Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thẩm quyền mở trường đại học – Thủ tướng hay bộ trưởng?

Tạp Chí Giáo Dục

Dư luận đang nóng lên với vấn đề chất lượng các trường ĐH mới được thành lập, mà đỉnh điểm nhất là ĐH Phan Thiết với thực tế “đề án giả, tuyển sinh thật”. Vấn đề càng được quan tâm hơn khi dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung sẽ trình Quốc hội trao cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyền quyết định thành lập ĐH.
Sinh viên Nguyễn Trường Ngọc Tú, khoa Công nghệ sinh học Đại học Nông Lâm TPHCM, thực hiện đề án tốt nghiệp trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Mai Hải
Ồ ạt thành lập ĐH
Có thể nói, chưa bao giờ các quyết định thành lập ĐH (bao gồm thành lập mới và nâng cấp trường cao đẳng thành ĐH) lại nhiều như hiện nay. Quyết định được đưa ra hàng tháng, thậm chí hàng tuần. Có ý kiến cho rằng, với đà này, không lâu, Việt Nam sẽ xóa được tỉnh trắng về ĐH.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 376 trường ĐH-CĐ. Chỉ sau 22 năm (từ 1987 đến 2009) số trường ĐH-CĐ đã tăng gấp 3,7 lần (năm 1987 cả nước có 107 trường ĐH-CĐ). Đỉnh điểm của quá trình “bùng nổ” số trường ĐH-CĐ rơi vào 2 năm (2006 – 2007) với gần 40 trường ĐH mới (thành lập mới và nâng cấp). Tổng số SV tăng 13 lần (từ 133.136 SV năm 1987 lên trên 1,7 triệu SV năm 2009). Nhưng điều đáng ngạc nhiên là 376 trường ĐH-CĐ cả nước chỉ có 330 giảng viên có chức danh GS, PGS. Nếu chia bình quân thì mỗi trường chưa đầy… 1 GS, PGS.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ sự lo ngại vì trong thời gian ngắn, đã có quá nhiều trường ĐH-CĐ ra đời. Phần lớn các trường đó là các trường công lập ở địa phương. “Việc mở các trường ở các địa phương một cách tràn lan cực kỳ nguy hiểm. Cần rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường và việc thực hiện mở trường”.
Tại buổi lấy ý kiến đóng góp cho Luật Giáo dục sửa đổi do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tổ chức vào ngày 17-10, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần nghiêm túc trong việc cấp phép mở trường đại học. GS Nguyễn Xuân Hãn nói đã đến lúc các nhà hoạch định chiến lược cân nhắc xem có nên mở trường ĐH mới nữa hay không. Một số chuyên gia giáo dục khác cũng cho rằng, khi cấp phép mở trường ĐH, cần xem xét tất cả những yếu tố, không vì những lý do khác. “Dường như đang có trào lưu tỉnh nào cũng có trường ĐH, có những trường mở rồi, sau một đợt tuyển sinh chỉ tuyển được chục thí sinh trên điểm sàn”, một vị giáo sư bức xúc. GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: “Nếu ra quyết định thành lập tràn lan chỉ khổ dân”.
Khi bàn về vấn đề này, ở khía cạnh khác, GS Vũ Minh Giang cho rằng, việc thành lập một trường ĐH mới có 2 mặt. Một mặt đáp ứng nhu cầu của người học ngày càng cao. Nhu cầu học ĐH của người dân gia tăng đến mức có nhiều ý kiến cho rằng, các trường ĐH kể cả công lập lẫn ngoài công lập, không cần thiết đổi mới thì vẫn có người học. “Chính vì vậy cho nên vẫn phải tăng số lượng các trường ĐH nhưng tăng như thế nào là vừa phải thì nên nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và điều kiện như thế nào để đảm bảo một trường ĐH có thể hoạt động được cần chặt chẽ hơn”, GS Giang đề xuất.
Trao quyền cho ai?
Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Luật Giáo dục 2005 quy định: Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định cho phép thành lập trường ĐH. Nay, dự thảo đề xuất sửa đổi, giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định thành lập đối với trường ĐH, trong trường hợp đặc biệt Thủ tướng mới quyết. Bộ GD-ĐT lý giải cho sự thay đổi này: thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong quản lý nhà nước về GD được xác định rõ hơn. Còn Thủ tướng tập trung quản lý, điều hành cấp vĩ mô.
Khi lấy ý kiến các chuyên gia cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, hầu như ý kiến nào cũng băn khoăn về vấn đề thẩm quyền ra quyết định thành lập trường ĐH. Dư luận đang lo ngại, nếu giao quyền quyết định thành lập ĐH cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chất lượng giáo dục ĐH càng nguy hiểm hơn. GS Vũ Minh Giang đồng tình với đông đảo ý kiến là nên để quyền quyết định thành lập trường ĐH đó cho Thủ tướng. “Lập một trường ĐH không phải chỉ là quản lý của Bộ GD-ĐT mà còn liên quan đến rất nhiều bộ, ngành khác nữa. Vì vậy để cân đối toàn bộ những việc đó, nên để Thủ tướng ra quyết định thành lập”, GS Giang nói.
TS Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết, luật giáo dục của một loạt nước như Nga, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Hungary, Ba Lan… đều quy định việc thành lập trường ĐH do quốc hội hoặc chính phủ quyết định.
Cần quy định lại điều kiện mở trường
GS Trần Hồng Quân cũng kiến nghị, cần quy định lại điều kiện mở trường. Cần tách 2 giai đoạn, giai đoạn quyết định cho mở trường và giai đoạn có đủ điều kiện để tiến hành hoạt động đào tạo. 3 điều kiện cần thiết nhất để thành lập một trường ĐH là đất đai, năng lực tài chính, có người quản lý. Nếu đủ 3 điều kiện này thì sẽ có cơ sở để xây dựng nhà trường đủ điều kiện để tổ chức đào tạo. GS Vũ Minh Giang cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng, hiện đang có mâu thuẫn “quả trứng con gà”: đủ điều kiện mới cho phép thành lập hay cho phép thành lập rồi mới có các điều kiện. “Nếu như không có một đảm bảo pháp lý nào thì rất khó có ai góp vốn hay các cơ quan có chức năng đầu tư vào thành lập ĐH. Việc thành lập ĐH nên triển khai làm 2 bước. Bước một là báo cáo dự án lập trường, có thể ở dạng cho phép lập trường. Bước thứ hai là sau khi thực hiện đầy đủ các điều kiện đó, có thẩm định và cho phép hoạt động”.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu ngay giai đoạn đầu chúng ta đòi hỏi điều kiện có cơ sở vật chất, có thiết bị, có đội ngũ thì không ai có được. “Trên thực tế, với quy định hiện tại thì không ai mở trường được, để mở được trường thì phải lách!”, một chuyên gia lâu năm trong ngành giáo dục nói.
Vị chuyên gia này cũng dẫn chứng, trong các hồ sơ mở trường nằm trên Bộ GD-ĐT cũng như ở Văn phòng Chính phủ có hết mọi yêu cầu về cơ sở vật chất, có chữ ký của nhiều giảng viên, nhưng nhiều giảng viên cùng ký ở nhiều hồ sơ thành lập trường ĐH. Xét cho cùng đó là lời “hứa”, chưa phải là đội ngũ thật của trường xin thành lập. Vì vậy, nhiều điều kiện thành lập trường, chỉ là hình thức.
Lâm Nguyên (SGGP)

Bình luận (0)