Sự nghiệp chính trị ngắn ngủi của nhà lập pháp George Santos tại Hạ viện Mỹ đã chấm dứt hôm 1.12, khi các đồng nghiệp biểu quyết trục xuất ông vì vụ truy tố liên quan đến các cáo buộc tham nhũng.
Ông Santos, 35 tuổi, là nhà lập pháp thứ sáu bị trục xuất trong lịch sử Hạ viện Mỹ. Ông là người đầu tiên bị trục xuất mà không phải là người chiến đấu cho phe Liên minh miền nam trong Nội chiến Mỹ (1861-1865) hoặc người bị kết tội.
Ông George Santos bên ngoài Điện Capitol hôm 1.12. REUTERS
Khi ông Santos bước ra từ Điện Capitol (trụ sở quốc hội Mỹ) và được các nhà báo vây quanh, ông nói: "Các bạn biết gì không? Một cách không chính thức, tôi đã không còn là thành viên quốc hội nữa, nên tôi không còn phải trả lời một câu hỏi nào từ các bạn… Nơi này thật là chết tiệt".
Cuối ngày 1.12, một nhân viên của Điện Capitol thay ổ khóa cho văn phòng của ông Santos và tấm biển trên cửa mang tên ông cũng bị gỡ xuống. Một bó hoa màu hồng nhỏ được đặt trên sàn bên ngoài văn phòng.
Ông Santos đã vướng vào bê bối kể từ cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái. Ông thừa nhận đã bịa đặt phần lớn tiểu sử của mình và các công tố viên liên bang cáo buộc ông rửa tiền cho chiến dịch tranh cử cũng như lừa gạt các nhà tài trợ. Ông Santos không nhận tội về các cáo buộc đó.
Thời gian tại nhiệm của ông Santos kéo dài gần 11 tháng, tức mới chỉ khoảng một nửa thời gian của nhiệm kỳ kéo dài hai năm. Việc ông bị trục xuất tiếp tục gây ra tranh cãi và hỗn loạn tại Hạ viện Mỹ, nơi hai tháng trước đã chứng kiến vụ bãi nhiệm Chủ tịch Kevin McCarthy sau cuộc nổi dậy của một nhóm nhỏ các thành viên cực hữu trong đảng Cộng hòa.
Thống đốc bang New York Kathy Hochul, người của đảng Dân chủ, hiện có 10 ngày để kêu gọi một cuộc bầu cử đặc biệt nhằm tìm người thay thế ông Santos. Cuộc bầu cử phải diễn ra trong vòng 70 đến 80 ngày kể từ ngày tuyên bố đó.
Diễn biến mới nhất phần nào làm suy yếu thế đa số vốn đã mỏng manh của đảng Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ, giờ đây là 221-213. Khu vực bầu cử của ông Santos, bao gồm một số vùng của thành phố New York và Long Island, được coi là có tính cạnh tranh cao.
Dối trá và tham nhũng
Rắc rối của Santos bắt đầu ngay sau cuộc bầu cử tháng 11.2022, khi truyền thông Mỹ đưa tin rằng ông chưa thực sự theo học tại Đại học New York hay làm việc tại các ngân hàng Goldman Sachs và Citigroup như ông tuyên bố trong chiến dịch tranh cử. Ông cũng nói dối về gốc gác Do Thái và nói với cử tri rằng ông bà của ông đã chạy trốn khỏi Đức Quốc xã trong Thế chiến 2. Ông đã thừa nhận việc bịa đặt này.
Khi truy tố ông Santos hồi tháng 5, các công tố viên liên bang cáo buộc ông thổi phồng tổng số tiền gây quỹ của mình để thu hút thêm sự ủng hộ từ đảng Cộng hòa, rửa tiền để chi trả cho các chi phí cá nhân và tính tiền vào thẻ tín dụng của các nhà tài trợ mà không được phép.
Nhà lập pháp trẻ tuổi, mới bước chân vào quốc hội lần đầu, đã sống sót trong cuộc biểu quyết trục xuất hồi đầu tháng 11. Khi đó, 182 thành viên đảng Cộng hòa và 31 thành viên đảng Dân chủ bỏ phiếu phản đối việc này với lý do vụ án hình sự mà ông là bị cáo phải được giải quyết trước.
Song sau đó, một báo cáo gay gắt của Ủy ban Đạo đức Hạ viện Mỹ về hành vi của ông Santos đã làm xói mòn sự ủng hộ dành cho ông. Chỉ có 112 trong số 222 hạ nghị sĩ Cộng hòa và 2 hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bỏ phiếu ủng hộ ông tiếp tục tại nhiệm trong cuộc biểu quyết hôm 1.12.
Cuộc điều tra lưỡng đảng vào tháng trước cho thấy ông Santos đã sử dụng gần 4.000 USD cho các dịch vụ spa, bao gồm tiêm botox, từ tài khoản chiến dịch tranh cử nghị sĩ của mình. Theo Ủy ban Đạo đức, ông cũng chi hơn 4.000 USD tiền tranh cử để mua đồ Hermes và thực hiện các "giao dịch nhỏ hơn" trên OnlyFans, nền tảng trực tuyến nổi tiếng với nội dung khiêu dâm.
Sau báo cáo của Ủy ban Đạo đức, ông Santos cho biết ông sẽ không tái tranh cử vào năm tới.
Tuy nhiên, ông Santos không thừa nhận các hành vi sai trái mà công tố viên cáo buộc trong vụ án hình sự. Phiên tòa xét xử ông dự kiến bắt đầu vào ngày 9.9.2024, ngay trước cuộc bầu cử tháng 11 quyết định quyền kiểm soát Nhà Trắng và cả hai viện của quốc hội Mỹ.
Theo Lam Vũ/TNO
Bình luận (0)