến 30/9 sẽ đền bù cho dân vùng hạ du với giá trị thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng. Theo ông Lự, công tác quản lý nhà nước về an toàn hồ chứa bất cập, đặc biệt là phân cấp quản lý với cấp huyện, xã. Sau sự cố vỡ đập các ngành rất lúng túng xem trách nhiệm của ngành nào, Công thương hay Xây dựng, trong khi hướng dẫn của T.Ư còn chồng chéo. Công trình thủy điện do EVN quản lý cũng còn bất cập, nhất là quy trình vận hành liên hồ chứa.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, phải đánh giá lại toàn bộ quy trình từ chuẩn bị, xây dựng để phát hiện bất cập. “Các bộ vào kiểm tra xem lại năng lực của chủ đầu tư có làm được không. Không làm được thì giao cho đơn vị khác hoặc thôi công trình này”- Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ xem lại năng lực Ban quản lý dự án các công trình trên cả nước.
Theo TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)