Tạp chí New Scientist trong năm qua đã tổng hợp kết quả nghiên cứu của một số công trình khoa học về những nguyên nhân dẫn tới nạn tham nhũng.
Các nhà khoa học đã minh họa rất rõ những tình huống mà trong đó, những người vốn thông minh, tư duy tỉnh táo bỗng dưng trở thành những kẻ tham nhũng.
Và dẫu rằng không ai đưa ra được các “toa thuốc” đặc trị chống lại căn bệnh trầm kha này nhưng các nhà khoa học vẫn cố gắng bằng các tìm tòi của mình để lý giải, tại sao cách hành xử trái đạo đức và trái pháp luật như thế vẫn rất phổ biến trên thế giới.
Đại bộ phận trong chúng ta thường vẫn cho mình là những người trung thực và nghĩ rằng các khái niệm không hay ho như tham nhũng, tham ô là chuyện chẳng liên quan gì tới mình. Thế nhưng, các nghiên cứu lại cho thấy, bằng cách này hay cách khác, bất cứ ai trong chúng ta, ngay cả người trung thực, chính trực nhất, cũng có thể bị dính líu tới chuyện đó.
Vấn đề là ở chỗ, dù xã hội có ở trình độ văn minh cao đến mấy, thì hiện tượng lạm dụng chức quyền trong chính trị, trong các cơ quan quyền lực khác nhau và trong kinh doanh ở mức độ này hay mức độ khác vẫn xảy ra ở khắp mọi nơi. Tại tuyệt đại đa số các quốc gia, không thể nào loại bỏ hoàn toàn những thèm khát trục lợi một cách bất hợp pháp trong lòng những người đang có chức quyền bằng bất cứ án tù hay các hình thức xử lý hình sự nào.
Nói theo cách của Thủ tướng Nga Vladimir Putin, có quyền lực thì bao giờ cũng có nguy cơ lạm quyền! Vậy nên, để cuộc đấu tranh chống tham nhũng có được hiệu quả cần thiết, phải hiểu rõ điều gì đã là động cơ dẫn tới các hành vi tham nhũng.
Minh họa: Lê Phương.
Hiện tượng lạm dụng quyền lực của các quan chức để trục lợi cá nhân đã được các nhà khoa học nghiên cứu trong tất cả các hình thức biểu hiện khác nhau. Thậm chí cả ở cấp độ bản năng. Bởi lẽ, nếu nhìn từ góc độ tiến hóa, cách hành xử “đạo đức sáng như gương” không phải bao giờ cũng là chiến lược hợp lý nhất, mà chính sự khôn ngoan, láu cá mới tạo nên được những lợi thế nhất định và những cơ hội lớn để giành lấy thắng lợi hơn hẳn trước những ai hành xử như tất cả mọi người hoặc những ai luôn luôn làm đúng các quy chế và quy định. Và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cuộc đấu tranh chống lại việc trục lợi một cách bất hợp pháp và vô đạo đức trở nên phức tạp đến nhường vậy.
Thử nghiệm tham ô
Nhà khoa học Samuel Bendahan từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Lausanne khẳng định: “Nếu bạn phần lớn thời gian đều trung thực thì chỉ vì nguyên do duy nhất là bạn không có cơ hội để lừa dối”. Cùng với các đồng nghiệp của mình, ông đã nghĩ ra một trò chơi mà trong đó, những người tham gia nó phải cùng nhau phân chia một khoản tiền cho mình và cho những người khác, thực hiện nhiệm vụ của các nhân viên.
Đã xuất hiện nhiều phương án khác nhau để làm việc này. Có thể chia tiền bằng cách đưa cho những người khác các khoản thù lao cao hơn từ số tiền lẽ ra mình phải được hưởng. Và cũng có thể chia cho những người khác ít tiền thù lao hơn và số dư ra thì đút vào ví mình. Trong quá trình thăm dò ý kiến sơ bộ, cách làm thứ hai chỉ được 4% số người tham gia thí nghiệm đồng tình.
Trong giai đoạn đầu của thí nghiệm, một người được cử ra để phân phối những khoản tiền không lớn lắm cho những người chơi. Và trong suốt mười lượt chơi, mọi sự đều diễn ra một cách trung thực.
Thế rồi số người được cử ra để chia tiền tăng lên tới con số 3 và tổng số tiền cũng được tăng lên. Kết quả là trong 10 lượt chơi theo quy tắc này, 455 số thành viên tham gia thí nghiệm đã có hành vi phi đạo đức và lợi dụng cương vị của mình để làm giàu cá nhân.
Bằng thí nghiệm này, các nhà khoa học đã cho thấy rõ, quyền chức có thể làm cho con người tha hóa như thế nào.
Mụ mẫm vì quyền lực
Quyền lực không chỉ đơn giản “nối giáo cho giặc”, khiến con người ta có thêm được những cơ hội để lạm dụng tài chính. Nó còn tác động rất mạnh đến tư duy của con người.
Nhà khoa học Joris Lammers ở Trường Đại học Tổng hợp Tilburg (Hà Lan) đã so sánh những gì diễn ra trong đầu các quan chức nắm quyền lực với tình trạng say rượu.
Rượu vào người sẽ khiến cho chúng ta bị thu hẹp sự chú ý và kích thích trạng thái vẫn được gọi là tự tin thái quá cũng như hăng hái thái quá. Các nhà nghiên cứu ở Trường Đại học Tổng hợp Tilburg đã quan sát hoạt động não của những người đang nắm quyền lực và phát hiện ra rằng, ở những người này xuất hiện hiện tượng gia tăng hoạt động ở những khu vực liên quan tới sự mất tự chủ bản thân này.
Hóa ra là, một quan chức cao cấp khi muốn được “bôi trơn” cho việc thực thi công vụ của mình có thể không nhận thức rõ được hết những hệ lụy có thể đến hoặc là có xu hướng không muốn tin rằng sẽ có thể xảy ra một chuyện gì đó không hay đối với mình vì các hành vi tham ô, tham nhũng. Nhà khoa học Lammers gọi hiện tượng này là “sự cận thị đạo đức”.
Nhà kinh tế học Dan Ariely ở Viện Công nghệ Massachussetts (Mỹ) đã phát hiện ra trong chân dung của người tham nhũng một chi tiết thú vị nữa. Theo các kết luận của Airely, những “thành tựu” lớn nhất trong “công cuộc tham nhũng”, cũng như trong rất nhiều việc khác, thường thuộc về những người có óc sáng tạo phong phú, với cách tiếp cận vấn đề độc đáo và một trí tưởng tượng cao.
Bắt tận tay, day tận trán
Thế nhưng, sự xuất hiện của các hành vi tham nhũng không chỉ được kích thích bởi những thẩm quyền mà các quan chức có, mà còn bởi cả cơ hội duy trì một khoảng cách tâm lý. Nhà kinh tế học Dan Ariely đã phát hiện ra rằng, con người ta thường hay bị lôi cuốn bởi những tấm thẻ có thể đổi lấy tiền hơn là chính bản thân những đồng “tiền tươi”.
Nếu tiếp tục lập luận theo hướng này, thì có thể thấy rằng, việc nhận hối lộ thông qua những người trung gian cho phép những quan chức tha hóa có thể phần nào được tách biệt ra khỏi những tình huống không mấy hay ho.
Thứ nhất, người trung gian dễ dàng xác định bảng giá cho các hành vi “ông chìa chân giò, bà thò chai rượu” hay mua chuộc chính trị gia và bằng cách này góp phần “bình thường hóa” hành vi đưa tiền hối lộ. Thứ hai, việc tồn tại người trung gian làm giảm bớt nguy cơ bị trừng phạt vì tội nhận hối lộ và tạo nên ảo tưởng về một trách nhiệm chung.
Như một dịch bệnh
Muốn nói gì thì nói, yếu tố quan trọng nhất dẫn tới hiện tượng tham nhũng, hối lộ trong đời sống chúng ta vẫn là việc nó có được xã hội công nhận hay không. Ở một vài quốc gia ít ỏi nào đó, đút lót, hối lộ là việc mà thậm chí ít ai phải nghĩ thế. Tuy nhiên, ở phần lớn những nước đang phát triển, không “bôi trơn”, không “làm luật” cho các viên chức thì không bao giờ làm được việc cần thiết. Thậm chí ở nhiều nơi, đút lót còn là phương thức duy nhất để có thể giải quyết nhanh chóng các vấn đề quan trọng.
Nhà khoa học Abigail Barr ở Trường Đại học Tổng hợp Oxford đã nghiên cứu về các tiểu tiết của hiện tượng tham nhũng. Bà đã tiến hành một loạt những thí nghiệm với các sinh viên ở Oxford tới từ 34 quốc gia trên thế giới. Mỗi một người trong số này phải tự quyết định xem là nên hay không nên đút lót cho các viên chức có thẩm quyền để làm một việc gì đó cần thiết của mình, thí dụ như để lấy giấy nghỉ học vì ốm chẳng hạn.
Kết quả thí nghiệm cho thấy, những sinh viên tới từ các quốc gia có chỉ số tồi tệ nhất trong bảng xếp hạng về tham nhũng thường dễ dàng chấp nhận đi hối lộ vì đối với họ, đó cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Có một điều tốt là ngay cả những người như thế cũng có thể trở nên bớt xấu tính đi trong việc đưa hối lộ. Một thí nghiệm khác, cũng do bà Barr tiến hành cho thấy, sau khi sống một thời gian ở Anh, nơi nạn tham nhũng không phải là vấn đề nghiêm trọng, thì những sinh viên trên đã có cách hành xử thích hợp với các quy tắc xã hội phổ biến trên “hòn đảo sương mù”. Và tới khi tốt nghiệp đại học, thì các trí thức trẻ tới từ các nước phổ biến nạn tham nhũng nhìn chung không còn khác biệt gì trong cách nhìn nhận vấn đề này so với các bạn đồng môn người Anh.
Xếp hạng mức độ tham nhũng trên thế giới (CPI) năm 2011
(Đánh giá của tổ chức Transparency International)
Chỉ số CPI được xây dựng trên cơ sở thống kê các hình thức tham nhũng khác nhau, kể cả việc đưa tiền hối lộ cho các quan chức, sự tham gia của các công chức vào việc chia chác lợi nhuận từ việc thực hiện các hợp đồng công, việc sử dụng không tốt các nguồn lực từ ngân sách… có tính cả sự tích cực của nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
10 quốc gia ít mắc vào tham nhũng nhất: New Zealand, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Singapore, Na Uy, Hà Lan, Australia, Thụy Sĩ, Canada.
|
Theo Khánh Hạ (ANTG cuối tháng)
Bình luận (0)