Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Thăm Nam thiên đệ tam động

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu như Hương Tích từng được phong tặng là "Nam thiên đệ nhất động" và Bích Động là “Nam thiên đệ nhị động” thì Địch Lộng đã được vua Minh Mạng ban tặng “Nam thiên đệ tam động”, có nghĩa động đẹp thứ ba ở trời Nam.

Cụm di tích chùa – động Địch Lộng ở xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tương truyền động Địch Lộng nằm trong vùng rừng núi hoang vu, rậm rạp, một người tiều phu đã phát hiện ra vào năm 1739.
Phong cảnh và kiến trúc ở đây đẹp mê hồn – Ảnh: Ngọc Tuyên
Sự kỳ diệu của tạo hóa
 Đứng ở cửa động mà gió thổi vào sẽ nghe vi vu như tiếng sáo, thấy vậy người tiều phu liền đặt tên động là Địch Lộng.
Thông tin thêm:
Từ Hà Nội, du khách đi theo quốc lộ 1A về phía nam, qua cầu Đoan Vĩ, rẽ tay phải khoảng 1km sẽ đến Địch Lộng. Cầu Đoan Vĩ còn gọi là cầu Khuốt, ranh giới giữa tỉnh Hà Nam và Ninh Bình.
Động gồm có ba hang nối liền nhau. Mỗi không gian trong động là một không gian nghệ thuật, hội tụ những tác phẩm chạm khắc tuyệt tác của tạo hóa. Hang ngoài trở thành hang thờ Phật, rồi đến hang Tối, hang Sáng. Hang Sáng có nhiều nhũ đá tạo thành hình tượng Phật, voi quỳ, ngựa phục, sư tử… Hang Tối dài và rộng hơn, nhũ đá ở đây tạo thành muôn hình muôn vẻ sống động như voi uống nước chum, hùm uống nước vại, khỉ cỗng con, bà lão bán thuốc, cây tiền, cây vàng, cây bạc, cây thóc… Điều độc đáo ở hai hang này là những dãy nhũ đá lấp lánh bảy sắc cầu vồng, màu sắc thay đổi theo ánh mặt trời và khi bạn lấy đá gõ vào sẽ nghe lanh lảnh như tiếng chuông.
Nhiều bậc tao nhân mặc khách đến đây gặp cảnh động quá đẹp nên tức cảnh sinh tình đề tặng rất nhiều thơ văn. Như  Lê Quý Đôn có bài thơ “Vô đề”;  Bùi Văn Quế có bài thơ “Danh Sơn đề bạt”; Phạm Văn Nghị có bài ký “Núi Địch Lộng”…
Năm 1740 dân địa phương lập chùa tại động Địch Lộng, lấy tên Nham Sơn động Cổ Am tự, sau này đổi thành chùa Địch Lộng. Chùa nằm ở lưng chừng núi Địch Lộng, có độ cao khoảng 80m so với chân núi nên du khách phải leo lên hơn 100 bậc đá.
Ngay cửa động treo quả chuông nặng gần một tấn được đúc từ thời Nguyễn. Sân trước động, hai giếng ngọc quanh năm đón những giọt nước từ nhũ đá nhỏ xuống và những tượng ông Thiện, ông Ác cưỡi sư tử. Phía bên phải sân là chùa, mái chính  có vòm hang cao và khá nhiều tượng. Trong đó, đặc biệt là 3 pho tượng Tam Thế Phật sơn son thếp vàng, được ban từ thời vua Thiệu Trị và tượng Phật bà Quan Âm, tượng A Di Đà được tạc bằng đá xanh nguyên khối.
Độc đáo đình đá
Trước khi leo lên thăm phần động và chùa ở trên núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc từ hàng trăm năm ngự ngay dưới chân núi, đó là ngôi đình đá. Đây là đình thờ Lý Quốc Sư, dân gian còn gọi Thánh Nguyễn, vốn sinh ra và lớn lên tại làng Điềm, nay là xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Đặc sắc nhất ở ngôi đình này là 8 cột đá xanh nguyên khối, tròn, to, cao hơn 4m, đều được chạm nổi rất tinh xảo hình những con rồng lớn đang uốn lượn trong mây để hút nước và hình cá chép theo nước vượt lên. Du khách sẽ có cảm giác như được xem rất nhiều con rồng lớn đang bay lượn. Mỗi con rồng quấn quanh cột đều có một dáng vẻ khác nhau, vô cùng sống động.
Ngoài ra còn có 8 cột đá khác cũng to, tròn, cao khoảng 3m. Ở hai mặt trước và sau những cột này đều được chạm khắc các câu đối chữ Hán ca ngợi cảnh đẹp nơi đây. Tất cả 16 cột đá này đều được đặt trên những tảng đá lớn cao 0,6m. Hiếm có ngôi đình nào được làm bằng đá xanh nguyên khối và chạm khắc công phu, tỉ mỉ đến vậy!
Ngọc Tuyên / Thanh niên

 

Bình luận (0)