Thăng Long xưa cũng như nay không chỉ đem lại nỗi buồn mà cả niềm vui, nỗi buồn thăm thẳm thì niềm vui cũng mênh mang. Xin đi vào bài thơ thứ hai.
Kì 2: Bài thơ thứ hai
1. Cũng có một con người đến với Thăng Long. Người này cũng là phụ nữ và hình như còn trẻ hơn người kia, hoặc về tuổi tác hoặc về tâm tình. Chỉ biết rằng người ấy đến đây với một niềm vui. Bởi thời gian là một buổi chiều mùa xuân êm ái, nên tấm lòng nhẹ lâng lâng một nỗi niềm vô cùng thanh khiết. Người ấy “đăng cao phú thi” (lên cao làm thơ), nơi cao ấy là một khán đài, có cái tên rất đẹp: đài để ngắm mùa xuân, đài Khán Xuân. Đài ấy ngày nay không còn, song tên ấy vẫn còn nơi một phường bên Tây hồ: phường Khán Xuân. Lên đó vào lúc ấy làm sao ngăn được một niềm vui:
Êm ái chiều xuân đến khán đài
Lâng lâng chẳng bộn chút trần ác
Chiều trời êm ái, lòng người lâng lâng, đây là một niềm vui không ồn ào mà lặng lẽ, niềm vui lắng bên trong chứ không lộ ra ngoài. Đây là niềm vui siêu thoát như thể xuất trần. Cái gì gây nên niềm vui đó? Đó trước tiên là âm thanh và cảnh sắc nơi đây, là tiếng chuông bên tai và trước mắt là mặt hồ.
2. Bốn mùa triêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn trời…
Câu 3 trên đây có một dị bản: Ba hồi triêu mộ… Bản phiên âm chữ Nôm của Kiều Thu Hoạch: Bốn mùa chiêu mộ… có lẽ đúng hơn và hay hơn. Tiếng chuông ở đây, chuông sáng rồi chuông chiều, có lẽ không chỉ vọng bên tai mà còn vang trong trí nhớ, vì đến vào buổi chiều mà vẫn nghe chuông sáng lẫn chuông chiều, vì cả bốn mùa sáng chiều tiếng chuông đền Trấn Vũ hay chùa Trấn Quốc vẫn vang lên, dội xuống mặt nước hồ, làm tiếng chuông càng âm hơn, xa hơn, như tiếng gầm trên các lượn sóng.
Khác với lúc ban mai “phất phơ ngọn trúc trăng tà”, buổi chiều này quang đãng cho nên mặt hồ trong sáng như gương, trời xanh lẫn vào nước biếc (nước lộn trời), đúng là một buổi chiều thật êm ái. Không chỉ để đối với “bốn màu triêu mộ” mà bốn chữ “một vùng tang thương” cũng gợi lên thời gian lịch sử, thời gian huyền thoại. Để hiểu bốn chữ “một vùng tang thương” xin nhắc lại bốn câu trong Phú tụng Tây hồ của Nguyễn Lượng Huy. Lạ thay cảnh Tây hồ! Trộm nhớ thuở đất chia chín cõi/ Nghe rằng đây đá mọc một gò/ Trước Bạch hồ (con cáo trắng) vào ở đó làm hang, Long Quân (Lạc Long Quân) trổ nên vùng đại trạch/ Sau Kim ngưu (con trâu vàng) chạy vào đây hóa vực; Cao Vương (tức Cao Biền) đào chặn mạch hoàng đô.
Từ núi mà biến thành hồ, Tây hồ đúng là một “vũng tang thương”, nữ thi sĩ chúng ta ở đây còn là một nữ bác học mà các nữ thi sĩ của ta ngày nay (nhất là nữ thi sĩ Hà Nội) cần học tập.
3. Tiếp theo hai câu 3, 4 tả cảnh mà ngụ tình, hai câu 5, 6 tả tình mà vướng cảnh. Cảnh là nước rộng trời cao nên tình cũng là nguồn ân bể ái.
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi
Đến đây, dù không nói ra thì ai cũng biết con người trong bài thơ là ai rồi. Ai mà nguồn ân, bể ái nghìn trùng, muôn trượng như thế? Chỉ là nữ sĩ Hồ Xuân Hương đa tình của chúng ta mà thôi. Nhưng đừng nghĩ bể ái, nguồn ân ở đây chỉ là tình trai gái. Đúng, ái ân trước hết là tình trai gái, song đây còn là tình của con người, của thi sĩ trước cuộc đời, trước thiên nhiên, chỉ có thể đem so sánh với nước, với trời phía trước, trên cao. Trong thơ tình Việt Nam ta xưa nay, có bài thơ tình nào chứa chan, lai láng, mênh mông, sâu thẳm như hai câu thơ này, như bài thơ này? Cũng là ẩn dụ mà tầm so sánh cao rộng lạ thường.
4. Chả trách chi, hai câu cuối là hai câu cực tả một niềm cực lạc, tức là một niềm vui khôn cùng.
Nào là cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười.
Chín rõ mười… là hiển nhiên, rành rành ra đấy, không còn tự hỏi, không còn nghi ngờ gì nữa. Bản thân nhà thơ không còn nghi ngờ, xin người đọc, người khác, đương thời cũng như ngày nay, đừng ai nghi ngờ: Đây là miền cực lạc.
Thiền tông, thiền học dạy: Ngồi thiền, nhập thiền để đại ngộ, đến được Niết Bàn là nơi cực lạc, là niềm thanh tịnh vô biên của tâm hồn. Bài thơ này của nữ sĩ Hồ Xuân Hương dạy ta một con đường đi đến cực lạc. Đó là: Hãy đến với thiên nhiên, đối diện với thiên nhiên, rồi nhập thân vào thiên nhiên cũng sẽ gặp được niềm cực lạc ấy. Ở Thăng Long xưa, Hà Nội nay, một nơi thiên nhiên đó là hồ Tây. Xin giữ gìn nó làm nơi mọi người Hà Nội, mọi người Việt Nam đến đó để tìm một miền cực lạc.
Hai bài thơ của hai nữ sĩ đưa ta từ nỗi đoạn trường đến miền cực lạc, cũng như từ quá khứ đến với tương lai của Thăng Long – Hà Nội!
Trần Thanh Đạm
Bình luận (0)