Trong chuyến hành trình du lịch về Tiền Giang, nếu bạn đã từng say mê, yêu thích các tác phẩm “rặt” chất Nam bộ của nhà văn Sơn Nam thì nhất định phải ghé thăm nhà lưu niệm Sơn Nam tọa lạc tại ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam nằm hướng ra dòng sông Bảo Định
Một không gian “đúng chất Sơn Nam”
Nếu có dịp đến Tiền Giang, bên cạnh nhiều điểm tham quan nổi tiếng khác như chùa Vĩnh Tràng, di tích nhà Bạch Công Tử, trại rắn Đồng Tâm, chợ nổi Cái Bè… thì nhà lưu niệm “Ông già Nam bộ” Sơn Nam là địa điểm không thể nào bỏ qua!
Nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam nằm ngay trong TP.Mỹ Tho nên rất dễ tìm. Sau khi bạn đi từ TP.HCM về đến Mỹ Tho – Tiền Giang với quãng đường khoảng 70km, bạn có thể thuê xe máy hoặc đi xe ôm, xe taxi để đến đây. Hoặc bạn cũng có thể xem trước bản đồ hoặc hỏi người dân sống quanh đó để được hướng dẫn đến với địa điểm này chính xác nhất.
Nhà văn Sơn Nam là một tên tuổi rất quen thuộc của độc giả miền Nam trước 1975 và cả nước hiện nay. Ông được ví như pho sử liệu sống về văn hóa, lịch sử, xã hội, phong tục tập quán, lễ hội, phương ngữ, ngành nghề… của người và đất phương Nam từ thời khẩn hoang. Các tác phẩm của ông (ba tập Hương rừng Cà Mau và nhiều truyện ngắn, hàng loạt các quyển sách nghiên cứu, dịch thuật khác) đã phản ánh bản sắc văn hóa đặc thù của Nam bộ. Ông sinh năm 1926, ở Kiên Giang, vùng sông nước Nam bộ. Hồi đi học, ông học văn giỏi lắm, bởi ông đọc rất nhiều sách, nhất là sách tiếng Pháp. Ngoài ra, ông còn học giỏi môn sử và địa nữa, toàn là được điểm đầu. Thầy giáo thường khen ông là “Sau này em sẽ là nhà văn”, mà quả là đúng như vậy…
Ông bắt đầu viết văn từ năm 14 tuổi và hầu hết các tác phẩm đều viết bằng tiếng Pháp. Thần tượng của ông là nhà văn nổi tiếng Hồ Biểu Chánh, ông bị ảnh hưởng bởi cụ rất nhiều qua cách ăn nói, viết văn, ông xem cụ như “ông tổ” của cuộc đời làm nghề văn của mình.
Bức tranh ký họa màu nước Sơn Nam của họa sĩ Lê Sa Long – khổ 75 x 100cm được trưng bày tại nhà lưu niệm
GS.TS Trần Văn Khê từng nói: “Trong suốt cuộc đời mình, anh Sơn Nam đã đem văn hóa miền Nam nước Việt đến với bao nhiêu người trong và ngoài nước. Sự ra đi vĩnh viễn của anh làm cho bộ từ điển sống cho thư viện về văn hóa miền Nam không còn nữa và chưa thấy ai có thể thay thế anh được. Biết rõ là dù anh không còn ở trên đời này, nhưng việc làm của anh, sự nghiệp tinh thần của anh còn lưu mãi trong lòng của người dân nước Việt”.
Sau khi ông mất, con gái của nhà văn Nam Sơn là bà Đào Thúy Hằng và ông xã Trần Đức Nghị đã cho xây dựng nên nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam Tiền Giang với diện tích rộng lên đến 1.500m². Nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam khởi công từ tháng 6-2009, khánh thành đúng vào ngày giỗ đầu 23-8-2010.
Kết cấu ngôi nhà được xây dựng chắc chắn, mái tứ giác, rui mè bằng chất liệu bê tông sơn giả gỗ. Vật liệu xây dựng gồm loại gạch thẻ, chịu lực cao, cửa chính, cửa sổ đều làm bằng gỗ gõ đỏ, khung gỗ căm xe. Phía trước là bức tượng của nhà văn Sơn Nam do điêu khắc gia Nguyễn Sánh tạc, mắt nhìn hướng ra dòng sông Bảo Định. Đường dẫn vào nhà từ ngoài sân cho đến thềm được sắp xếp lạ mắt, mô phỏng theo hình bán đảo Cà Mau gồm 82 khối đá tổ ong tượng trưng cho số tuổi của nhà văn. Bên phải là một bức đá chạm thủ bút Sơn Nam chép bài thơ “Hương rừng Cà Mau” bất hủ thu hút mọi ánh nhìn!
Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Sơn (Trường Đại học Tiền Giang) thì hiện nay, nhà lưu niệm Sơn Nam là địa chỉ để bảo tồn, phát huy di sản to lớn của nhà văn; là nơi để tổ chức giảng dạy, học tập ngoại khóa của các trường học và các hoạt động văn hóa, một điểm tham quan du lịch văn hóa của tỉnh Tiền Giang. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng trong tương lai, nhà lưu niệm này sẽ thực sự là một địa chỉ văn hóa có ý nghĩa to lớn trong công tác giáo dục tình yêu văn chương cho thế hệ trẻ, tương xứng với vị thế, tầm vóc của nó trong lịch sử văn đàn nước nhà. Đồng thời trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đến thăm Tiền Giang.
|
Trong nhà lưu niệm có hàng trăm cuốn sách, thủ bút của nhà văn cũng như nhiều hình ảnh, tác phẩm hội họa, thư pháp và kỷ vật gắn bó với ông. Đặc biệt là chiếc máy đánh chữ ông dùng để sáng tác. Nơi đây còn trưng bày rất nhiều kỷ vật của nhà văn, từ chiếc áo sờn, đồng hồ đeo tay đến mắt kiếng ông đeo… Gian chính ngôi nhà là chiếc bàn thờ giản dị cùng chiếc tủ trưng bày chân dung nhà văn Sơn Nam qua ảnh chụp cũng như hình ký họa của nhiều họa sĩ nổi tiếng. Xung quanh khu lưu niệm được trồng nhiều cây cảnh, hoa và những tiểu cảnh như ao hoa súng trắng, cầu khỉ… thu hút rất nhiều khách du lịch.
Những ân tình để lại!
Nhà lưu niệm Sơn Nam mở cửa cho du khách đến tham quan miễn phí.
Bà Đào Thúy Hằng cho biết, gia đình rất biết ơn thầy Đinh Công Tâm ở quận Bình Tân, TP.HCM đã tặng lại toàn bộ các tác phẩm cũng như những bài viết về Sơn Nam mà ông đã sưu tầm và cất giữ hơn nửa thế kỷ qua… Ngoài ra, NXB Trẻ cũng gửi tặng nhiều bộ sách bìa cứng, ba bộ bìa mềm; Họa sĩ Lê Minh tặng tranh sơn dầu chân dung nhà văn; Nhà điêu khắc Nguyễn Sánh tạc tượng; Tạp chí Xưa và Nay tặng tượng đồng…“Chúng tôi thật rất vui khi thấy nhiều người còn nhớ đến nhà văn Sơn Nam. Từ một nơi gia đình tạo lập để thờ ông, giờ trở thành điểm đến của không chỉ người dân, học sinh, sinh viên, các văn nghệ sĩ trong vùng mà còn của nhiều đoàn khách trong nước, cả các đoàn nhà văn nước ngoài như Đức, Hàn Quốc… Chúng tôi gặp nhiều lớp học trò đến đây chơi, có cô nữ sinh cấp hai thôi, mà ghi vô sổ lưu niệm là “Con muốn học giỏi văn để sau này viết truyện được như nhà văn Sơn Nam”. Khi Khu lưu niệm nhà văn Sơn Nam trở nên nổi tiếng và thu hút được khách du lịch, chính quyền tỉnh Tiền Giang trân trọng chọn đặt tên Sơn Nam cho một con đường ở trung tâm TP.Mỹ Tho… Chúng tôi thật sự rất tự hào về ba mình…” – bà Đào Thúy Hằng chia sẻ!
Anh Khôi
Bình luận (0)