“Ba thách đố trong kê khai tài sản” là vấn đề được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặt ra trong buổi tiếp xúc cử tri quận 1, TP.HCM sáng 26-11. Theo ông, đó là một trong những thách thức trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bìa phải) trao đổi với các cử tri Q.1, TP.HCM tại buổi tiếp xúc sáng 26-11 Ảnh: MINH ĐỨC |
Ba thách đố trong việc kê khai tài sản được Chủ tịch nước nêu sau khi cử tri Phạm Thị Nga (P.Bến Thành) đặt vấn đề: “Khi kê khai tài sản, nếu kiểm tra thấy có dấu hiệu tham nhũng thì càng phải làm mạnh, làm tiếp mới rõ được tài sản bất minh, chống được tham nhũng”. Chủ tịch nước nói ông muốn nhận được nhiều hiến kế, phê phán như vậy “nhưng để làm được những điều như cử tri mong muốn còn quá nhiều thách đố và cản ngại”.
Có luật nhưng không đồng độ
Thách đố đầu tiên được Chủ tịch nước nêu lên là phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể chuyển sang nền kinh tế thanh toán thông qua ngân hàng. “Bởi còn thanh toán với nhau bằng tiền mặt thì còn tham nhũng” – ông nói. Ông cũng cho biết việc này đã có chủ trương thay đổi từ nhiều năm nay nhưng còn nhiều cản ngại chưa thực hiện được. “Ở nước mình thoải mái quá trời, mua bán miếng đất, xách bao tiền đi mua tỉnh bơ. Tài sản trôi nổi tùm lum, tham nhũng hối lộ ghê gớm, không kiểm tra giám sát được” – Chủ tịch nước nêu thực tế.
Báo chí đừng sợ
Ngay trong buổi tiếp xúc với cử tri Q.1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói ông làm việc nghe thông tin từ rất nhiều kênh, nhưng kênh không thể thiếu được là báo chí. Trong các nghị quyết của Đảng khẳng định các cơ quan thông tin truyền thông góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Trò chuyện thân tình với các phóng viên sau buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước nói báo chí cứ viết thẳng thắn, viết đúng sự việc, đừng nghe những lời đồn thổi về sự cấm đoán.
|
Thách đố tiếp theo trong việc kê khai tài sản được Chủ tịch nước chỉ ra là rất nhiều hoạt động trong xã hội vẫn chưa được minh bạch. “Luật có, pháp lệnh có nhưng vẫn không làm gì và không ai (làm sai) bị trị hết, vô chủ tới mức độ đó. Có những chuyện không bí mật nhưng cường điệu lên, núp bóng danh nghĩa “bí mật” để che giấu tham nhũng. Đó là chuyện mà tôi báo cáo trước để thấy rằng hạn chế của chủ trương kê khai này. Ý chí là tốt nhưng một loạt chuyện không đồng bộ thì không hiệu quả” – ông nhận định.
Và thách đố cuối cùng, theo Chủ tịch nước, là từ lương tâm con người; từ sự quyết tâm, trong sạch của cơ quan chức năng, kiểm kê kiểm soát. Ông nói: “Tôi biết bây giờ không phải cơ quan chức năng nào cũng thực hiện đầy đủ vai trò. Không phải ai trên đời này cũng miễn dịch hết sự cám dỗ. Các cơ quan chức năng phải làm đầy đủ chức năng kiểm kê kiểm soát. Điều này hệ trọng lắm!”.
“Tôi thấy thật xấu hổ”
Cử tri Nguyễn Minh Châu đặt câu hỏi: “Liệu việc bỏ phiếu tín nhiệm có công tâm và thực chất?”. Chủ tịch nước trả lời: “Tất nhiên, muốn quy trình này có hiệu quả cao thì những người cầm lá phiếu phải khách quan, công tâm, vì sự nghiệp của đất nước chứ không phải vì cái ghế mình đang ngồi. Thậm chí phải có cả dũng khí”.
Chủ tịch nước nói cử tri hãy đòi hỏi các đại biểu – những người cầm lá phiếu – phải thực hiện đúng ý chí của mình trong việc bỏ phiếu tín nhiệm. Ông cũng mong mỏi các đại biểu Quốc hội, HĐND cả nước đừng để dân mất lòng tin. Chia sẻ những câu hỏi còn hồ nghi về việc lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch nước bày tỏ: “Cũng hơi chạnh lòng là các cô bác, anh chị chưa tin trung ương lắm. Nhưng niềm tin đang bị giảm sút, tôi thấy thật xấu hổ”. Ông cho biết chậm nhất là đầu năm 2013 trung ương sẽ ban hành nghị quyết về bỏ phiếu tín nhiệm.
Đối với vấn đề lợi ích nhóm, cử tri Trần Văn Lâm (P.Cầu Ông Lãnh) băn khoăn: “Vấn đề đã được Đảng, Quốc hội nêu lên nhưng chưa thấy ai làm rõ khái niệm, chưa thấy cơ quan nào chỉ ra lợi ích nhóm ở chỗ nào?”. Chủ tịch nước thừa nhận: “Bây giờ khắp cả nước đi đâu cũng nghe nói về lợi ích nhóm. Ai? Ở đâu? Tại sao không chỉ ra?…”. Ông nói câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng trả lời cực kỳ khó. Khó vì muốn chỉ rõ phải có dũng khí, dám nhìn vào sự thật, phải có trí và dũng.
“Câu chuyện này (lợi ích nhóm) nếu nói ngay bây giờ thì cô bác anh chị không hài lòng. Nhưng nếu giải quyết từng câu chuyện, dọn dẹp tiêu cực từng vụ một thì sẽ đi đến đích. Kết quả đã làm thời gian qua chưa được bao nhiêu nên tôi xin phép chưa trả lời cụ thể” – Chủ tịch nước khất lại với cử tri.
NGUYỄN VIỄN SỰ
Theo Tuổi Trẻ
Chủ tịch nước thăm Brunei và Myanmar
Nhận lời mời của Quốc vương Brunei Darussalam Haji Hassanal Bolkiah và Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar Thein Sein, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước tới Brunei từ ngày 27 đến 29-11 và Myanmar từ ngày 29-11 đến 1-12.
Hiện nay Brunei có 124 dự án với tổng vốn đạt 4,9 tỉ USD, đứng thứ 12/92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam cũng có một dự án đầu tư vào Brunei với tổng vốn đăng ký 650.000 USD (lĩnh vực kinh doanh kim loại màu, kim loại quý, kinh doanh hóa chất). Tổng đầu tư đã đăng ký của doanh nghiệp Việt Nam vào Myanmar tính đến hết năm 2011 đạt 500 triệu USD và còn nhiều dự án đang chờ được cấp phép. Hiện Tập đoàn Cao su Việt Nam đang nghiên cứu triển khai đề án trồng 200.000ha cao su tại Myanmar.
V.V.THÀNH
|
Bình luận (0)