Ngày 22-2, tại TP.HCM, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc đối thoại giữa các tham tán thương mại Việt Nam tại các nước với doanh nghiệp (DN) để trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong xuất nhập khẩu.
Để “cứu” doanh nghiệp, nhiều khi tham tán phải đập bàn, đập ghế.
Tại đây, DN cho hay họ đang “khát” thông tin về thị trường các nước.
Thiếu thông tin
Đại diện Công ty Tiến Đạt (Bình Định) đề nghị khi tham tán thương mại có thông tin thị trường thì phải nhanh chóng cho DN trong nước biết để tránh rủi ro cũng như nắm bắt cơ hội xuất khẩu.
“Trước đây, tại Ấn Độ có một đợt giảm giá lớn. Một DN ngành gỗ nhận được lời đề nghị của phía đối tác giảm giá 7% cho lô hàng. Đáng tiếc là do không có thông tin về thị trường này nên đã không chịu bán, neo hàng chờ lên giá. Sau đó giá không tăng mà lại giảm đến hơn 10% và DN chịu thiệt” – đại diện công ty này dẫn chứng.
Thủy sản Việt đang được xuất khẩu sang nhiều nước. Trong ảnh: Chế biến cá ba sa, cá tra xuất khẩu. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
Ông Trần Thành Trọng, Giám đốc Công ty Sáng Ban Mai chuyên sản xuất máy phát điện, cho rằng cần phải xem lại vấn đề hàng Trung Quốc (TQ) nhưng gắn mác Singapore. Ông Trọng nói: “Chúng tôi biết có rất nhiều máy móc từ TQ, lắp ráp ở TQ xuất khẩu sang Singapore để lấy mác nước này rồi nhập vào Việt Nam. Lý do là xin xuất xứ Singapore khá dễ dàng”.
Từ thực tế này, ông Trọng đề nghị Bộ Công Thương và thương vụ Việt Nam ở Singapore xem lại các quy định về xuất xứ để thông tin, tư vấn và giải quyết. Qua đó để hàng Việt Nam không bị lép vế trước hàng TQ gắn mác Singapore.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty Phước Thành Bảy Mập, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, kể công ty thường xuất khẩu gạo đi thị trường Mỹ. Gần đây do thiếu thông tin, không biết chất nào bị cấm và tỉ lệ bao nhiêu tại thị trường này. Chính vì vậy khi hàng đến Mỹ mới biết phải niêm phong hàng, gửi kho, chờ kiểm định…
Đến khi xong các khâu trên mà hàng đạt tiêu chuẩn, không có chất cấm thì mới được giao cho khách hàng. Trong khi đó, những kết quả kiểm định tại Việt Nam như kiểm dịch thực vật thì Mỹ hoàn toàn không xem xét đến.
Từ đó, bà Nhung đề nghị: “Cơ quan quản lý xem xét cho DN khỏi kiểm dịch thực vật tại Việt Nam vì mất công, mất tiền mà cuối cùng phía nước nhập khẩu lại không cần đến”.
Một số DN khác cũng cho hay họ đang “đói” các thông tin về ngành hàng, các tiêu chuẩn chất lượng, thay đổi tỉ giá, dấu hiệu khủng hoảng… ở các nước để biết cách ứng phó. Đồng thời công khai thông tin về những lô hàng xuất khẩu bị lỗi, “có vấn đề” để các DN khác tránh gặp lỗi tương tự.
Sẵn sàng hỗ trợ
Đáp lời các DN, các tham tán thương mại và đại diện của nhiều thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nói sẵn lòng hỗ trợ, cung cấp thông tin cho DN.
Ông Phạm Trung Nghĩa, tham tán thương mại tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), cho hay trong năm ngoái, thương vụ này nhận và trả lời hơn 3.000 email hỏi thông tin từ các DN, hiệp hội… Thương vụ tự đánh giá chất lượng trả lời đạt 7,5 điểm/10. Tuy vậy, ông Nghĩa lưu ý: “Hiệp hội và DN nên hỏi cụ thể hơn, vì nhiều câu hỏi còn chung chung, mênh mông nên không biết phải trả lời thế nào”!
Đặc biệt, theo ông Nghĩa, hiện thường chỉ có thông tin một chiều. Cụ thể là thương vụ cung cấp thông tin về nước về tình hình thị trường, giá cả… ở thị trường nước ngoài. Thế nhưng các DN và hiệp hội, địa phương trong nước, trừ ngành thủy sản và da giày, chẳng bao giờ thông báo cho thương vụ biết tình hình giá cả, nguồn hàng trong nước ra sao; được mùa, mất mùa thế nào, giá lên hay giá xuống.
“Thế nên nhiều lúc khách hàng nước ngoài tìm hỏi mua hàng hóa Việt, chúng tôi không có thông tin để trả lời cho người ta đặt hàng” – ông Nghĩa nêu thực tế.
Tham tán Đào Trần Nhân, phụ trách thị trường Mỹ, chia sẻ hiện nay Mỹ mới chỉ cho nhập bốn loại hoa quả tươi Việt Nam là thanh long, chôm chôm, vải và nhãn. Xoài và vú sữa thì đang trong quá trình đàm phán để qua đó có thể nhập chính thức vào nước này.
“Thế nhưng rất nhiều DN liên hệ thương vụ nhờ tìm giùm đối tác Mỹ để DN xuất chanh tươi, chanh leo… vào Mỹ mà không biết rằng phải mất 5-7 năm mới làm xong thủ tục xuất một loại quả vào nước này” – ông Nhân nói.
Nắm bắt cơ hội
Theo các tham tán thương mại, có nhiều cơ hội cho DN xuất nhập khẩu trong năm 2016 nếu DN biết nắm bắt và xoay trở kịp thời. Tham tán Đào Trần Nhân dẫn chứng hằng năm Mỹ dùng tới 2,5 tỉ đôi giày, mỗi người dùng tám đôi. Theo tính toán của Hiệp hội Giày dép Mỹ, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thực thi, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu mặt hàng này lên 32%.
Ông Nhân nhấn mạnh: “Do vậy, tôi cho rằng DN Việt nên tận dụng cơ hội do TPP mang lại, tăng thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành này, sẵn sàng đương đầu với khó khăn và tận dụng cơ hội”.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, tham tán Việt Nam tại Nhật, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Nhật tăng rất mạnh. Riêng năm 2015 đã gấp đôi 2010, năm 2016 dự kiến đạt 30 tỉ USD.
“Tôi nghĩ trái cây đã vào được Nhật thì sẽ xuất đi thị trường khác được. Như thanh long vào Nhật xong thì vào Mỹ. Xoài cũng đã vào được thị trường Nhật. Họ còn “bật đèn xanh” khi hỏi rằng các ông muốn xuất cái gì sang Nhật?” – ông Dũng thông tin.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, vấn đề lo ngại nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm của các lô hàng nhập khẩu. Hơn nữa, hàng Việt xuất vào nước này được hay không còn phụ thuộc DN và Bộ NN&PTNT.
“Cứu” doanh nghiệp nhiều phen Thời gian qua, một số tham tán đã hỗ trợ hữu hiệu cho DN giải quyết tranh chấp, hạn chế rủi ro và chặn đứng kịp thời một số vụ lừa đảo. Ông Phạm Thế Cường, tham tán ở Ai Cập, dẫn chứng DN xuất chủ yếu là nông lâm thủy sản vào thị trường này. Song có hiện tượng DN nước ngoài mua hàng thông đồng với hãng tàu để “rút” hàng mà không trả tiền. Và thương vụ đã can thiệp, hỗ trợ nhiều vụ. Ông Phạm Trung Nghĩa cho biết trong năm ngoái, thương vụ tại Dubai đã nhận thông tin về tranh chấp của DN và hỗ trợ tám DN Việt đòi lại được 4 triệu USD. “Chúng tôi phối hợp với đại sứ quán để tác động đến các cảng, hãng tàu để ngưng chuyển hàng, chuyển tiền…, để DN Việt không mất tiền. Nhiều khi phải đập bàn, đập ghế làm căng mới được. Tuy vậy, có nhiều vụ DN chậm cung cấp thông tin nên thương vụ chỉ hỗ trợ đòi được gần 40% tiền cho DN thôi” – ông Nghĩa nói. Tiêu điểm Cần rút ngắn thời gian cấp C/O Xin cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) thường mất ba ngày. Thêm năm ngày chuyển phát nhanh nữa thì tổng cộng mất tám ngày C/O mới đến tay khách hàng. Với những thị trường xa như châu Âu, Mỹ, tàu đi 20 ngày không thành vấn đề vì C/O đến trước. Nhưng với thị trường Nhật, Hong Kong, hàng đi chỉ mất 5-7 ngày chạy tàu mà tám ngày mới gửi được C/O đến khách hàng thì quá lâu, DN không kịp cung cấp chứng từ cho đối tác trước khi tàu đến. Vì vậy cần rút ngắn thời gian cấp C/O xuống để DN nhờ. Bà TÔ TUỆ LANG, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Thuận |
QUỲNH NHƯ(PLO)
Bình luận (0)