Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Thảm nạn giữa thời bình

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Website của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia có đăng một bản tin đáng chú ý, tiêu đề: “Tai nạn giao thông giảm trong 3 ngày Tết”. Theo đó, trong các ngày 29 tháng chạp, mùng 1 và mùng 2 Tết Quý Tỵ xảy ra 108 vụ tai nạn giao thông (TNGT), chết 91 người, bị thương 84 người; giảm 12 vụ, 14 người chết và 43 người bị thương so với cùng dịp năm ngoái.
“Tình hình trật tự an toàn giao thông trong 3 ngày Tết cơ bản được bảo đảm tốt (…) Nhờ làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát, số vụ tai nạn giảm so với những ngày Tết năm 2012” – bản tin viết.
Bản tin dường như chủ yếu nhấn mạnh đến các yếu tố thành tích, như “giảm” (tai nạn, thiệt hại), “tốt” (tuần tra, kiểm soát) để làm mờ đi các con số bi thương. Cái chết oan uổng nào chẳng bi thương, dù chỉ 1 người (!).
 
Thực tế, thương vong vì TNGT trong dịp Tết vừa qua là rất nghiêm trọng. Theo báo cáo tổng hợp từ ngành giao thông các địa phương và những bệnh viện lớn, trong 6 ngày từ 29 tháng chạp đến mùng 5 Tết, cả nước xảy ra hơn 290 vụ TNGT, làm chết 234 người, bị thương 306 người (đây là con số thống kê chưa đầy đủ, thực tế chắc chắn nhiều hơn). Như vậy, mỗi ngày có  ít nhất 39 người mất mạng, tương đương 1 trung đội (thường từ 20 đến 40 quân nhân)! Thật đáng sợ khi những thảm nạn này không phải trong thời chiến mà xảy ra giữa thời bình, lại vào những ngày tươi đẹp nhất của dân tộc, của đời người.
Những nguyên nhân gây TNGT và giải pháp ngăn chặn vấn nạn này đã được đề cập nhiều nhưng giữa nói và làm quá xa nhau nên hiệu quả còn mơ hồ. Hàng chục ngàn tỉ đồng đã được chi để sửa sang đường sá và tổ chức vô số chiến dịch tuyên truyền nhưng TNGT vẫn không bị đẩy lùi, trái lại có thể sinh sôi bất cứ lúc nào. Tiền của, mạng người cứ như luôn nằm trong tầm lưỡi hái của tử thần!
Trong hơn 290 vụ TNGT dịp Tết vừa qua, hầu hết xảy ra trên đường bộ và có liên quan đến rượu, bia. Rõ là địa chỉ trách nhiệm trước tiên thuộc về người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Trên khắp các quốc lộ, dễ dàng bắt gặp tài xế xe tải, xe khách phóng bạt mạng, liên tục lấn tuyến, vượt mặt nhau; nhiều người chạy xe máy không thèm đội mũ bảo hiểm, hễ thấy vắng bóng CSGT là phóng nhanh vượt ẩu. Những kẻ chạy xe mà không biết quý tính mạng của mình thì làm gì còn nghĩ đến tính mạng của người khác! Vì thế, TNGT không chỉ gây hậu quả đối với kẻ gây ra tai nạn mà còn tước đoạt một cách oan uổng mạng sống của nhiều nạn nhân vô can, trong đó có những cuộc đời thật đẹp, những người đáng sống đang chở đầy ước vọng tương lai…
Và không thể bỏ qua  trách nhiệm của lực lượng thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. TNGT không thuyên giảm và tình trạng tham nhũng nghiêm trọng trong ngành CSGT khiến dư luận luôn hoài nghi về lương tâm, trách nhiệm của lực lượng này (theo báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới công bố ngày 20-11-2012, CSGT tham nhũng “đầu bảng”, xếp trước 3 nhóm là quản lý đất đai, hải quan và xây dựng).
Suy cho cùng, tất cả đều do con người; những hậu quả thương tâm ấy cũng xuất phát từ các khuyết tật trong ý thức, trách nhiệm và lương tâm của con người. Vậy, phải làm lành các khuyết tật đó bằng những liều thuốc thật mạnh của giáo dục và “cây gậy” luật pháp. Nếu không, mục tiêu quốc gia về kiềm chế và giảm số vụ, số người chết vì TNGT có nguy cơ sẽ phá sản.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)