Nhờ phim ảnh và các tích truyện mà khi nhắc đến phủ Khai Phong, người Việt thường hình dung ngay hình ảnh Bao Công thiết diện vô tư, Triển Chiêu võ công tuyệt thế, Công Tôn Sách mưu trí hơn người, rồi Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ… Nhưng ít ai biết rằng, có một Khai Phong phủ thật ngoài đời bên bờ Nam dòng Hoàng Hà ở Trung Quốc.
Khai Phong phủ thuộc thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam. Thành phố này là một trong bảy cố đô của Trung Hoa. Hơn 1.000 năm trước, dưới triều Bắc Tống, Khai Phong được gọi là Đông Kinh, là kinh đô phồn hoa bậc nhất thế giới thời đó. Theo tính toán của các nhà sử học, lúc bấy giờ, trong khi các thành phố lớn nhất ở phương Tây chỉ có 20.000 dân thì Đông Kinh có đến 1,4 triệu dân, tổng thu nhập của dân cư Đông Kinh chiếm đến 75% tổng thu nhập toàn thế giới.
Tuy nhiên, vật đổi sao dời, ngày nay toàn bộ kiến trúc của Đông Kinh phồn hoa không còn nữa, phần lớn bị vùi sâu dưới lớp bùn lũ của sông Hoàng Hà, kể cả Khai Phong phủ nổi tiếng. Khai Phong phủ ngày nay mà du khách tham quan chỉ là một công trình phục dựng ngay vị trí nền cũ ngày xưa. Công trình này hoàn thành vào năm 2003, sau 15 tháng thi công, dựa trên một cuốn sách cổ miêu tả về các kiến trúc Bắc Tống. Đến năm 2007, Khai Phong phủ nhận được giải Lỗ Ban – giải thưởng cho công trình phục cổ đẹp nhất Trung Hoa.
Phủ Khai Phong
|
Gần 9 giờ sáng, trước cổng lớn phủ Khai Phong còn đóng im ỉm, tôi chen chúc trong đám đông du khách, cố tìm cho mình một vị trí tốt để xem chương trình biểu diễn hấp dẫn nhất của ngành du lịch địa phương – vở kịch tái hiện cảnh Bao Công xử án. Đúng 9 giờ, cổng lớn mở, Bao Công cùng đoàn tùy tùng uy nghiêm xuất hiện với roi gậy, cờ xí ngợp trời. Vở diễn kể lại vụ án xử chém đương kim phò mã Trần Thế Mỹ – vụ án thể hiện tính công bằng, chính trực, thượng tôn pháp luật đến tuyệt đối của Bao Công. Kết thúc vở diễn, đám đông du khách tỏa ra tham quan các khu vực kiến trúc của Khai Phong phủ. Hầu hết du khách đều tỏ ra thích thú khi được tận mắt chiêm ngưỡng Khai Phong phủ. Nằm trang trọng ngay trung tâm là phòng xử án, khung cảnh cũng tương tự trong phim: có trống kêu oan, có long đầu trảm, hổ đầu trảm, cẩu đầu trảm…
Phòng nghị sự
|
Bao Công xử án |
Khách đến tham quan Khai Phong phủ hầu hết đều bất ngờ khi biết vẻ ngoài thật sự của Bao Công không hề giống trong phim ảnh. Bao Công sinh năm 999, mất năm 1062, 5 tuổi biết chữ, 18 tuổi đỗ tiến sĩ. Tuy nhiên, vì hiếu thảo nên ông từ chối làm quan, ở nhà phụng dưỡng cha mẹ. Năm 38 tuổi, cha mẹ
Một điều thú vị là khi lang thang ở Khai Phong, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều thứ liên quan đến Bao Công, ví dụ như hồ nước gọi là hồ Bao Công, cá dưới hồ là cá Bao Công, kẹo đậu phộng cũng gọi là kẹo Bao Công… |
qua đời ông mới ra làm quan và thăng tiến nhanh chóng, nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng. Theo những tư liệu lịch sử, Bao Công thật trắng trẻo, không cao to, dáng vẻ thư sinh. Hình ảnh Bao Công to cao, mặt sắt đen sì, có hình vầng trăng nơi trán… là sản phẩm hư cấu của văn học và kinh kịch Trung Quốc rồi được đưa lên phim ảnh.
Khoảng sân trước phòng xử án có đặt một bia đá lớn gọi là Công sinh minh. Tất cả các phủ quan lại thời Bắc Tống đều bắt buộc phải có bia đá này. Trên bia khắc 16 chữ răn dạy của vua với các vị quan: “Nhĩ bổng nhĩ lộc – Dân cao dân chi – Hạ dân di nhược – Thượng thiên nan khi”, đại ý: “bổng lộc của quan là máu thịt của dân, dân chúng dễ dàng bị bức hiếp nhưng trời cao thì không dễ”. Ngẫm cũng lạ, Bao Công thật ra cũng chỉ làm theo đúng 16 chữ trên, làm tròn chức trách của mình, vậy mà lại nổi tiếng thiên cổ. Chẳng lẽ từ xưa đến nay, tìm một vị quan chức làm tròn bổn phận khó đến vậy sao?
Đến thăm Khai Phong phủ, ngoài tham quan các công trình kiến trúc và tìm hiểu lịch sử, du khách còn bị cuốn hút bởi vô số hoạt động hấp dẫn nơi đây. Bên hồ nước có các chương trình biểu diễn xiếc và ảo thuật hấp dẫn. Các tòa lầu trong phủ là nơi tổ chức các hoạt cảnh, các trò chơi tái hiện cuộc sống thời xưa như cảnh thi đỗ trạng nguyên, cảnh gieo tú cầu, cảnh đám cưới…
Sau khi tham quan Khai Phong phủ xong, du khách nên ngủ lại thành phố Khai Phong một đêm để đi dạo chợ đêm – một trải nghiệm cực kỳ thú vị. Đêm xuống, khu phố trung tâm Khai Phong rực rỡ ánh đèn lồng, các quầy hàng đủ màu sắc chen chúc bày bán hai bên đường, đủ mọi chủng loại, từ đồ ăn, thức uống, cho đến quần áo, đồ lưu niệm… Đặc biệt, thành phố Khai Phong còn tổ chức cho nhiều đoàn người mặc trang phục theo kiểu cổ, đi vào chợ đêm, biểu diễn các hoạt cảnh để thu hút du khách.
Du khách thử tài làm kẹo
|
Một triệu lượt khách và 30 triệu tệ doanh thu mỗi năm, Khai Phong đã đưa một huyền thoại vào ngành du lịch và kinh doanh nó thành công.
Nguyên Hà / Phụ Nữ
Bình luận (0)