“Xóm chuột” độc nhất vô nhị An Giang nằm ở ấp Bình Chánh, xã Bình Long, huyện Châu Phú, được xem là điểm tập kết chuột nhập từ Campuchia về. Từ đây chuột được tỏa đi khắp các tỉnh ĐBSCL..
Chuột được chở qua biên giới bằng ghe, tàu.
Chúng tôi có mặt tại “xóm chuột” đúng vào thời điểm xóm bắt đầu hoạt động náo nhiệt nhất: 12h trưa. Theo tìm hiểu, ở đây có khoảng 10 gia đình chuyên sống bằng nghề kinh doanh chuột. Chuột sẽ được làm thịt tại đây hoặc bán chuột sống cho những người có nhu cầu.
Vào “xóm chuột” giờ cao điểm, thấy gần trăm con người (mỗi hộ khoảng 7-10 nhân công) cùng làm thịt chuột. Hoạt động này kéo dài trong khoảng thời gian từ 12 giờ trưa cho đến 9-10 giờ tối.
Quá trình làm thịt chuột cũng lắm công phu, được làm theo dây chuyền, vài ba người phụ trách một công đoạn. Thịt chuột sau khi được làm sạch sẽ được bỏ vào túi có ướp đá lạnh, giúp thịt được tươi lâu. Từ đây, chuột được chuyển xuống thành phố Long Xuyên (An Giang) rồi tỏa đi khắp nơi như Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp, TPHCM… Thịt chuột được bán ở các chợ, các nhà hàng, quán nhậu,…
Làm thịt chuột – công đoạn thu hút nhiều lao động phụ nữ và trẻ em.
Chuột ở đây được bán theo cân, chuột còn sống bán 30.000 đồng/kg; chuột làm sẵn chia làm 2 loại, loại 1 giá 50.000 đồng/kg, loại 2 giá 40.000 đồng/kg. Riêng chuột cho trăn ăn (chuột là một trong những món khoái khẩu của trăn) thì nhỏ hơn, bán giá 28.000 đồng/kg. Được biết giá mua từ Campuchia là 25.000 đồng/kg chuột sống.
Thịt chuột thơm ngon để nhậu. Chuột nhỏ bán cho hộ nuôi trăn. Những phần chân, đầu, đuôi thường được bán cho các hộ nuôi cá với giá từ 2.000-3.000 đồng/kg. Trước đây máu chuột cũng được dùng nấu cho lợn ăn nhưng bây giờ không mấy ai mua nên người chế biến cứ đổ thẳng xuống sông.
Trung bình mỗi ngày “xóm chuột” tiếp nhận khoảng trên dưới 1,5-2 tấn chuột. Trong đó hộ nhập nhiều nhất là hộ anh Khánh, mỗi ngày nhập khoảng 1 tấn chuột rồi chủ yếu phân phối lại cho các hộ làm chuột trong xóm.
Anh Nguyễn Văn Tượng, một hộ kinh doanh chuột, cho biết, “xóm chuột” này đã hình thành cách đây rất lâu. Nghề kinh doanh chuột nhà anh cũng là “cha truyền con nối”. Cũng theo anh Tượng thì chuột không chỉ được nhập về từ Campuchia mà còn có chuột trong nước từ Cà Mau, Bạc Liêu, hoặc những nơi còn ruộng đồng nhiều.
Nhập chuột từ Campuchia về.
Hỏi đến chuyện kiểm dịch chuột, anh Tưởng nói lâu lâu cũng có ngành chức năng đến kiểm tra xem xét tình hình, nhưng từ trước đến giờ không có chuyện chuột bị dịch bệnh gì nên “xóm chuột” hoạt động cũng thoải mái, công khai.
Gặp gỡ một số nhân công chuyên làm thịt chuột thuê, họ cho biết làm buổi chiều và buổi tối được trả công từ 20.000-30.000 đồng. Lao động ở đây chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Nhiều em nhỏ gia cảnh khó khăn đã bỏ học để đi làm thịt chuột. Em Nguyễn Thị Bé Hai cho biết ngày nào em cũng làm công việc này để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình.
Trao đổi với PV , ông Huỳnh Thanh Phong – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Phú – cho biết: Thông tin mỗi ngày nhập 35-50 tấn chuột từ Campuchia có lẽ nhầm. Đỉnh điểm chỉ khoảng 2-3 tấn/ngày. Việc nhập chuột là tự phát trong dân và đã hình thành từ rất lâu nhưng cũng không vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, chuột không nằm trong danh mục kiểm dịch nên ngành chức năng không thể làm gì được.
|
Huỳnh Hải (dantri)
Bình luận (0)