Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thầm lặng nghề biên tập phim

Tạp Chí Giáo Dục

Những nhà biên kịch nổi tiếng thường đảm nhận luôn vai trò biên tập

Nhắc đến sự thành công của một bộ phim, người ta nghĩ ngay đến vai trò của đạo diễn, nhà biên kịch và diễn viên nhưng lại thường “bỏ quên” sự đóng góp khá âm thầm song không kém phần quan trọng của những người làm công tác biên tập…
Khâu quan trọng
Lực lượng biên tập này thường là nhân viên làm việc tại các hãng sản xuất phim hoặc phòng khai thác phim của đài truyền hình. Tuy đội ngũ biên tập khá đông nhưng để một tác phẩm phim hoàn chỉnh, được “gạt sạn” sạch sẽ từ khâu kịch bản, nhà sản xuất hoặc đạo diễn thường “nhờ” đến sự can thiệp biên tập của các nhà biên kịch có tên tuổi hay những nhà phê bình điện ảnh, văn học. Theo đó, người biên tập phải chịu trách nhiệm duyệt trước nội dung kịch bản, kiểm tra cấu trúc, phân cảnh, sửa lời thoại, thậm chí chỉnh sửa cả nội dung, ý tưởng phim cho phù hợp và chuẩn xác. Theo đạo diễn Quốc Thịnh thì: “Người làm công tác biên tập phim đòi hỏi phải có một trình độ nhất định, có kiến thức, vốn sống, trải nghiệm rộng để thấy được yếu điểm của kịch bản, từ đó xây dựng, góp ý, làm cho kịch bản sáng sủa, hoàn thiện và hay hơn”.
Thực tế, khi mà nhu cầu kịch bản phim ngày càng lớn dẫn đến sự xuất hiện của nhiều cây bút “tay ngang”, người chập chững đến với nghề viết kịch bản. Do đó, tác phẩm của họ hầu như đều còn… nhiều sạn hoặc sai lệch kiến thức, đòi hỏi “trọng trách” của biên tập viên cũng phải nặng nề và khá quan trọng. Một số lỗi chính tả thường gặp trong các kịch bản phim mà biên tập viên phải thật tỉnh táo rà soát, ví dụ như: Ở phân đoạn này đang miêu tả ban ngày, với một số nhân vật và bối cảnh ấy. Sau khi đan xen vài ba phân đoạn khác, khi trở lại phân đoạn đầu thì đang ở ban đêm với bối cảnh khác hoặc có sự xuất hiện của nhân vật mới. Còn lỗi nặng hơn như kịch bản tuy… hay nhưng sai về lịch sử, kiến thức cần đến sự am hiểu uyên thâm của biên tập viên mới có thể nhìn ra được. “Ví dụ như trong kịch bản phim Nữ vệ sĩ, tác giả miêu tả các cô gái vệ sĩ chẳng khác nào những ngôi sao nổi tiếng, đi đến đâu đều tỏa sáng và được nhiều người biết đến. Hay tả cảnh họ đánh Karatedo đến… bật máu, trong khi Karatedo là môn võ không bị sát thương. Hoặc một kịch bản miêu tả đoàn khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch mang theo rất nhiều… vệ sĩ là không cần thiết” – nhà biên kịch Nguyễn Quý Dũng – người đồng thời nhận biên tập cho Nữ vệ sĩ cho biết. “Mặc dù phim truyện là giả định nhưng thông qua giả định phải phản ánh sự thật, hiện trạng xã hội. Do đó kịch bản phim cũng phải căn cứ vào thực tế. Để tránh sai sót, người biên tập phải hiểu rộng và đảm nhận khâu này từ kiểm duyệt kịch bản cho đến khi phim dựng xong và thậm chí trước khi trình chiếu cũng phải xem lại để bắt lỗi nếu có” – Nguyễn Quý Dũng khẳng định.
Cần đào tạo bài bản thông qua trường lớp
Tuy biên tập phim là khâu quan trọng, quyết định phim còn… sạn hay không nhưng theo đạo diễn Quốc Thịnh thì trong giới làm phim ở nước ta, nhiều khi biên tập viên không hiểu đúng… vai trò của mình hoặc đối với đạo diễn, nhà biên kịch vẫn chưa có sự đồng cảm, hiểu nhau dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm. Ví dụ khi đảm nhận khâu biên tập, không ít người nghĩ rằng mình là “bậc thầy” nên tự ý phóng bút, sửa đổi hoặc cắt xén sai lệch với ý đồ tác giả. Cũng có không ít trường hợp biên tập viên giỏi mảng tình cảm lại nhận biên tập kịch bản cho phim… hình sự. Ngược lại, không ít tác giả vì quá yêu quý “đứa con tinh thần” của mình nên tỏ ra tự ái, bảo thủ không chấp nhận bị biên tập viên sửa đổi các chi tiết trong tác phẩm. Sự bất cập này cho thấy tính chuyên nghiệp còn thấp để có được một tác phẩm phim hoàn chỉnh. Theo tác giả Nguyễn Quý Dũng: “Thực tế, chúng ta vẫn chưa có một trường lớp nào đào tạo bài bản về nghề biên tập phim, trong khi đây lại là khâu rất quan trọng dẫn đến tình trạng điện ảnh nước ta còn nhiều yếu kém. Do đó, thị trường phim Việt cần thiết phải có một đội ngũ biên tập giỏi và làm việc chuyên nghiệp. Nhất là trong tình trạng tác giả kịch bản đa phần ít vốn sống, viết dựa vào suy nghĩ tưởng tượng của mình mà không có cơ sở thực tế. Hay vì là người trẻ nên các tác giả thường thích thể hiện mình, viết nhiều phân đoạn không cần thiết gây tốn kém, góp phần làm… tăng giá thành sản xuất dẫn đến phim làm bị lỗ”.
Bài, ảnh: Tuyết Dân
Tùy theo kịch bản dễ, khó và trình độ, sự nổi tiếng của người biên tập… mà giá biên tập dao động từ 300 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/tập phim.
 

Bình luận (0)